Các nguy cơ với kinh tế Trung Quốc năm 2017

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, chiến lược phát triển cân bằng của Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng đạt được.

Thị trường bất động sản Trung Quốc dự báo sẽ sụt giảm thời gian tới. Nguồn: internet.
Thị trường bất động sản Trung Quốc dự báo sẽ sụt giảm thời gian tới. Nguồn: internet.

Sẵn sàng chấp nhận tăng trưởng giảm

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phải nỗ lực vật lộn giữa một bên là đối phó với tình trạng vay mượn quá mức và kiềm chế giá bất động sản (BĐS) tăng vọt trong khi bên kia là làm sao vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh.

Đồng thời, họ cũng đang phải chiến đấu với áp lực đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá và dòng vốn rút ra khi lãi suất ở Mỹ tăng; tương lai đối đầu về thương mại cũng như vấn đề Đài Loan khi chính quyền mới dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sắp chính thức điều hành kinh tế Mỹ.

Việc cùng lúc đối phó với những vấn đề này không đơn giản vì nguy cơ các cú sốc có thể xảy ra. Như tài chính cho các DN nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn khi lợi tức trái phiếu tăng và thị trường trái phiếu bị thắt chặt thanh khoản hơn.

Một nguồn thạo tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã nói với các quan chức hàng đầu của mình rằng, ông sẵn sàng cho việc chấp nhận tăng trưởng GDP ở dưới mức mục tiêu 6,5% đến năm 2020 nếu mục tiêu này mang theo nó quá nhiều rủi ro. Điều đó cho thấy các nhà lãnh đạo nước này đã sẵn sàng chấp nhận giảm bớt các rủi ro cho kinh tế năm 2017.

Nên cho dù gần đây, nhiều chuyên gia đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm tới và kỳ vọng sẽ không có những bất ổn lớn thì vẫn có những yếu tố có thể gây ra sụt giảm tăng trưởng hoặc rủi ro hệ thống trong hệ thống tài chính của Trung Quốc.

Trong đó, nguy cơ trước hết cần đề cập đến là khả năng các dòng vốn rút ra nhanh hơn khỏi Trung Quốc. Theo dự báo của Pauline Loong, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu Analytica có trụ sở tại Hồng Kông, dòng vốn rút ra có thể vượt trên 200 tỷ USD trong quý IV năm nay và có thể sẽ còn lớn hơn nữa trong quý I/2017.

Bà Pauline Loong cho rằng, dòng vốn rời đi không chỉ vì các lý do như đồng USD mạnh lên hay lãi suất ở Mỹ tăng mà vì các yếu tố cốt lõi hơn như kỳ vọng đồng NDT sẽ tiếp tục suy giảm, triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu hơn và chi phí vay tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các cơ hội đầu tư sinh lợi…

“Cơn ác mộng thực sự cho Bắc Kinh - và cho các thị trường - là một vòng tác động luẩn quẩn. Cụ thể là các dòng vốn rút ra sẽ khiến đồng NDT mất giá mạnh hơn và NDT mất giá mạnh hơn lại khiến dòng vốn rút ra nhanh và mạnh hơn nữa. Thế nên, chúng tôi cho rằng dòng vốn rút ra sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, trừ khi có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn được đưa ra” – bà Pauline Loong nói.

Và khó cải cách quyết liệt

Tiếp đến là nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Ông Trump đã bổ nhiệm giáo sư Peter Navarro - một nhân vật thường xuyên có những phê phán các hoạt động thương mại của Trung Quốc - vào vị trí đứng đầu Hội đồng thương mại quốc gia Nhà Trắng cũng là dấu diệu cho thấy nguy cơ bất ổn gia tăng giữa thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một bài xã luận xuất hiện trên China Daily gần đây đã cáo buộc ông Peter Navarro là người theo “chủ nghĩa báo động chống Trung Quốc” và cho rằng, việc bổ nhiệm Peter Navarro - tác giả của cuốn sách “Chết bởi Trung Quốc: Mỹ mất ngành sản xuất ra sao” là dấu hiệu cho thấy dường như chính quyền Trump có ý định đối đầu với nước này.

Theo David Loevinger, một cựu chuyên gia về Trung Quốc của Bộ Tài chính Mỹ, việc mỗi nước tìm các động cơ chính trị riêng của mình để theo đuổi chủ nghĩa dân túy có thể “làm nản” các thị trường vào năm tới.

Những sai lầm chính sách cũng là một rủi ro lớn trong năm tới. Theo Geoffrey Yu, người đứng đầu bộ phận đầu tư của UBS Wealth Management, với các điều kiện tiền tệ đã được thắt chặt khá mạnh ở Trung Quốc thời gian qua thì việc thắt chặt hơn nữa có thể xem là một trong những rủi ro lớn nhất thời gian tới.

Và để bù đắp lại những rủi ro như vậy, có thể cần đến sự thúc đẩy tài khóa lớn trong tương lai. Còn theo Shen Jianguang, kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Mizuho Securities, việc thắt chặt tiền tệ sẽ làm bộc lộ các rủi ro tài chính của Trung Quốc thế nào (vì sự tích tụ lớn của các khoản nợ trong những năm gần đây) sẽ là một trong những bất ngờ lớn trong năm tới.

Theo bà Wang Tao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại UBS Group AG, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống mức 6,4% trong năm 2017, từ mức dự báo 6,7% cho năm 2016. Nguyên nhân chính bởi sự sụt giảm của thị trường BĐS sẽ kéo ngành xây dựng và các lĩnh vực đầu tư liên quan sụt giảm sâu hơn, cũng như có thể khiến đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm sút thêm khi thiếu các dự án đầu tư hấp dẫn.

Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ mức 6,6% lên 6,7% trong năm 2017. Tuy nhiên họ cũng thừa nhận, một trong những rủi ro chính đối với dự báo của họ là khả năng thị trường BĐS bị thắt chặt hơn.

Và thậm chí ngay cả khi những rủi ro như trên không xảy ra thì tăng trưởng của Trung Quốc cũng đang ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ năm 1990. Và để ngăn chặn một sự suy giảm sâu hơn thì các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải linh hoạt hơn trong hóa giải các thách thức đa chiều.

Và theo David Dollar, một viện sỹ nghiên cứu cao cấp tại Viện Brookings, Trung Quốc sẽ khó có thể thực hiện những cải cách quyết liệt trong năm tới vì đây là năm sẽ diễn ra Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (dự kiến vào cuối năm 2017) với khả năng 5 trong số 7 thành viên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được thay thế.