Các nhà đầu tư Châu Á có lý do để lo lắng, dù thị trường tăng sau bầu cử Mỹ

Theo enternews.vn

Thị trường tài chính toàn cầu đã hồi phục sau khi ông Donald Trump bất ngờ trúng cử, nhưng lợi tức trái phiếu tăng và khả năng thuế nhập khẩu đánh vào các mặt hàng nhập vào Mỹ cũng sẽ tăng đã khiến cho nhiều nhà đầu tư Châu Á lo lắng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Timothy Moe, trưởng nhóm phân tích chiến lược thị trường vốn Châu Á tại Goldman Sachs, nói rằng những lo lắng trên là một trong những nguyên nhân của việc bán tháo đáng kể trên thị trường tiền tệ khu vực trong tuần qua.

Hôm thứ Sáu tuần trước, đồng rupee của Ấn Độ giảm 1% so với đồng USD, đồng rupiah của Indonesia giảm 1,13%, và đồng ringgit của Malaysia giảm 0,23% sau khi rớt 1,08% trong ngày thứ Năm.

Trong khi đó, lãi suất trái phiếu tăng trên toàn cầu. Sáng nay, lãi suất trái phiếu có kỳ hạn 10 năm tăng từ 1,828% trước ngày bầu cử lên 2,189%, trong khi đó lãi suất trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm của Chính phủ Nhật Bản tăng từ -0,051% lên -0,023%. Giá trái phiếu lại đảo chiều với lãi suất.

Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn thích trái phiếu Chính phủ Mỹ hơn các trái phiếu chính phủ Châu Á do sự ổn định tương đối trên thị trường Mỹ và lãi suất cao hơn.

Kết quả là các nhà quan sát thị trường đã dự báo rằng sẽ có dòng chảy vốn đầu tư ra khỏi Châu Á, cùng với rào cản thương mại có thể sẽ có tại Mỹ, sẽ cản trở bất cứ tác động lan tỏa tích cực nào vào Châu Á từ sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ và cả thị trường vốn ở Mỹ.

Tại Mỹ, sự gia tăng của thị trường chứng khoán ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc – đưa chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2011 - dường như gợi ý rằng các nhà đầu tư đang đặt cược nhiều vào chính sách tài khóa do ông Trump đề xuất, thông qua các biện pháp giảm thuế và chi tiêu mạnh vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng.

Ông Moe cho rằng thị trường chưa đánh giá đầy đủ nguy cơ sụt giảm xuất hiện do những chính sách thương mại của chính quyền tổng thống mới đắc cử Donald Trump thực hiện thời gian tới.

Thương mại chính là điểm được xoáy vào nhiều nhất trong chiến dịch tranh cử, khi ông Trump thề sẽ đàm phán lại các hiệp định thương mại tự do đang tồn tại, phủ quyết việc thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và áp đặt 45% thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa đến từ Trung Quốc.

“Chúng tôi cho rằng điều đó [áp thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc] sẽ khó có thể xảy ra, nhưng có thể sẽ có cái gì đó xảy ra từ quan điểm chính trị này,” ông Moe nói.

Theo ông Moe, hiện vẫn chưa rõ liệu những biện pháp này của ông Trump sẽ chỉ là những “tuyên bố chính trị” hay là những chính sách kinh tế thực tiễn.

Mặc dù vậy, ông Moe đưa ra lời cảnh báo, mọi chuyện với Châu Á sẽ vẫn rất khó khăn dù ông Trump không theo đuổi chính sách thương mại khắc nghiệt của ông.

Nếu như các biện pháp tài khóa của ông Trump mang lại tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng cho Mỹ và rồi sau đó Fed tăng lãi suất đủ để tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa lãi suất tại Mỹ và phần còn lại của thế giới, đồng USD có thể sẽ tăng cao hơn.

Đồng đô la mạnh lên, cùng với lãi suất tăng và có những lo ngại rằng Trung Quốc có thể hạ thấp giá trị đồng nhân dân tệ xuống sẽ là những khó khăn lớn cho thị trường Châu Á.