Các quốc gia đang phát triển là động lực chính tăng trưởng toàn cầu

Theo TTXVN

Sự phục hồi khiêm tốn theo dự kiến của nền kinh tế thế giới trong năm 2017-2018 có thể chỉ là chỉ dấu về sự ổn định kinh tế, chứ không phải là dấu hiệu về một sự hồi sinh mạnh mẽ và bền vững nhu cầu của thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nhận định trên được đưa ra báo cáo mới của Liên hợp quốc có tên "Triển vọng Tình hình Kinh tế Thế giới" (WESP). 

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn WESP cho biết, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 2,2% trong năm 2016. Đây là mức tăng chậm nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009. 

Tổng sản lượng của thế giới dự kiến chỉ tăng 2,7% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018, giảm đôi chút so với dự đoán được đưa ra hồi tháng Năm năm ngoái. 

Theo WESP, dù các quốc gia đang phát triển tiếp tục là động lực chính của sự tăng trưởng toàn cầu, chiếm khoảng 60% tăng trưởng tổng sản phẩm của thế giới trong giai đoạn 2016-2018, song tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở những nước kém phát triển nhất được dự đoán vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện là ít nhất phải được 7%. 

Nếu cứ theo xu thế tăng trưởng hiện nay và không có sự co hẹp mức độ bất bình đẳng thu nhập, thì tới năm 2030, gần 35% dân số tại (những quốc gia kém phát triển nhất) vẫn trong tình trạng cực kỳ đói nghèo. 

Theo báo cáo, thời gian gần đây, nhiều nền kinh tế đã bị sụt giảm đáng kể trong hoạt động đầu tư công và tư. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng năng suất lao động sụt giảm khá nghiêm trọng ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và nhiều nền kinh tế lớn đang phát triển và đang quá độ. 

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc cần phải đầu tư vốn mới và xem đây là động lực cho sự thay đổi công nghệ và tăng cường năng suất. WESP kết luận rằng đầu tư vào những lĩnh vực chủ chốt, như là nghiên cứu và phát triển, có thể thúc đẩy những tiến bộ về xã hội và môi trường đồng thời hỗ trợ sự tăng trưởng năng suất. 

Điểm sáng hiếm hoi trong WESP là mức độ thải khí CO2 trên toàn cầu đã không không tăng trong 2 năm liên tiếp, và đây là chỉ số cho thấy những hoạt động kinh tế sử dụng nhiều năng lượng đã được giảm bớt trong khi thị phần của năng lượng có thể tái sinh đã tăng trong toàn bộ cấu trúc năng lượng. 

Báo cáo cũng phát hiện thấy rằng mức đầu tư vào năng lượng tái sinh tại các quốc gia đang phát triển đã vượt mức của các quốc gia phát triển trong năm 2015. Tuy nhiên, WESP cảnh báo rằng nếu không có những nỗ lực phối hợp chính sách giữa khu vực công và tư, những cải thiện gần đây trong vấn đề hạn chế khí thải có thể dễ dàng bị đảo ngược 

Trong bối cảnh môi trường tài chính và kinh tế nhiều thách thức, báo cáo khuyến cáo cần có cách tiếp cận chính sách cân bằng hơn không chỉ để khôi phục xu thế tăng trưởng lành mạnh trong trung hạn, mà còn để đạt được những tiến triển hơn nữa cho các mục tiêu phát triển bền vững. 

Báo cáo cũng kêu gọi các quốc gia tăng cường hợp tác và phối hợp về chính sách, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.