Các quỹ đầu tư nhà nước gặp khó

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Các quỹ đầu tư nhà nước (SWF) lớn nhất thế giới đang đối mặt với triển vọng lợi nhuận năm nay không bằng năm ngoái vì sự nỗ lực đa dạng hóa vào các thị trường mới nổi đã bắt đầu cho những kết quả đáng thất vọng.

Các quỹ đầu tư nhà nước gặp khó
Các quỹ SWF gặp khó ở các thị trường mới nổi. Nguồn: internet

Theo dữ liệu của Thomson Reuters, 38 quỹ SWF hàng đầu thế giới đầu tư gần 900 tỷ USD vào cổ phiếu niêm yết công khai trên toàn cầu, trong đó hơn 1/3 tổng số (383 tỷ USD) được phân bổ vào các thị trường mới nổi, tăng 18% từ giữa năm 2012.

Châu Á và Trung Đông được phần lớn “chiếc bánh”, lần lượt chiếm 227 tỷ USD và 140 tỷ USD. Những tài sản này được hưởng lợi từ dòng vốn giá rẻ từ các nền kinh tế tiên tiến, giúp nhiều quỹ SWF đạt lợi nhuận 2 con số trong năm 2012. Trong tháng 5, Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi cho biết đang giảm mục tiêu đầu tư thị trường tiên tiến từ 35-45% xuống 32-42% nhưng giữ nguyên mục tiêu đầu tư thị trường mới nổi từ 10-20%.

Quỹ của Azerbaijan năm ngoái đã tăng tỷ trọng thị trường mới nổi từ 9,5% lên 13%, đồng thời thêm vào danh mục đầu tư đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ và đồng rúp Nga. Tương tự, các quỹ của Singapore và Nga trong năm qua cũng đẩy mạnh tài sản tại các thị trường đang nổi lên.

“Họ tin rằng thị trường mới nổi mang lại hiệu quả trong dài hạn tốt hơn... Họ sẵn sàng nghiêng về phía thị trường mới nổi, họ nghĩ có thể tránh được những thời điểm xấu trên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi không dễ xơi như vậy” - Andrew Ang, cố vấn cho SWF Na Uy và giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia ở New York, nhận xét.

Trong 3 năm qua, thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển đã tăng hơn gần 4 lần so với TTCK mới nổi. Quãng thời gian tốt đẹp ở thị trường mới nổi có lẽ đang đến hồi kết khi các nền kinh tế mới nổi bắt đầu chật vật trong việc thu hút dòng vốn từ một phương Tây đang hồi phục. Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện từ Na Uy. Quỹ SWF 760 tỷ USD của Na Uy  phân bổ 10% danh mục đầu tư chứng khoán vào các thị trường mới nổi nhưng trong quý II, đầu tư chứng khoán ở các thị trường mới nổi đã thiệt hại 5,9%.

Stephen Jen, đối tác quản lý của quỹ dự phòng SLJ Macro Partners có trụ sở tại London, phát biểu: “Trong các thị trường mới nổi, cơ sở hạ tầng thể chế rất mong manh và không minh bạch, nên tốt hơn là phải có mặt trong các công ty nơi bạn đầu tư vào, nhưng các quỹ SWF bị hạn chế về mặt này vì chủ yếu họ đầu tư vào trái phiếu và chứng khoán công”.

Trong khi các quỹ SWF tăng cường đầu tư, các thị trường mới nổi lại xuống dốc với chỉ số MSCI giảm 1% kể từ tháng 1, ngược chiều với đà tăng gần 19% của các thị trường tiên tiến.

Ước tính trong năm 2012, 10 quỹ SWF lớn nhất có khoảng 1/4 toàn bộ danh mục đầu tư các loại tài sản khác nhau được phân bổ vào các thị trường mới nổi. Về nguyên tắc, các quỹ SWF nên theo đuổi những tài sản tuy thanh khoản kém nhưng lợi nhuận cao, hơn là thụ động đầu tư vào một chỉ số.

Trên thực tế, không dễ đào trúng mỏ từ những giao dịch hiếm khi vượt quá 500 triệu USD, đặc biệt ở các thị trường mới nổi. Vốn hóa thị trường của chỉ số MSCI chứng khoán mới nổi vào khoảng 3.800 tỷ USD, bé nhỏ so với 28.800 tỷ USD của các thị trường tiên tiến.

Trong khi đó, theo CityUK, đầu tư trực tiếp của các quỹ SWF ở tất cả các thị trường trong năm 2012 giảm xuống 57 tỷ USD, thấp nhất trong 6 năm qua và thấp hơn 46% so với mức đỉnh của 3 năm trước.