Cải cách hệ thống công vụ ở Nhật Bản: 3 lần “đại phẫu”

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Kể từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay, Nhật Bản đã trải qua ba lần cải cách hành chính lớn và đạt được những thành tựu nổi bật để có được bộ máy hành chính công vụ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả như ngày nay.

Chính phủ Nhật Bản đề ra những ưu tiên trọng tâm mới trong cải cách hành chính như cắt giảm chi phí hành chính... Nguồn: internet
Chính phủ Nhật Bản đề ra những ưu tiên trọng tâm mới trong cải cách hành chính như cắt giảm chi phí hành chính... Nguồn: internet

Cải cách thể chế

Hệ thống hành chính công vụ hiện đại của Nhật Bản xuất hiện từ thế kỷ XIX, khi công cuộc hiện đại hóa dưới thời Minh Trị bắt đầu năm 1868, với sự ra đời của Chính phủ tập quyền đầu tiên. Thời kỳ này, các cơ quan công quyền của Nhật Bản được thành lập dựa theo mô hình của bộ máy hành chính công vụ phương Tây.

Sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, hệ thống công vụ hình thành từ thời kỳ Minh Trị sụp đổ. Kinh tế Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề, với 34% máy móc thiết bị công nghiệp, 25% công trình hạ tầng, 81% tàu biển bị phá hủy; lạm phát phi mã, giá cả đắt đỏ; tình trạng thất nghiệp tràn lan…

Trước áp lực từ khủng hoảng kinh tế, Nhật Bản buộc phải thay đổi để giải quyết những vấn đề cấp bách. Mỹ, nước đứng đầu quân Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản khi đó, đã thực hiện kế hoạch nhằm dân chủ hóa hệ thống chính trị - xã hội, trong đó có xóa bỏ bộ máy hành chính thời chiến, thiết lập cơ cấu chính quyền mới và cải cách nền hành chính công vụ.

Cải cách giai đoạn này được gọi là cải cách về thể chế, với việc ban hành Hiến pháp mới vào tháng 5.1947, trong đó thu hẹp vai trò của Nhật Hoàng, thay đổi mối quan hệ giữa Nội các với Nghị viện, quy định tính chất độc lập của cơ quan tư pháp, tổ chức lại hệ thống hành chính địa phương trên nguyên tắc áp dụng chế độ dân trực tiếp bầu người đứng đầu…

Tháng 10/1947, Luật Công vụ quốc gia được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho những cải cách căn bản trong hệ thống hành chính công vụ, để các công chức nhà nước thực sự trở thành công bộc của dân. Nhờ những thay đổi này, trong hai thập niên 1960 - 1970, nền kinh tế Nhật Bản đã chứng kiến sự phát triển thần tốc, làm lu mờ cả những nền kinh tế phát triển phương Tây.

Đẩy mạnh phân quyền

Trong các thập niên 1980 và 1990, hệ thống hành chính công vụ ở đất nước mặt trời mọc trải qua những thay đổi và cải cách mạnh mẽ nhất. Sự chuyển dịch của chiến lược kinh tế lấy nhu cầu trong nước làm động lực tăng trưởng đã khiến nhiều giải pháp điều hành trong giai đoạn trước của Chính phủ tỏ ra không hiệu quả.

Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đề ra những ưu tiên trọng tâm mới trong cải cách hành chính như cắt giảm chi phí hành chính nhằm hạn chế thâm hụt ngân sách, thực hiện nguyên tắc “mức tối đa bằng 0” (tức mức tăng của ngân sách chi cho hoạt động hành chính so với năm trước phải bằng 0); tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Năm 1994, Hội đồng Cải cách hành chính và cải cách cơ cấu được thành lập. Cải cách quan trọng trong cơ chế điều hành của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn này là thực hiện phân cấp triệt để, với sự ra đời của Ủy ban phụ trách thúc đẩy phân quyền cho địa phương năm 1995.

Luật Tự chủ địa phương được ban hành, quy định cụ thể cơ cấu, thành phần và quyền hạn của các cơ quan lập pháp và người lãnh đạo được bầu ra tại địa phương. Ngoài ra, 8 đạo luật khác có liên quan được sửa đổi nhằm bảo đảm chủ trương phân cấp mạnh, trong đó có việc tăng mức chi tiêu cho chính quyền địa phương…

Phân quyền cho địa phương được thực hiện trên hai phương diện chính. 

Thứ nhất, thúc đẩy quá trình phân công chức năng, nhiệm vụ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Quy định các nguyên tắc mới để kiểm soát sự can thiệp hành chính trên diện rộng của trung ương với chính quyền địa phương, trong đó có ba nguyên tắc cơ bản: Can thiệp dựa trên quy định của pháp luật; ưu tiên tôn trọng luật tự trị địa phương; công bằng, minh bạch. Với chương trình phi tập trung hóa này, vai trò của chính quyền trung ương chỉ giới hạn trong các công việc liên quan đến sự tồn vong của quốc gia và cộng đồng quốc tế, còn chính quyền địa phương thực hiện quyền quản lý, quyết định những công việc hàng ngày liên quan đến đời sống xã hội trên địa bàn hành chính của mình. Theo đó, tính độc lập, tự chủ và sáng tạo của địa phương được nâng lên, hiệu quả công việc cao hơn.

Thứ hai, củng cố cơ sở tài chính địa phương để thực hiện tự quản và độc lập về tài chính, hay phân quyền tài chính đầy đủ hơn cho địa phương. Trước đây, theo quy định, các nguồn thu của địa phương đều phải nộp cho trung ương, sau đó trung ương phân bổ kinh phí chi tiêu cho địa phương. Trên thực tế, nguồn thu của mỗi địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng không công bằng trong thu chi, phân bổ tài chính. Hệ quả là không khuyến khích các địa phương tìm cách tăng nguồn thu và sử dụng một cách chủ động, hiệu quả ngân sách nhà nước. Do đó, cải cách tài chính công tập trung vào hai nội dung chủ yếu là: Nguồn thu địa phương và mở rộng quyền tự chủ tài chính cho địa phương, khuyến khích sự sáng tạo, tự chủ của địa phương nhằm bảo đảm thu - chi hiệu quả.

Tinh giản bộ máy

Cơ chế phân quyền mạnh, cùng với việc đề cao và tăng cường tính tự quản của chính quyền địa phương đã làm nảy sinh tình trạng cát cứ, tùy tiện, khuynh hướng muốn thoát ly sự kiểm soát của trung ương ngày càng tăng. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh chương trình cải cách hành chính theo hướng xây dựng bộ máy Chính phủ tinh nhẹ, hiệu quả, minh bạch hơn.

Tháng 6/1998, Luật về cải cách cơ cấu Chính phủ được thông qua và gần 20 đạo luật về tổ chức hoạt động của các cơ quan chính phủ được ban hành. Theo đó, cơ cấu chính phủ được thu gọn từ 24 bộ còn 12 bộ, cơ cấu các bộ cũng được tinh giản, thu gọn.

Cùng với việc tăng cường vai trò kiểm soát của trung ương đối với hoạt động của chính quyền địa phương, chính phủ trao thêm thẩm quyền cho các cơ quan trực tiếp tham mưu cho Thủ tướng để thực hiện chức năng điều hành và giám sát, trong đó đưa một loạt cơ quan về trực thuộc Văn phòng Nội các, như Cục Phòng vệ, Cơ quan Giám sát tài chính, Cục Nhân sự Quốc gia, Cục An toàn công cộng Quốc gia…

Đầu những năm 2000, Chính phủ ban hành Các nguyên tắc căn bản của cải cách hành chính, thiết lập Cơ quan quản lý cải cách hành chính trực thuộc Nội các… nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng sáp nhập nhiều bộ hiện hành, củng cố sự vận hành của Nội các và tăng cường hiệu quả của dịch vụ công.

Năm 2007, Thủ tướng Junichiro Koizumi đã thành công trong thúc đẩy Quốc hội thông qua Luật Cải cách bưu điện Nhật Bản. Ông thành lập Cơ quan hành chính độc lập, với nguồn nhân sự được tư nhân hóa, giúp tinh giản một nửa số biên chế trong hệ thống công vụ.