Cải cách mang hồi kết đến cho “chiến tranh tiền tệ”

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Năm nay có thể là năm mang lại một sự giải phóng đáng kể về các hạn chế tiền tệ ở thế giới các nước đang phát triển. Đặc biệt, những thay đổi về chính sách ở Trung Quốc và Nga đặt ra hy vọng kết thúc các “cuộc chiến tiền tệ”, dù vẫn còn phàn nàn gần đây của một quan chức Mỹ.

Cải cách mang hồi kết đến cho “chiến tranh tiền tệ”
Năm nay có thể là năm mang lại một sự giải phóng đáng kể về các hạn chế tiền tệ ở thế giới các nước đang phát triển. Nguồn: internet

Trung Quốc đã công bố các kế hoạch cải cách tiền tệ lớn tại Hội nghị Trung ương 3, một diễn đàn lập kế hoạch kinh tế cho giai đoạn 10 năm tới, diễn ra hồi tháng 11 năm ngoái. Ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), sau đó đã nói rằng, PBOC sẽ tăng cường vai trò của thị trường trong việc xác định tỷ giá hối đoái, hạn chế can thiệp thường xuyên, và thiết lập một hệ thống tỷ giá thả nổi có kiểm soát, trên cơ sở cung và cầu.

Tháng trước, PBOC đã công bố một sự nới lỏng nhiều hơn đối với thị trường hối đoái, đó là mở rộng biên độ dao động trong ngày của tỷ giá CNY/USD từ 1% lên 2%.

Những lời kêu gọi cải cách tiền tệ đã ngày càng trở nên quen thuộc kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ vào năm 2011. Lý do khiến áp lực cải cách tăng lên ở Trung Quốc được tiết lộ vào ngày 20/11/2013, khi ông Dịch Cương, Giám đốc Cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc (SAFE), nói rằng, “nước này không còn muốn gia tăng dự trữ ngoại hối nữa”.

Trung Quốc vừa tích thêm 324 tỷ USD vào kho dự trữ trong nửa cuối năm 2013, tăng 9,2%.

Lưu ý rằng, Trung Quốc có xu hướng quản lý đồng nhân dân tệ theo mô hình thả nổi có kiểm soát hơn là thả nổi hoàn toàn. Do đó, có thể nước này sẽ vẫn tăng thêm dự trữ ngoại hối nhưng không liên tục.

Ngoài ra, nước này vẫn có 3.820 tỷ USD dự trữ ngoại hối đang tồn tại và cần được quản lý. Bởi vậy, không ai nghĩ SAFE sẽ rút khỏi các thị trường sớm. Tuy nhiên, tốc độ tăng dự trữ có thể chậm lại trong vài năm tới.

Nga cũng đang tìm cách thay đổi chính sách tiền tệ. Các tuyên bố từ ngân hàng trung ương nước này trong tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay đã cho thấy rõ xu hướng thả nổi đồng rouble và xóa bỏ giới hạn giao dịch vào năm 2015.

Cải cách chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia như Trung Quốc và Nga có thể dẫn đến một số cú va đập đối với thế giới phát triển.

Vẫn còn những câu hỏi đặt ra như, liệu đồng rouble giảm giá mạnh có ảnh hưởng đến xu hướng tự do hóa tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga, hay liệu sau những sự kiện ở Ukraine, giới chức Nga có tiếp tục mua thêm tài sản ở các thị trường nước ngoài?

Nhưng câu hỏi quan trọng nhất là những thay đổi chính sách đó sẽ gây tác động gì đến thị trường quốc tế?

Để hiểu về điều này, tốt nhất là nhìn vào động thái: Trung Quốc, tính đến tháng 1 năm nay, đã tích góp được 1.273 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, sau khi mua bình quân mỗi tháng 4,9 tỷ USD trong 12 tháng trước đó.

Như vậy, có vẻ như việc thôi không dự trữ thêm tiền mặt của Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến khả năng nước này giảm tốc độ mua trái phiếu chính phủ của các nước phát triển.

Cơ cấu tài sản dự trữ của Trung Quốc là một bí mật quốc gia, nhưng dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiết lộ việc phân bổ khoảng 75% dự trữ ngoại hối của các quốc gia mới nổi khác.

Theo dữ liệu này, ở thời điểm cuối quý III năm ngoái, có khoảng 23,7% lượng dự trữ đó được để dưới dạng đồng euro, 5% vào bảng Anh và các tỷ lệ nhỏ hơn dưới dạng yên Nhật, đô la Úc, đô la Canada và các đồng tiền khác, trong khi 61% dưới dạng đô la Mỹ.

Ngay cả nếu các số liệu nói trên không phản ánh đúng cơ cấu nắm giữ tiền tệ của Trung Quốc, dường như vẫn hợp lý khi giả định rằng, việc giảm tốc độ tăng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ dẫn đến giảm nhu cầu các đồng tiền có thể dự trữ khác.

Do đó, cải cách chính sách tiền tệ ở các quốc gia như Trung Quốc và Nga có thể dẫn đến những cú va đập nhất định ở thế giới phát triển, trong đó có khả năng tăng chi phí đi vay của các chính phủ. Cũng có khả năng các vấn đề địa chính trị sẽ làm cho sự việc trở nên rắc rối. Nhưng nhìn chung, việc tự do hóa tiền tệ vẫn được coi là một tin tốt.

Từ góc nhìn trong nước, điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương của Nga và Trung Quốc có thể tập trung nhiều hơn vào công cuộc chống lại các áp lực lạm phát, khi chúng nổi lên.

Trên phạm vi quốc tế, các biện pháp tiền tệ chống lạm phát này sẽ không thể gây ra ảnh hưởng lớn trong ngắn hạn. Thực tế, có một số dấu hiệu về sự trỗi dậy của “chiến tranh tiền tệ”. Tuy nhiên, trong những năm tới, những thay đổi chính sách nói trên sẽ giúp cho nhiều đồng tiền, mà giá trị vốn bị chi phối bởi nhu cầu của các nhà quản lý dự trữ ngoại hối, có thể cuối cùng sẽ được giao dịch ở các mức giá hợp lý hơn.