Căng thẳng Đông Bắc Á trước cơ hội hạ nhiệt

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Diễn ra sau ba năm chờ đợi, cuộc gặp cấp Ngoại trưởng ba nước Hàn - Trung - Nhật tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện tình hình tại Đông Bắc Á hiếm khi lặng sóng. Cam kết sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đã phần nào xoa dịu khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngoại trưởng ba nước chưa có cuộc gặp ba bên nào kể từ tháng 4.2012. Cuộc gặp được đánh giá mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh ba bên cũng bị trì hoãn kể từ giữa năm 2012 tới nay.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp kéo dài một ngày ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc nhằm giải tỏa các vấn đề căng thẳng trong khu vực, Ngoại trưởng nước chủ nhà Yun Byung-se cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida thống nhất sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên “vào thời điểm thuận lợi trong thời gian sớm nhất”. Tuyên bố cũng nêu rõ ba nước sẽ thực thi tinh thần “đối diện lịch sử, hướng tới tương lai” để giải quyết rốt ráo các vấn đề liên quan và tăng cường hợp tác ba bên. Các Ngoại trưởng cũng kiên quyết phản đối việc phát triển vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se cho biết bản tuyên bố chung có tầm quan trọng đặc biệt, là kết quả của các cuộc thảo luận sâu rộng trong nhiều vấn đề hợp tác.

Trước thềm cuộc hội đàm, các Ngoại trưởng đã tiến hành thảo luận riêng về nhiều vấn đề, trong đó có việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu vào cuối năm 2015. Theo một quan chức Hàn Quốc, tại cuộc gặp song phương Hàn - Trung, Ngoại trưởng Vương Nghị bày tỏ hy vọng Hàn Quốc sẽ tham gia AIIB. Đáp lại, Ngoại trưởng Yun Byung-se cho biết Seoul đang cân nhắc lựa chọn. Trong khi đó, phía Nhật Bản chưa có dự định tham gia ngân hàng này.

Cũng trong ngày 21.3, các Ngoại trưởng đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại Văn phòng Tổng thống. Đây là lần tiếp xúc đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc và một thành viên Nội các Nhật Bản ở Seoul kể từ năm 2013.

Bộ ba Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có mối quan hệ kinh tế - thương mại gắn bó và hiệu quả. Tuy nhiên, quan hệ trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao lại bị mây đen bao phủ do những mâu thuẫn và bất đồng cố hữu. Gần đây, sáng kiến thành AIIB của Trung Quốc đã khiến khu vực ngày càng chia rẽ hơn, nhất là khi Washington lên tiếng cảnh báo. Hàn Quốc đang thảo luận việc tham gia AIIB, trong khi Nhật Bản tỏ ý tẩy chay. Hiện Nhật Bản cùng với Mỹ vẫn đang nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Bên cạnh đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và những cuộc khẩu chiến ngoại giao đã đẩy quan hệ tay ba vốn dĩ rất phức tạp này đến chỗ căng thẳng. Cả Bắc Kinh lẫn Seoul đều lên tiếng cáo buộc Tokyo về tội ác chiến tranh trong nửa đầu thế kỷ XX. Theo họ, Nhật Bản đã phủ nhận trách nhiệm gây ra nỗi đau cho người dân Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên trong suốt cuộc chiến tranh này.

Tuy nhiên, những lợi ích khiến các bên phải cân nhắc tới thiết lập một mối quan hệ chấp nhận được. Hàn Quốc muốn khôi phục cơ chế thảo luận hàng năm giữa các Ngoại trưởng nhằm bàn biện pháp thu hẹp bất đồng. Giáo sư Kim Jae-chun thuộc trường Đại học Sogang ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nói: “Ba nước có mối quan hệ kinh tế ràng buộc lẫn nhau rất chặt chẽ. Nhưng ở góc độ chính sách đối ngoại, họ chẳng ưa gì nhau”. Tuy nhiên, theo Giáo sư Kim Jae-chun, Đông Bắc Á đang ngày càng đồng thuận với quan điểm rằng cần phải cải thiện quan hệ để giúp cả ba nước thoát khỏi những nghịch lý hiện nay.

Đối với Bắc Kinh, cuộc gặp tay ba sẽ là cơ hội hữu ích mà họ chờ đợi bấy lâu nay nhằm mục tiêu chiến lược, đó là giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Một số quan chức Trung Quốc còn cho rằng mối quan hệ gắn bó trong lịch sử giữa ba nước có thể thúc đẩy việc hình thành một liên minh kinh tế ở Đông Bắc Á mà không có Mỹ. Trung Quốc đã chủ động hạ nhiệt căng thẳng với Nhật Bản bằng cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh tháng 11.2014. Hai nước đã thống nhất một số biện pháp tránh nguy cơ va chạm ở quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.

Giới hoạch định chính sách quốc tế cũng quan tâm đến cuộc gặp giữa ba Ngoại trưởng Đông Bắc Á. Phát biểu khi đến thăm Tokyo mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nói: “Liên Hợp Quốc đang can dự vào hàng loạt cơ chế hợp tác khu vực. Nhưng với Đông Bắc Á thì chưa”. Trong khi đó, theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman, điều khiến Washington phải đau đầu chính là mối bất hòa giữa Seoul và Tokyo - hai đồng minh chủ chốt của họ ở khu vực.

Áp lực từ phía Mỹ ít nhiều cũng mang lại kết quả. Tháng 3.2014, tại La Hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp với cả ông Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Tuy nhiên, Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía Trung Quốc trong nỗ lực lôi kéo Hàn Quốc vào quỹ đạo ảnh hưởng. Hàn Quốc dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh, nhưng vẫn phải hướng sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Có thể nói, các đại gia ở Đông Bắc Á đang tìm cách chung sống hòa bình trong một môi trường không bình yên.