Căng thẳng thương mại và địa chính trị có thể gây rủi ro cho tăng trưởng toàn cầu

Theo TTXVN

Các Bộ trưởng Tài chính G20 đã cảnh báo rằng "những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng" đã gây ra nguy cơ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thủ đô Buenos Aires của Argentina.  Nguồn: Internet
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở thủ đô Buenos Aires của Argentina. Nguồn: Internet

Ngày 22/7, trong thông cáo báo chí được đưa ra cuối hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra ở thủ đô Buenos Aires của Argentina, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã cảnh báo rằng "những căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng" đã gây ra nguy cơ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn nhấn mạnh "sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hành động nhằm giảm nhẹ các nguy cơ và tăng cường lòng tin".

Trong thông cáo báo chí, các bộ trưởng G20 đã miêu tả mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay là "ổn" song lưu ý rằng "về ngắn và trung hạn" các nguy cơ đối với tăng trưởng sẽ "tăng".

Những nguy cơ này bao gồm tình trạng tài chính ngày càng dễ bị tổn thương, các căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng, mất cân bằng toàn cầu, tăng trưởng bấp bênh và yếu về cấu trúc, đặc biệt ở một số nền kinh tế tiên tiến.

Các bộ trưởng đã tái khẳng định những kết luận từ các nhà lãnh đạo G20 tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra Hamburg, Đức tháng 7 năm ngoái, khi nhấn mạnh rằng thương mại là một động cơ tăng trưởng toàn cầu và tái khẳng định tầm quan trọng của các hiệp định thương mại đa phương.

Thông cáo báo chí có đoạn: "Chúng tôi...thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và các hành động nhằm giảm nhẹ nguy cơ và tăng cường lòng tin. Chúng tôi sẽ phối hợp nhằm tăng cường sự đóng góp của thương mại cho các nền kinh tế nước mình".

Thông cáo báo chí cũng tái khẳng định các cam kết từ hội nghị cấp bộ trưởng tài chính G20 diễn ra tháng 3 vừa qua nhằm hạn chế sự phá giá cạnh tranh có thể có tác động bất lợi đến sự ổn định tài chính toàn cầu.

Phản ứng trước thông cáo báo chí trên, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã phát biểu phản đối tình trạng áp đặt thuế đáp trả nhau gần đây, đồng thời kêu gọi "giải quyết các xung đột thương mại thông qua sự hợp tác quốc tế mà không phải viện tới các biện pháp ngoại lệ".