Canh bạc rủi ro

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất suốt 12 năm cầm quyền sau khi thất bại trong việc đàm phán thành lập Chính phủ mới, điều có thể khiến chiếc ghế Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4 trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Merkel thông báo tiến trình thành lập liên minh thất bại. Nguồn: Internet
Thủ tướng Merkel thông báo tiến trình thành lập liên minh thất bại. Nguồn: Internet

Không có liên minh Jamaica

Sau 4 tuần đàm phán, với vòng đối thoại cuối cùng kéo dài đến nửa đêm ngày 19/11 (giờ địa phương), tiến trình thành lập Chính phủ liên minh của Đức đã thất bại do đảng Dân chủ Tự do (FDP) rút khỏi đàm phán.

Điều đó có nghĩa là hy vọng hình thành liên minh Jamaica (đen-vàng-xanh theo màu cờ Jaimaca) giữa đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Merkel, đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp và đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường, đã không thành hiện thực.

Giải thích việc FDP rời bỏ đàm phán, Chủ tịch đảng Christian Lindner tuyên bố “thà không lãnh đạo còn hơn là lãnh đạo một cách yếu kém” và cho rằng đàm phán thất bại vì các đảng phái không tìm được nền tảng thống nhất.

Hai chủ đề chính gây trở ngại lớn nhất khiến các đảng, nhất là giữa đảng Xanh và đảng Đảng Xã hội cơ đốc giáo (CSU), không thể tìm được đồng thuận là vấn đề nhập cư và môi trường. Cụ thể, đảng Xanh muốn bãi bỏ hai điều khoản, một là mức trần chỉ nhận tối đa mỗi năm 200.000 người tị nạn và hai là lệnh cấm liên quan đến việc đoàn tụ gia đình cho những người nhập cư chỉ có giấy phép cư trú 1 năm một.

Tuy nhiên, CSU - liên minh truyền thống của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel, phản đối gay gắt cả hai đề xuất này do lo ngại nếu nhượng bộ trong vấn đề nhập cư thì sẽ đánh mất lượng cử tri, đặc biệt tại bang Bavaria truyền thống của đảng này.

Trước đó, trong cuộc bầu cử tháng 9, CSU chỉ nhận được 38% phiếu ở bang Bavaria, thấp nhất sau Thế chiến II, mà nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do chính sách nhập cư của chính phủ liên minh CDU - CSU.

Giờ đây khi các cuộc đối thoại giữa FDP và đảng Xanh thất bại, các bên đang tính đến khả năng thành lập chính phủ thiểu số dẫn đầu bởi đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel hoặc yêu cầu tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới bất chấp việc vừa tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9.

Cả hai khả năng trên đều chưa từng có tiền lệ tại Đức, đất nước nổi tiếng với nền chính trị ổn định, có chỉ 8 Thủ tướng trong 7 thập kỷ tính từ sau Chiến tranh Thế giới II.

Canh bạc rủi ro

Hiến pháp Đức không ấn định thời hạn thành lập Chính phủ, vì vậy bà Merkel về lý thuyết có thể “tạm nghỉ” một thời gian trước khi khởi động đàm phán liên minh mới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chia rẽ sâu sắc làm tan rã cuộc đàm phán vừa qua, nhiệm vụ sắp tới của bà sẽ rất nặng nề. Ngoài ra, bà cũng có thể cố thuyết phục SPD quay trở lại liên minh nhưng điều này cũng không dễ dàng sau khi SPD tuyên bố muốn ở vị trí phe đối lập.

Phát biểu trước báo giới tại Thủ đô Berlin, Thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ sự tiếc nuối, song cam kết sẽ đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Bà cho biết sẽ gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier- người có quyền kêu gọi một cuộc bầu cử mới, thông báo về sự việc.

Động thái này cho thấy bà Merkel không có ý định tìm kiếm chính phủ thiểu số với đảng Xanh. Và như vậy chỉ còn lại một khả năng, đó là tiến hành bầu cử lại. Tuy nhiên, một cuộc bầu cử mới lúc này cũng là lựa chọn nhiều rủi ro, khi đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu chứng tỏ bước tiến ngoạn mục trong cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua.