CEO thế giới vẫn lạc quan trước những rủi ro và bất định mới

Theo baoquocte.vn

Mặc dù vẫn có nhiều chuyện phải bận tâm trong năm nay nhưng các CEO trên toàn thế giới đang lạc quan hơn vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp mình, cũng như của nền kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Khảo sát CEO Thường niên Toàn cầu lần thứ 20 của Công ty Kiểm toán toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC), 38% các CEO rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới (năm 2016 là 35%), trong khi đó, 29% kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm 2017 (năm 2016 là 27%).

Kết quả khảo sát vừa được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos cho thấy, mặc dù các lãnh đạo doanh nghiệp tự tin hơn về triển vọng của doanh nghiệp mình, họ vẫn rất lo lắng về tình hình kinh tế bất ổn định (82% người trả lời), thể chế thắt chặt (80%) và tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cần thiết (77%). 59% các CEO cũng quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ. Con số này lên tới 64% nếu tính riêng các CEO tại Mỹ và Mexico.

Mặc dù nhận thấy toàn cầu hóa có tác động tích cực đến việc lưu thông dòng vốn, hàng hóa và nhân lực, các CEO cho rằng, toàn cầu hóa chưa có tác dụng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo hay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Kết quả này trái ngược với khảo sát CEO đầu tiên của PwC vào năm 1998 khi mà các CEO đều có cảm nhận tích cực về toàn cầu hóa.

Ông Bob Moritz, Chủ tịch toàn cầu của PwC nhận định: “Mặc dù 2016 là một năm bất ổn nhưng mức độ lạc quan của các CEO đang trên đà hồi phục, tuy tốc độ còn chậm và khoảng cách so với mức kỷ lục của năm 2007 còn xa. Những dấu hiệu lạc quan đang nổi lên khắp toàn cầu”.

Cũng theo ông Moritz, ngay cả tại Anh và Mỹ, dưới tác động của Brexit và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ thì các CEO vẫn lạc quan hơn về khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp so với năm trước. Hưởng ứng quan điểm này, các CEO ở những nước khác cũng đang quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Mỹ và Anh so với năm trước.

Khảo sát của PwC cũng cho thấy, bên cạnh sự lạc quan vào triển vọng tăng trưởng thì các CEO cũng chia sẻ ba mối quan tâm lớn nhất, đó là: Có được chiến lược hiệu quả về con người và công nghệ nhằm xây dựng một nguồn nhân lực phù hợp cho thời đại kỹ thuật số; Giữ vững niềm tin vào doanh nghiệp trong một thế giới nơi tương tác ảo đang trở nên phổ biến; Thúc đẩy toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho mọi người thông qua hợp tác mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp và xã hội. Đây cũng là những chủ đề được chú trọng đến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Thêm lạc quan vào tăng trưởng doanh thu

Khác hẳn so với năm 2016, mức độ lạc quan của các CEO về tăng trưởng doanh thu trong năm tới đã tăng ở hầu khắp các nền kinh tế lớn, cao nhất là tại Ấn Độ (71%), Brazil (57%, tăng hơn gấp đôi), Australia (43%) và Anh (41%). Mức độ lạc quan cũng tăng 11 điểm lên 35% tại Trung Quốc, tăng 6 điểm lên 39% tại Mỹ, và tăng 3 điểm lên 31% tại Đức. Mức độ lạc quan của các CEO Thụy Sĩ cũng tăng hơn gấp đôi lên 34%.

Đi ngược lại với xu thế này là các nước Tây Ban Nha, Mexico và Nhật Bản. Đặc biệt là tại Nhật Bản, tỷ lệ CEO lạc quan về tăng trưởng đã giảm mạnh từ 28% năm 2016 xuống còn 14%.

Xét về động lực tăng trưởng thì tăng trưởng hữu cơ là mục tiêu cao nhất của hơn 3/4 các CEO (79%) trong năm tới. Trong khi đó, 41% các CEO có kế hoạch mua bán & sáp nhập, và gần 1/4 các CEO (23%) có dự định củng cố năng lực đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng được tốt các cơ hội mới.

Những điểm đến với tiềm năng tăng trưởng lớn

Theo Khảo sát CEO lần thứ nhất của PwC thì các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ từng đem lại cơ hội thành công cao. Tuy nhiên, sự thay đổi liên tục của các thị trường dưới tác động của biến động tỷ giá đã khiến các CEO mở rộng phạm vi đầu tư sang các nước khác. Khảo sát năm nay cho thấy: Mỹ, Đức và Anh đã trở nên quan trọng hơn, trong khi Brazil, Ấn Độ, Nga và Argentina đang kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với 3 năm trước.

Khảo sát đánh giá, 5 quốc gia quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh và Nhật Bản. Trong đó, nước Anh đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các CEO đến từ Mỹ (+4%), Trung Quốc (+11%), Đức (+8%) và Thụy Sĩ (+25%).

Thượng Hải, New York, London và Bắc Kinh được đánh giá là 4 thành phố quan trọng nhất đối với triển vọng tăng trưởng nói chung của doanh nghiệp trong vòng 12 tháng tới.

Quan ngại về sự cân bằng giữa toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ

58% các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng ngày càng khó để cân bằng giữa xu hướng toàn cầu hóa và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ. Quan điểm này đối lập với quan điểm tại khảo sát CEO lần thứ nhất, đó là “các doanh nghiệp toàn cầu được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về tự do hóa thương mại”.

Trong 20 năm qua, các CEO đánh giá khá tích cực về đóng góp của toàn cầu hóa đối với việc lưu thông dòng vốn, hàng hóa và nhân lực. Tuy nhiên, những người tham gia khảo sát năm nay hoài nghi về tác dụng của toàn cầu hóa đối với việc giải quyết biến đổi khí hậu hay thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Quan điểm này trùng hợp với quan điểm của công chúng trong một cuộc khảo sát khác do PwC thực hiện với hơn 5.000 người tiêu dùng tại 22 quốc gia.

Nếu 60% các CEO cho rằng toàn cầu hóa đã có tác dụng tích cực giúp cải thiện quá trình lưu thông vốn, nhân lực, hàng hóa và thông tin, thì chỉ 38% công chúng có quan điểm tương tự. Gần 2/3 công chúng (64%) cho rằng toàn cầu hóa đã tạo ra cơ hội việc làm đầy đủ và hữu ích, thấp hơn tỷ lệ 76% trong khảo sát với các CEO. Cũng có ít người tiêu dùng (29%) hơn là CEO (37%) cho rằng toàn cầu hóa đã góp phần đáng kể tạo nên nguồn nhân lực có kỹ năng và học vấn.

Theo PwC, sự bất mãn của công chúng có thể làm xói mòn uy tín doanh nghiệp, vốn là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Thử thách chính ở đây không phải là làm thế nào để đối phó với tình thế, mà là làm thế nào để xây dựng được mối quan hệ hai chiều và sâu sắc với các bên liên quan, với khách hàng, nhân viên và cộng đồng.

“Hiểu được nguồn gốc sâu xa của các nhận định về doanh nghiệp sẽ là tiền đề không thể thiếu nếu doanh nghiệp muốn truyền đạt rộng rãi về lợi ích mà họ đang đem lại cho xã hội. Nếu không đảm bảo được rằng mọi người đều thụ hưởng từ tăng trưởng toàn cầu thì chúng ta sẽ gặp phải nhiều vấn đề,” ông Bob Moritz nhận định.