Châu Á cần “đại tu”

Theo tgvn.com.vn

(Tài chính) Đà tăng trưởng chưa thực sự trở lại. Bộ máy và các vấn đề mang tính chất căn bản làm nền tảng cho phát triển bền vững chưa thực sự hoàn thiện. Với tất cả vấn đề đang bộc lộ, châu Á cần phải thay đổi ngay từ phương thức phát triển.

Châu Á cần “đại tu”
Châu Á cần phải thay đổi ngay từ phương thức phát triển. Nguồn: internet

Trong Báo cáo nhận định triển vọng kinh tế châu Á quý II/2014, Ngân hàng HSBC nhận định, thông điệp tháng 3 của quý I không hoàn toàn màu hồng, chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho sự phục hồi. Con tàu châu Á hiện không thuận buồm xuôi gió như trước.

Buồm không căng gió

Tình hình sản xuất của Trung Quốc vẫn có vẻ thiếu ổn định nếu không muốn nói là nghiêm trọng như nhiều người khẳng định. Ở những quốc gia khác, các kết quả chỉ số ngành sản xuất (PMI) cũng còn nhiều mâu thuẫn, đa số đều giảm nhẹ. Hàn Quốc đạt 50,4 điểm, vẫn thể hiện mức tăng trưởng nhẹ, nhưng tốc độ chậm hơn nhiều so với thời điểm đầu năm. Ấn Độ tiếp tục gây thất vọng với chỉ số PMI tháng 3 lại giảm.

Tuy nhiên, trong tháng 3, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều tăng lên ở hầu hết các nước. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam đều đã có một sự phục hồi mạnh mẽ cho thấy việc xuất hàng sẽ ổn định trong những tháng sắp tới. Nhưng có điều, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đa phần đến từ các nước phương Tây chưa ổn định.

Sau khi cân nhắc mọi yếu tố, thì quá trình đi lên của châu Á trong suốt thập niên vừa qua khá trơn tru với việc kiểm soát được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, sau đó bộ máy dần trở nên mệt mỏi. Xuất khẩu đã không khôi phục với tốc độ như trước đây, người tiêu dùng ngày càng trở nên ngập ngừng và hoạt động đầu tư chậm lại. Điều cần thiết hiện nay là một liều thuốc cải cách để thúc đẩy năng suất và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Trung Quốc không phải là trường hợp cá biệt. Nhật Bản cũng cần được cải cách một cách nghiêm túc. Chính phủ mới của Ấn Độ sẽ phải đối mặt với một số quyết định khó khăn. Và các nước ASEAN cần khẩn trương tìm ra chiến lược tăng trưởng mới. May mắn thay, vẫn còn đó một số thuận lợi: với lãi suất thấp trên toàn cầu, và lạm phát được kiểm soát tốt, một sự đình trệ hoàn toàn có thể không xảy ra. Nhưng điều đó không nên là cái cớ ỷ lại để không xây dựng kế hoạch điều chỉnh toàn diện.

Khiếm khuyết trong tăng trưởng

Trong tình hình khó khăn đó, trong hai thập kỷ qua, gắn với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là sự chênh lệch giàu nghèo tăng lên đáng kể. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong khi chênh lệch giàu nghèo ở Nam và Trung Mỹ được thu hẹp, xu hướng ngược lại đã và đang diễn ra ở châu Á. Trong thời kỳ từ những năm 1990 đến những năm 2000, chênh lệch giàu nghèo ở châu Á (được đo bằng hệ số Gini) đã tăng khoảng 1% mỗi năm.

Trong một báo cáo mới đây về những tác động của tăng trưởng đối với xóa đói giảm nghèo, bất bình đẳng thu nhập và phúc lợi xã hội, ADB kết luận rằng không nên coi tốc độ tăng trưởng là chỉ số tốt nhất để đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế. Các thước đo rộng hơn như “cải thiện chất lượng cuộc sống và phúc lợi xã hội” cũng rất quan trọng.

Trong những năm 1990, GDP của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng trung bình khoảng 9%/năm. Tỷ lệ này vẫn còn 8,2% trong những năm 2000. Nhưng chất lượng cuộc sống không phát triển tương xứng. Trong thời kỳ đó, chi tiêu của các hộ gia đình tăng trưởng chậm hơn nhiều so với GDP (chỉ khoảng 5,7%). Kết quả là tỷ trọng của tiêu dùng trong GDP giảm trên toàn khu vực.

Đúng là tăng trưởng nhanh giúp giảm mạnh số người được xếp vào dạng “cực nghèo” (sống dưới mức 1,25 USD/ngày vào năm 2005). Nhóm này đã giảm mạnh từ 1,23 tỷ người trong năm 1990 xuống còn 790 triệu người trong những năm 2000. Tuy nhiên, với nhóm những người ít nghèo hơn (sống dưới mức 2 USD/ngày) không có kết quả ấn tượng như vậy. Nhóm những người giàu hơn đã luôn được hưởng phần lớn lợi ích từ tăng trưởng kinh tế, khiến chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng lên. Chênh lệch giàu nghèo đã hiển hiện rất rõ ràng ở hầu hết các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Ở Trung Quốc, đó là chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, trong khi chênh lệch ở Ấn Độ là giữa các nhóm công dân thành thị. Tại mỗi nước, tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu cho giáo dục và y tế… đều thấp hơn nhiều so với kinh tế.

Rõ ràng, chênh lệch giàu nghèo là vấn đề nhức nhối mà châu Á cần sớm giải quyết. Sự chênh lệch này đang đe dọa đến tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực. Một quốc gia mất cân bằng và bị chia rẽ sẽ không thể có được thịnh vượng. Mất cân bằng xã hội ngày càng gia tăng có thể dẫn đến bất ổn chính trị, chính phủ phải giải quyết những nhu cầu thiết yếu như nhiên liệu hay lương thực hơn là thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.