Châu Á sẽ ngày càng phụ thuộc vào lúa mì Nga?

Theo nhipcaudautu.vn

Nga được dự báo là sẽ soán ngôi Mỹ để trở thành nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới trong vụ mùa 2017-2018.

Châu Á sẽ ngày càng phụ thuộc vào lúa mì Nga?. Nguồn: Internet
Châu Á sẽ ngày càng phụ thuộc vào lúa mì Nga?. Nguồn: Internet

Theo các dự báo mới nhất, lúa mì Nga sẽ giành được khá nhiều thị phần tại châu Á trong thời gian tới, trong khi các nước Úc, Mỹ và Canada hứng chịu hậu quả của hạn hán.

Châu Á hiện chiếm 1/3 tổng lượng nhập khẩu lúa mì toàn cầu. Trong 10 năm qua, lượng nhập khẩu đã tăng gần gấp đôi do thu nhập bình quân đầu người gia tăng, kéo theo nhu cầu tiêu thụ mì sợi, bánh ngọt và bánh mì. Tại Indonesia, sản lượng lúa mì nhập khẩu đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, biến nước này thành quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ nhì thế giới sau Ai Cập. Lượng nhập khẩu của Đông Nam Á được dự kiến tăng 30% từ đây cho tới năm 2020.

Tuy nhiên, năm nay các nhà cung cấp lúa mì truyền thống cho châu Á đều gặp vấn đề: sản lượng của Úc giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, sản lượng tại Mỹ đạt mức thấp nhất từ năm 2002 tới nay, còn sản lượng của Canada thì ghi nhận năm thứ 3 sụt giảm trong vòng 4 năm qua. Tại Mỹ, lượng lúa mì xuất khẩu được dự báo sẽ giảm 7,6%, còn Úc được dự kiến giảm khoảng 20%.

Benjamin Bodart, lãnh đạo hãng tư vấn CRM Agri-Commodities (Anh), nhận định: "Nga sẽ thắng lớn. Sản lượng của họ được dự kiến là cao kỷ lục, và họ cần phải tìm thị trường để xuất số lúa đó".

Xuất khẩu lúa mì của Nga được dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay, trong khi hầu hết các nước khác đều giảm (đơn vị tỷ lệ phần trăm). Ảnh: Bloomberg
Xuất khẩu lúa mì của Nga được dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay, trong khi hầu hết các nước khác đều giảm (đơn vị tỷ lệ phần trăm). Ảnh: Bloomberg

Đây là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng lúa mì tại Nga đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng của Nga sẽ đạt 77,5 triệu tấn, vượt xa nhu cầu tiêu thụ trong nước. USDA cũng dự kiến Nga sẽ xuất 31,5 triệu tấn trong vụ mùa 2017-2018, tăng 13% so với năm ngoái và gần gấp 3 lần so với giai đoạn 2012-2013.

Trước đây, Mỹ là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ liền, nhưng tới năm 2015-2016 thì tạm mất ngôi quán quân vào tay Nga, trước khi quay trở lại vị trí số 1 vào năm ngoái. Tới vụ mùa này, Nga sẽ lại một lần nữa soán ngôi Mỹ.
Ngày trước, lúa mì Nga khó tìm được chỗ đứng ở châu Á do tuyến đường vận chuyển quá dài: từ biển Đen đi qua Địa Trung Hải, xuyên kênh đào Suez và đi vòng qua Ấn Độ trước khi tới châu Á.

Mặc dù Nga đã xuất được 3 triệu tấn lúa mì sang châu Á trong vụ mùa 2016-2017, tăng 60% so với năm trước, nhưng vẫn chỉ mới chiếm 5% tổng lượng nhập khẩu của châu lục này. Trong khi đó, Mỹ, Úc và Canada cùng nhau chiếm gần hết lượng nhập khẩu của Nhật và 3/4 của Indonesia. Một mình Mỹ chiếm đến 1/3 lượng nhập khẩu của Trung Quốc.

Lượng lúa mì nhập khẩu vào châu Á đã tăng cực nhanh trong vài năm qua (đơn vị triệu tấn). Ảnh: Bloomberg
Lượng lúa mì nhập khẩu vào châu Á đã tăng cực nhanh trong vài năm qua (đơn vị triệu tấn). Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, trong vụ mùa năm nay, có nhiều khả năng Nga sẽ tăng mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á và châu Á, theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thị trường Nông nghiệp (IKAR) và công ty tư vấn UkrAgroConsult.

Trong quý I/2017, lượng lúa mì từ Nga xuất sang Indonesia đã vượt 330.000 tấn, tăng hàng trăm lần so với mức 991 tấn trong cả năm 2016. Đây là số liệu từ Hiệp hội Xay bột mì Indonesia (IFMA).

Mặc dù vậy, lúa mì Nga vẫn bị đặt nghi vấn về mặt chất lượng. Theo IKAR, lượng mưa dồi dào tại Nga đã làm tăng năng suất lúa mì, nhưng có thể gây ảnh hưởng tới hàm lượng protein.

Tom Basnett, giám đốc điều hành của hãng tư vấn Market Check (Úc), thì cho rằng công nghệ xay xát tại châu Á đã đủ tiến bộ để pha trộn nhiều loại lúa mì khác nhau nên lúa mì Nga sẽ dễ có chỗ đứng hơn: "Công nghệ xay xát là trở ngại chính, tuy nhiên nó đang được liên tục cải thiện, và do đó các nhà xay xát tại châu Á sẽ có thể sử dụng được các loại lúa mì rẻ tiền và chất lượng thấp hơn như của Nga".