Châu Âu cần động lực cho nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp diễn biến trái chiều ở các nước thành viên Liên minh châu Âu và giảm phát đã trở thành cơn ác mộng trong khu vực, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) về việc làm diễn ra ngày 8/10 được nhìn nhận như một nỗ lực chữa cháy khẩn cấp.

Châu Âu cần động lực cho nền kinh tế
Tỷ lệ thất nghiệp diễn biến trái chiều ở các nước thành viên Liên minh châu Âu. Nguồn: internet

Hội nghị diễn ra tại Milan theo đề xuất của Thủ tướng Italy Mateo Renzi, nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Mục tiêu của hội nghị là tìm giải pháp ứng phó viễn cảnh ảm đạm tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) liên quan tới thất nghiệp, tăng trưởng và các cuộc đình công.

Đức – nền kinh tế đầu tàu châu Âu  – đã phát đi những tín hiệu đáng lo ngại khi sản lượng công nghiệp tháng 8 giảm mạnh. Tình hình tại Italy thậm chí còn tồi tệ hơn khi lần thứ ba trong 7 năm qua, nước này rơi trở lại suy thoái và giảm phát. Kinh tế Pháp cũng không mấy ấn tượng và giới chuyên gia lo ngại Eurozone sẽ sa vào gót chân Achilles kiểu Nhật – một thập kỷ bị đánh mất – do giảm phát và tăng trưởng âm.

Trong suốt hai thập kỷ qua, các hội nghị thượng đỉnh việc làm khẩn cấp là một phần quan trong trong nghị sự hoạt động của EU. Tuy nhiên, hội nghị này được dự báo là chỉ mang tính hình thức khi vấn đề việc làm tại mỗi nước, đặc biệt là các nước lớn trong Eurozone, lại đi theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Điều này dẫn tới những suy nghĩ rằng thất nghiệp là vấn đề riêng mà mỗi nước cần tìm hướng giải quyết, thay vì đưa ra một diễn đàn lớn và đánh đồng là vấn đề chung của châu Âu .

Trong khi Italy đối mặt với tình trạng thất nghiệp leo thang trong giới trẻ, thì Anh và Pháp lại ghi nhận những cải thiện đáng khích lệ. Cụ thể, Cơ quan Thống kê nhà nước Italy (ISTAT) cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên trong tháng 8 là 44,2%, tăng 1% so với tháng trước đó và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong thanh thiếu niên Italy kể từ năm 1971 đến nay.

Hiện tại số người không có việc làm là 3,3 triệu người, chủ yếu sống ở miền Nam, khu vực nghèo nhất của nước này. Trong khi đó, Paris đã chấm dứt 9 tháng liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khi trong tháng 8 số người xin trợ cấp thất nghiệp là 3,41 triệu người, giảm 11.100 người (0,3%) so với tháng trước, ghi dấu mức giảm đầu tiên trong năm nay. Tại Anh, trong thời gian ba tháng tính đến cuối tháng 7.2014, số người thất nghiệp ở nước này giảm 146.000 người xuống còn 2,02 triệu người, tương đương 6,2% lực lượng lao động - mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Sự vênh nhau này khiến nhiều nước miễn cưỡng đến với hội nghị nếu chỉ tập trung vào nghị sự việc làm. Trước thềm hội nghị, các nhà lãnh đạo EU thừa nhận cần có một hướng đi mới nếu không muốn đối diện với các cuộc khủng hoảng chính trị và xã hội nảy sinh từ thất nghiệp và chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong khi một số chính phủ đi đầu là Italy và Pháp muốn tái cân bằng các chính sách của EU hướng tới các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng, lãnh đạo Hiệp hội Nghiệp đoàn thương mại châu Âu  (ETUC) cảnh báo về những hậu quả tiêu cực nếu các nỗ lực này thất bại.

Chủ tịch hiệp hội Bernadette Segol nhấn mạnh, việc EU chú trọng vào các nguyên tắc giảm thâm hụt ngân sách đã hủy hoại những cố gắng nhằm kéo châu lục ra khỏi đầm lầy suy thoái châu Âu  vướng phải, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 vừa qua. Theo ông, các phản ứng tồi tệ của châu Âu  trước khủng hoảng – cụ thể là chính sách siết chặt ngân sách – đã đẩy châu lục vào cuộc khủng hoảng xã hội, trong khi khủng hoảng chính trị đang rình rập khi làn sóng các chính đảng cực hữu và theo đường lối dân túy dâng cao trên khắp châu lục. Thực tế cho thấy châu Âu  không cần thêm các chính sách khắc khổ và cần có lựa chọn mới phù hợp hơn.

Thừa nhận thực tế này, ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã kêu gọi Chính phủ Eurozone tăng cường hơn nữa các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời đặt ra nhiệm vụ cấp bách giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao tại khu vực này.  Theo ông, các quốc gia cần phải đưa ra các chính sách thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, thúc giục nới lỏng các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở Eurozone.

Ông dẫn chứng về sự tương phản trong quá trình phát triển giữa Eurozone và Mỹ. Tại hai địa bàn chịu ảnh hưởng của đại khủng hoảng toàn cầu này, tỷ lệ thất nghiệp đều tăng 5%. Tuy nhiên, tại Mỹ, sau khủng hoảng, tỷ lệ thất nghiệp giảm 4%, trong khi đó tại Eurozone lại tăng hơn 4%.