Châu Âu đau đầu với “quả bom” hẹn giờ

Theo thoibaonganhang.vn

Một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng ở châu Âu đang có nguy cơ tái hiện do một số vấn đề cố hữu cộng với việc mới đây, Deutsche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Đức, vướng vào rắc rối lớn.

Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Nhiều rủi ro tiềm tàng

Trong những tháng gần đây, theo sáng kiến của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các cơ quan hữu quan của các nước thành viên, các nhà lãnh đạo châu Âu đã làm rất nhiều việc để tăng vốn cho các ngân hàng và củng cố khả năng chống đỡ của họ đối với các cú sốc kinh tế có thể xảy ra trong tương lai. Trong số đó phải kể đến quyết định đưa vào áp dụng Basel IV - quy định mới của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều “mắt xích yếu” trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu: đó chính là Italy và Bồ Đào Nha. Vấn đề của hai nước này không chỉ liên quan đến tình hình của một hoặc nhiều ngân hàng mà khá phổ biến, liên quan đến tình hình khủng hoảng kinh tế của cả quốc gia và liên quan đến nguy cơ mất khả năng thanh toán của những đối tượng vay nợ (hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ...). 

Tuy không được truyền thông chú ý nhiều nhưng các nhà kinh tế nhận định trường hợp Italy và Bồ Đào Nha rất khó giải quyết, với vấn đề của hai nước này có nguy cơ xì nổ cao nếu không được xử lý nhanh chóng.

Kinh tế Italy từ năm 2009 đến nay chưa gượng dậy được, lĩnh vực ngân hàng bị tác động tiêu cực bởi các khoản nợ xấu, phổ biến là nợ không được bảo lãnh.

Ông Patrick Artus, Giám đốc nghiên cứu của ngân hàng Natixis (Pháp), đánh giá: “Cần phải tái cấp vốn cho các ngân hàng Italy từ 80 đến 100 tỷ euro để họ có thể đối phó với núi nợ xấu khổng lồ không có bảo lãnh.

Đồng thời, phải làm sạch và lành mạnh hóa lĩnh vực này. Đây là một chủ đề chính trị quan trọng không chỉ đối với Italy mà của cả châu Âu”.

Còn Bồ Đào Nha, mặc dù đã nhận cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và IMF năm 2012, lĩnh vực ngân hàng vẫn hoạt động khó khăn sau khủng hoảng và có khả năng bùng nổ bởi các khoản nợ khó đòi.

Hệ thống ngân hàng nước này lo ngại chi phí đi vay của họ sẽ tăng lên, nếu mức xếp hạng tín dụng của nước này tiếp tục xấu đi trong đợt xem xét vào tháng Mười vì lý do nợ nần. 

 Lãi suất thấp hoặc âm – dao hai lưỡi

Chính sách lãi suất thấp của ECB nhằm mục tiêu kích thích kinh tế ban đầu có lợi cho lĩnh vực ngân hàng do đã kích thích được tín dụng và thị trường trái phiếu.

Nhưng hiện nay, chiều hướng đã thay đổi bởi chính sách này đã thu hẹp khả năng tạo lợi nhuận của ngân hàng: Do lãi suất ngắn và dài hạn tương đương nhau, ngân hàng không thể tạo lợi nhuận bằng cách tái cấp vốn ngắn hạn (rẻ hơn) để cho vay dài hạn (đắt hơn).

Tồi tệ hơn, do ECB đã quyết định hạ lãi suất tiền gửi xuống dưới mức 0% để khuyến khích các ngân hàng cho vay, ngân hàng sẽ buộc phải trả phí để gửi tiền vào ngân hàng trung ương.

Ông Artus nói: “Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt: Lĩnh vực ngân hàng không còn lợi nhuận và giá trị vốn hóa suy giảm”. Đã đến lúc ECB phải suy nghĩ một cách nghiêm túc tới các hậu quả của chính sách tiền tệ mà họ đang theo đuổi hiện nay.

Nicolas Véron, chuyên gia của Viện nghiên cứu Bruegel (Vương quốc Bỉ), kết luận những vấn đề của ngân hàng “là một bài trắc nghiệm đối với dự án xây dựng liên minh ngân hàng”, đồng thời là yếu tố hết sức quan trọng đối với khả năng thành công của việc thành lập một bảo hiểm tiền gửi châu Âu.

Deutsche Bank – vấn đề mới nổi

Thị trường châu Âu một lần nữa lại rúng động sau khi “gã khổng lồ” Deutsche Bank đối mặt với khoản tiền phạt 12,5 tỷ euro từ Chính phủ Mỹ do liên quan tới việc bán trái phiếu/cổ phiếu chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Sự xuống dốc của ngân hàng tư nhân hàng đầu nước Đức (với bản kê tài sản quản lý trên sổ sách tương đương với GDP của Italy, gần 10% GDP của toàn bộ Eurozone), có khả năng sẽ làm lao đao cả hệ thống tài chính, đặt nền kinh tế khu vực và ngân sách công của nhiều nước trước sức ép rất lớn.

Deutsche Bank, được thành lập từ năm 1870 để tài trợ cho sự phát triển công nghiệp Đức, và vấn đề của ngân hàng này hiện được xem như là một “quả bom nổ chậm”.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bản báo cáo đưa ra hồi tháng Sáu, qua vài thập niên, “đoá hoa” của nền kinh tế Đức này đã vươn lên để trở thành một trong những tổ hợp tài chính nhiều rủi ro nhất thế giới, do mối liên hệ chằng chịt của Deutsche Bank với phần còn lại của khu vực ngân hàng toàn cầu.

Không chỉ có vậy, Deutsche Bank còn nắm giữ một bản quyết toán tài sản có độ rủi ro cao, liên quan đến sản phẩm tài chính phái sinh, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Không ai có thể xác định được liệu ngân hàng này có định giá được chúng một cách chính xác hay không. 

Tình trạng dễ bị bùng nổ này từ lâu không còn là một bí mật của Deutsche Bank trên thị trường tài chính thế giới và chắc chắn nó cũng đã được các nhà quản lý nhận diện cùng với nhiều vấn đề có tính chất cơ cấu khác của ngân hàng, như cạnh tranh suy giảm trước các đối thủ Mỹ, tiền thưởng cao, mô hình hoạt động cần thay đổi... 

Mối đe dọa từ khoản tiền phạt kỷ lục mà Mỹ đưa ra với Deutsche Bank mới được công bố ngày 16/9 khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán lo ngại rằng Deutsche Bank sẽ bị sa vào tình trạng thiếu vốn.

Ngân hàng và Chính phủ liên bang Đức cũng bị đặt vào tình thế buộc phải hành động để trấn an và khoanh vùng đám cháy đang đe dọa thị trường chứng khoán.

Từ tháng 1/2016 đến nay, giá trị thị trường của Deutsche Bank đã vơi đi mất một nửa, tức 15 tỷ euro đã “bốc hơi”. Do vậy cần phải tránh để vấn đề của một ngân hàng Đức tạo thành căn bệnh của châu Âu do hiệu ứng lây lan.