Châu Âu hút vốn đầu tư từ các thị trường chứng khoán mới nổi

Theo thoibaonganhang.vn

Ngân hàng America Merrill Lynch (Mỹ) cho hay thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới chứng kiến một làn sóng rút chuyển vốn từ các thị trường mới nổi hướng sang châu Âu, do TTCK Trung Quốc lao dốc và giá năng lượng thế giới sụt giảm cũng như khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: gtaaccounting.ca
Ảnh minh họa. Nguồn: gtaaccounting.ca

Theo báo cáo do America Merrill Lynch vừa công bố dựa trên số liệu cập nhật mới nhất từ nhà cung cấp dữ liệu EPFR Global, lượng vốn bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi là 2,8 tỷ USD trong tuần trước và là tuần “chảy máu” thứ tư liên tiếp.

Như vậy, trong vòng bốn tuần qua, số vốn chuyển ra khỏi các thị trường mới nổi đã lên đến 17 tỷ USD, chiếm hơn 50% trên tổng số 29,4 tỷ USD vốn bị rút kể từ đầu năm tới nay.

Cùng chung tình cảnh với các thị trường mới nổi, TTCK Mỹ cũng “ghi nhận” 4,3 tỷ USD bị rút ra trong tuần trước. Trong lúc thị trường Nhật Bản lại đón nhận 2,6 tỷ USD và đây là tuần giao dịch thứ 22/24 tuần TTCK Tokyo thu nhận dòng vốn chảy vào.

Báo cáo của America Merrill Lynch nhận xét hoạt động của TTCK mới nổi đang ở mức thấp nhất trong một thập niên nay. Riêng đối với Trung Quốc, dù thu hút rất nhiều dòng vốn đầu tư từ bên ngoài nhờ nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và dân số đông, song một số nhà đầu tư lâu nay vẫn coi Trung Quốc là một điểm đến đầu tư rủi ro cao và cạnh tranh gay gắt hơn cùng với chi phí lao động tăng lên.

Trong khi đó, TTCK châu Âu chứng kiến tuần giao dịch tiếp nhận vốn thứ 12 liên tiếp, với số vốn chuyển vào thị trường tính đến ngày 5/8 đạt 83,5 tỷ USD tổng cộng.

Tin tức từ Berlin cho hay, do khủng hoảng nợ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), các nhà đầu tư đã đổ xô mua trái phiếu Chính phủ Đức để bảo toàn tài sản của họ. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế Leibniz (IWH), Đức đã hưởng lợi lớn từ tình hình kể trên, nhất là từ khủng hoảng tại Hy Lạp.

Do lo ngại những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ, các nhà đầu tư ưu tiên mua trái phiếu Chính phủ Đức vốn được đánh giá là có mức rủi ro rất thấp.

Mới đây, hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s vẫn dành cho trái phiếu của Đức mức tín nhiệm cao nhất AAA, với triển vọng ổn định. Ngay từ năm 2014, Đức đã đạt cân bằng ngân sách và không có nợ mới và là lần đầu tiên nước Đức không phát sinh thêm nợ trong suốt 45 năm qua.

Không chỉ Đức, các nước khác như Pháp hay Hà Lan cũng được hưởng lợi với trái phiếu chính phủ của họ, song ở mức thấp hơn.