Châu Âu và nguy cơ kép

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tin tức xấu liên tiếp đến từ châu Âu khiến giới phân tích không khỏi lo ngại Lục địa già bị đứng trước hai nguy cơ giảm phát và khủng bố.

Châu Âu và nguy cơ kép
Châu Âu đứng trước hai nguy cơ giảm phát và khủng bố. Nguồn: internet

Ngay trong những ngày đầu năm mới, nước Pháp và cả thế giới bàng hoàng bởi các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Thủ đô Paris. Các kênh truyền hình của Pháp liên tục truyền đi những hình ảnh về vụ xả súng đẫm máu đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trên toàn nước Pháp và cộng đồng quốc tế.    

Giữa lòng kinh đô ánh Sáng, trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo bị tấn công, 12 người thiệt mạng (10 nhà báo có Tổng biên tập), 10 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong vòng bốn thập kỷ qua tại Paris. Theo các nhân chứng, ba kẻ tấn công đội mũ trùm kín đầu màu đen, mang theo súng tiểu liên đã đi vào tòa nhà nơi đặt trụ sở báo. Chúng hét to chúng ta trả thù cho Nhà tiên tri và loạt súng vang lên chỉ vài phút sau đó.

Vụ thảm sát tại Trụ sở tạp chí Charlie Hebdo không phải là cuộc tấn công đầu tiên vào tờ báo này. Trước đó, tuần báo trào phúng Charlie Hebdo đã từng bị tấn công do nhiều phát ngôn và hành động gây tranh cãi. Charlie Hebdo là một tuần báo nổi tiếng ở Pháp chuyên về vẽ châm biếm và không ngại ngần cả việc chống các tôn giáo như Hồi giáo, Do Thái, Công giáo… Charlie Hebdo đã trở nên quen thuộc trong dư luận Pháp với những vụ tranh cãi và bị đe dọa tấn công từ các tổ chức cực đoan. Nhưng tờ báo vẫn tiếp tục đường lối hoạt động của riêng mình, thậm chí có những phát ngôn mạnh miệng và không lùi bước.

Vụ khủng bố tại Paris diễn ra ngay những ngày đầu năm mới khi thế giới vừa trải qua năm 2014 với vô vàn các thách thức an ninh đến từ các tổ chức khủng bố khét tiếng như al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Là một trong những quốc gia đáng sống nhất thế giới, với các điều kiện an ninh luôn được bảo đảm, nhưng Pháp giờ đây đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh ngày một lan rộng. Nghiêm trọng hơn khi sau vụ việc này, tại nhiều địa phương của Pháp đã liên tiếp xảy ra các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Hồi giáo.

Không dừng ở nước Pháp, vụ tấn công đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh châu Âu. Mạng thông tin tình báo Stratfor cho rằng một vụ tấn công như vậy ở Paris không đáng ngạc nhiên. Thực chất, mối đe dọa của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Pháp và một số khu vực của châu Âu đã tăng cao. Do người dân theo đạo Hồi sống tập trung ở châu Âu nên không khó khăn cho những đối tượng cực đoan Hồi giáo tìm được đồng minh. Thậm chí, các nhóm khá cô lập như 4 kẻ bị bắt hồi tháng 4.2012 vì âm mưu tấn công một căn cứ quân sự của Anh trướác đó có thể là một phần trong cộng đồng cực đoan lớn hơn, có bạn và người thân đã từng tham gia các âm mưu tấn công hoặc từng ra nước ngoài để chiến đấu cùng các chiến binh Hồi giáo cực đoan khác.

Cuộc tấn công xảy ra vào thời điểm vai trò của các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Pháp đang là chủ đề được tranh luận, đặc biệt sau khi một cuốn tiểu thuyết được xuất bản mô tả về vị Tổng thống Hồi giáo cai trị nước Pháp. Nó cũng diễn ra vào thời điểm Mặt trận Dân tộc chống nhập cư đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và có thể sẽ là nhân tố chính trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Tình hình các cộng đồng thiểu số Hồi giáo cũng gây tranh cãi ở Đức, nơi các cuộc biểu tình phản đối Hồi giáo đã diễn ra trong những tháng gần đây. Trong khi đó tại Hà Lan, đảng Tự do cực hữu đã đề nghị thông qua luật thắt chặt nhập cư. Các cuộc tấn công như ở Paris có thể sẽ còn tiếp tục xảy ra ở các nước phương Tây, khi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vẫn tồn tại. Có thể xảy ra ở quy mô hạn chế nhưng gây quan ngại sâu sắc cho người dân các nước phương Tây.

Trong khi đó, nguy cơ giảm phát đang rình rập châu Âu. Dù đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ công, song châu Âu vẫn chưa thể lạc quan khi nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2015, đồng Euro đã giảm giá thấp nhất so với đồng USD trong gần 9 năm qua, khiến dư luận và các nhà đầu tư vô cùng lo ngại. Những yếu tố tiêu cực vẫn đang tạo áp lực lên nền kinh tế của Cựu lục địa. Dù thời gian gần đây, đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan từ các nền kinh tế được cho là mắt xích yếu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song đà phục hồi chậm chạp của các đầu tàu kinh tế vẫn không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Theo các nhà phân tích, tồn tại một bài toán vô cùng khó đối với châu Âu và cả Ngân hàng Trung ương châu Âu khi phải tính toán để làm sao vừa kích thích được nền kinh tế Eurozone tăng trưởng, duy trì lạm phát từ 0-2% và cân bằng nhiều yếu tố khác nữa mà vẫn không làm đồng Euro bị rớt giá thêm. Có thể thấy, nền kinh tế EU nói chung, Eurozone nói riêng trong năm qua rơi vào tình trạng sát ngưỡng của suy thoái và thiểu phát. Việc EU cùng với Mỹ tiến hành bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Nga không những không đem lại lợi gì về kinh tế gì cho EU mà ngược lại nền kinh tế nhiều nước EU còn lao đao.