Thực trạng trốn thuế ở châu Âu

Trong vài năm trở lại đây, lục địa già ngoài việc chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công chồng chất còn phải “chiến đấu” với vấn nạn trốn thuế đang phủ rộng khắp châu Âu. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên là những kẽ hở về pháp luật đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tìm cách né tránh nghĩa vụ thuế. Điều này đã khiến chính phủ ở các nước trong khối EU bị thất thu hàng nghìn tỷ Euro tiền thuế mỗi năm.

Ngày 22/5/2013, lãnh đạo các nước thuộc EU đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn về các biện pháp chống gian lận và trốn thuế trong bối cảnh những tập đoàn kinh tế lớn như: Amazon, Google, Starbucks và Apple bị cáo buộc trốn một khoản tiền lớn giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn. Tương tự, tập đoàn Amazon (Anh) cũng bị cáo buộc gian lận thuế, chỉ nộp 3,7 triệu USD trên tổng doanh thu 6,5 tỷ USD trong năm 2012.

Tại cuộc họp bàn lần này, Bộ trưởng Tài chính 6 nước trong EU là Đức, Pháp, Anh, Italia, Tây Ban Nha và Ba Lan đã thống nhất đẩy mạnh cuộc chiến chống nạn trốn thuế khi thông qua kế hoạch thúc đẩy tính minh bạch của hệ thống các ngân hàng trong khu vực để chống lại các “thiên đường trốn thuế” và chấm dứt “những bí mật ngân hàng” gây thất thu hàng tỷ USD tiền thuế. Kế hoạch minh bạch hóa ngân hàng dựa vào biện pháp chia sẻ thông tin liên quốc gia về giao dịch tài chính như: cung cấp thông tin người gửi cho cơ quan thuế vụ của các nước; trao đổi dữ liệu giữa các ngân hàng về các tài khoản tiết kiệm cá nhân cũng như tạo ra hệ thống tự động trao đổi dữ liệu về thuế…

Mới đây, Liên hiệp Phóng viên điều tra (ICIJ) đã công bố một báo cáo điều tra về gian lận tài chính và phanh phui các “thiên đường trốn thuế” trên toàn cầu, phơi bày bí mật của hơn 120.000 công ty có chi nhánh ở nước ngoài và quỹ đầu tư, cũng như các vụ gian lận tài chính của gần 130.000 cá nhân tại hơn 170 quốc gia. Theo báo cáo của ICIJ, các ngân hàng hàng đầu thế giới như Clariden, UBS (Thụy Sỹ) và Deutsche Bank (Đức) đã cho phép khách hàng thành lập các công ty bí mật tại nhiều quốc gia.

Ngoài ra, các cá nhân bị ICIJ phanh phui “có liên quan đến các hoạt động kinh doanh không khai báo thuế” bị phát hiện đặt trụ sở kinh doanh ở khắp mọi nơi: quần đảo Cook (New Zealand), quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Azebaijan, Nga, Canada, Pakistan, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ và nhiều nước khác. Vụ tiết lộ này đã khiến nhiều chính phủ ở châu Âu lo ngại những công dân giàu có nước mình tìm mọi cách che giấu tài sản hợp pháp cũng như bất hợp pháp, tránh không bị đánh thuế bằng cách lập công ty ở nước ngoài… Việc thất thu thuế còn khiến cho sự bất tín nhiệm vào chính phủ gia tăng, sự chia rẽ trong xã hội thêm sâu sắc và cuối cùng là nhiệm vụ khắc phục khủng hoảng kinh tế càng khó thực hiện. Tất cả từ các nhà lãnh đạo đến người dân EU đều hiểu “trốn thuế là một tội phạm nghiêm trọng bất bình đẳng”.

Châu Âu và vấn nạn trốn thuế  - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, hiện nay các sắc thuế ở châu Âu như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đang có mức chênh lệch về thuế suất khá lớn. Cụ thể, đối với thuế thu nhập cá nhân, Thụy Điển là quốc gia đánh thuế cao nhất thế giới (56,6%), tiếp đến là Đan Mạch (55,6%), Bỉ (53,7%), Bồ Đào Nha (53%), Tây Ban Nha và Hà Lan 52% và mức thấp nhất Bulgaria (10%).

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Pháp là nước có mức thuế suất cao nhất (36,1%), Malta (35%), Bỉ (34%) và hai nước Bulgaria và Cyprus áp dụng mức thuế suất thấp nhất (10%). Đáng chú ý, thuế giá trị gia tăng tại một số nước được duy trì khá ổn định như: ở Luxembourg 15%, Cyprus và Malta 18%, Hungary 27%, Đan Mạch và Thụy Điển 25% (Bảng 1).

Một số rào cản và hạn chế

EU sẽ khó thực hiện được mục tiêu buộc các nước thành viên tự nguyện chia sẻ thông tin ngân hàng vào cuối năm nay vì tổ chức này phải thương lượng đồng thời với cả Thụy Sỹ và các “thiên đường” thuế khác. Mặt khác, tại Hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên EU mới đây diễn ra tại Bỉ cho thấy, EU đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng về chống trốn thuế và gặp bế tắc khi thỏa thuận sửa đổi về Đạo luật đánh thuế tiền gửi của EU không được các nước thành viên thông qua. Cuộc chiến chống trốn thuế trên khắp các nước châu Âu đã gặp phải những trở ngại và khó khăn sau:

Thứ nhất, thỏa thuận minh bạch các nguồn tiền gửi (hiện nay cơ chế trao đổi thông tin giữa ngân hàng các nước EU mới chỉ áp dụng đối với các tài khoản tiết kiệm, tức là với lượng tiền không lớn) chắc chắn sẽ đụng chạm tới nhiều ngân hàng, mà nguồn thu chính của họ là từ các cá nhân, tổ chức gửi tiền nhưng không muốn công khai danh tính. Những ngân hàng này còn có thể đối mặt với việc các khách hàng sẽ rút tiền ồ ạt khi thỏa thuận trên bắt đầu triển khai. Mặt khác, tình trạng sụp đổ của một loạt ngân hàng chính là một trong những lý do khiến câu chuyện chống trốn thuế cứ kéo dài nhiều năm không được thực hiện triệt để. Đó là chưa kể tới việc chính các ngân hàng này sẽ tìm mọi cách gây sức ép ngược lại với các nhà làm chính sách của EU để chí ít cũng có thể trì hoãn quá trình thực hiện thỏa thuận.

Thứ hai, thỏa thuận minh bạch ngân hàng chỉ có thể thực hiện được trên một diện rộng bao gồm cả những “thiên đường trốn thuế” (Thụy Sỹ, San Marino, Andorra, Liechtenstein và Monaco) về các thỏa thuận đánh thuế tiền gửi và cơ chế tự động trao đổi thông tin ngân hàng với những quy định chặt chẽ hơn. Có nhiều ý kiến nhận định, thỏa thuận có nhiều khả năng sẽ khiến cho sự chia rẽ trong EU thêm sâu sắc và rất có thể một nguồn tiền lớn từ các ngân hàng EU có thể “bốc hơi” sang các nước khác ngoài EU. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống trốn thuế mới chỉ bắt đầu bằng quyết tâm chính trị và còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết dứt điểm vấn nạn này;

Thụy Điển là quốc gia đánh thuế thu nhập cá nhân cao nhất thế giới (56,6%), tiếp đến là Đan Mạch (55,6%), Bỉ (53,7%), Bồ Đào Nha (53%), Tây Ban Nha và Hà Lan 52% và mức thấp nhất Bulgaria (10%). Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Pháp là nước đánh thuế cao nhất (36,1%), Malta (35%), Bỉ (34%) và hai nước Bulgaria và Cyprus áp dụng mức thuế suất thấp nhất (10%).

 Thứ ba, việc minh bạch ngân hàng là nhằm chống thất thu thuế nhưng hệ lụy của nó có thể lại là sự sụt giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư EU. Trong tình cảnh ảm đạm hiện nay, có lẽ mục tiêu lớn nhất và cấp bách hơn cả đối với EU phải là kích thích tăng trưởng. Sự chán nản của người dân trước tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, thu nhập không có dấu hiệu tăng trưởng… sẽ có thể khiến cho thỏa thuận này sẽ chỉ dừng lại ở hình thức văn bản hành chính;

Thứ tư, mô hình EU đang ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết là bởi chính việc các nhà lãnh đạo EU bỏ qua những nhiệm vụ đơn giản, nhưng lại là rất quan trọng đối với sự sinh tồn của mỗi quốc gia thành viên, trong quá trình xây dựng nền móng của ngôi nhà liên kết. Rõ ràng, khi một quốc gia cho dù là nhỏ bé gia nhập một liên kết nào đó, thì vấn đề của quốc gia này sớm hay muộn cũng sẽ là của cả liên kết. Đây có lẽ cũng sẽ là một bài học đắt giá cho nhiều mô hình liên kết trên thế giới hiện nay mỗi khi “va vấp” đến lợi ích và được đem ra bàn thảo;

Thứ năm, việc chống trốn thuế tại các nước trong khối EU vẫn còn bị coi nhẹ và chưa được chính phủ một số nước coi trọng.

Giải pháp chống trốn thuế

Điều quan trọng hiện nay là thực hiện các biện pháp hiệu quả để chống trốn thuế và gian lận thuế trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Những giải pháp phải được thực thi trên cơ sở nỗ lực của các thành viên EU theo một số điểm sau:

- Tập trung ưu tiên vào những hoạt động giao dịch trên cơ sở tự nguyện trao đổi thông tin giữa các nước thuộc EU và toàn cầu. Ở cấp quốc gia, các nước thành viên tập trung vào việc cải thiện khả năng quản lý hành chính thuế, đồng thời Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thường xuyên giám sát và kiểm tra các hoạt động giao dịch của các tổ chức tài chính và ngân hàng để tránh trốn thuế. Chính quyền các nước tuân thủ chặt chẽ Pháp luật thuế và đấu tranh các hành vi gian lận thuế. Ở cấp EU, đẩy mạnh và tăng cường những chương trình hành động chống trốn thuế và có chế tài xử phạt thật nặng đối với những đối tượng có hành vi gian lận và trốn thuế. Ở cấp quốc tế, động thái chống trốn thuế phải đặt hiệu quả lên hàng đầu, các nước trên thế giới phải áp dụng những chuẩn mực quản trị thuế tốt nhất tương ứng với hệ thống quản trị của EU;

- Các nước thành viên EU cần lập kế hoạch cụ thể tập trung ưu tiên vào cuộc chiến chống gian lận và trốn thuế lên hàng đầu để bù đắp vào khoản hụt thu ngân sách nhà nước hàng năm. Ngoài ra, để ngăn chặn gian lận thuế giá trị gia tăng, Hội đồng châu Âu dự kiến ban hành Chỉ thị tiết kiệm thuế và thông qua cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý thuế để đối phó với vấn nạn trốn thuế;

- Song song với việc chống trốn thuế và gian lận thuế, EU còn mở các cuộc tấn công nhằm vào các tổ chức tài chính kinh tế lớn có hành vi rửa tiền tại các nước trong nội khối hoặc tại nước thứ ba;

- Trong thời gian tới, EC sẽ thực hiện kiểm tra một số nguyên tắc cơ bản mang tính pháp lý quy định trong quy tắc thuế của các nước thành viên để đối chiếu xem các nước này có tuân thủ đúng với thỏa thuận;

- Các quốc gia thành viên EU cần tăng cường chống gian lận và trốn thuế thông qua việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này (hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và G-20);

- Việc loại bỏ các trở ngại thuế trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cần phải được các nước thành viên nhanh chóng đi đến thống nhất bằng một thỏa thuận rõ ràng, minh bạch và cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài thường trú tại các nước thành viên EU được giảm thuế khấu đối với cổ tức, lãi suất và thu nhập từ chứng khoán… cùng với đó bảo vệ chống lại các lỗi thu thuế và gian lận thuế từ hoạt động đầu tư chứng khoán…

Tài liệu tham khảo:

http://ec.europa.eu/eurostat;

http://ec.europa.eu/taxation_customs/taxation/index_en.htm;

http://ec.europa.eu/commission_2010- 2014/semeta/headlines/ news/2012/06/20120627_en.htm;

http://ec.europa.eu/taxation_customs/taxation/gen_info/economic_ analysis/tax_structures/index_en.htm.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 - 2013

Châu Âu và vấn nạn trốn thuế

ThS. NGUYỄN THỊ HỆ - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Tài chính) Cụm từ mỹ miều “thiên đường trốn thuế” đang là nỗi ám ảnh của Liên minh châu Âu (EU) vì mỗi năm EU thất thoát khoảng 1.000 tỷ Euro (1.300 tỷ USD). Giữa lúc khủng hoảng kinh tế và nợ công chồng chất, EU đã đặt mục tiêu tấn công nhằm vào các “thiên đường trốn thuế” để thu hồi khoản tiền khổng lồ này, bù đắp vào ngân sách nhà nước.

Xem thêm

Video nổi bật