Chi phí cho World Cup - mồi lửa tại Brazil

Theo daibieunhandan.vn

Cuộc biểu tình của cả triệu người dân Brazil, một năm trước khi diễn ra vòng chung kết giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup 2014), đã phản ánh những bất mãn tiềm tàng trong xã hội: trì trệ kinh tế, nạn tham nhũng tràn lan, dịch vụ công cộng xuống cấp. Giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của Brazil đã thuộc về quá khứ?

Chi phí World Cup quá tốn kém là nguyên nhân khiến cả triệu người dân xuống đường. Nguồn: ABCnews.com
Chi phí World Cup quá tốn kém là nguyên nhân khiến cả triệu người dân xuống đường. Nguồn: ABCnews.com

Giọt nước tràn ly

Tại một đất nước mà bóng đá là vua, là niềm tự hào của cả một dân tộc như Brazil, không một ai chấp nhận giải thích theo đó World Cup quá tốn kém là nguyên nhân khiến cả triệu người dân xuống đường.

Thực tế cho thấy là từ hơn một năm nay, kinh tế Brazil bắt đầu tuột dốc tới mức đáng lo ngại. Đang từ một trong những nền kinh tế năng động nhất của nhóm 5 nước đang lên BRICS (Brazil - Nga - Ấn Độ - Trung Quốc và Nam Phi) năm 2012 Brazil bỗng dưng đội sổ với tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất là 0,9%. Đây lại cũng là thành tích kém cỏi nhất trong số các nước ở châu Mỹ Latin.

Về cơ cấu, ngành công nghiệp của Brazil ngày càng bị co cụm lại. Thậm chí người ta nói đến một người khổng lồ đang trên đường “phi công nghiệp hóa”. Cán cân thương mại của Brazil liên tục bị thâm hụt – chủ yếu là với bạn hàng Trung Quốc và các nước châu Á. Chính sách phá giá đồng tiền (đồng real mất giá 50% trong thời gian từ 2006-2010) và các biện pháp bảo hộ vẫn không giúp Brazil thu hẹp nhập siêu.

Trong lúc mà một nước như Trung Quốc dành đến 40% GDP để đầu tư thì tỷ lệ đó của Brazil chỉ là 18%. Một trong những hệ quả trực tiếp là sự yếu kém nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công cộng, từ y tế đến giáo dục, an ninh.

Trong bối cảnh đó, quyết định tăng giá vé xe bus của chính quyền Sao Paulo hay Rio de Janeiro chỉ là giọt nước làm tràn ly. Đây trước hết là dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng niềm tin của tầng lớp trung lưu đối với chính quyền. Người biểu tình đòi Nhà nước phải bảo đảm cho người dân ở thành phố một số dịch vụ cơ bản. Giáo sư Gogofredo de Oliviera, trường Đại học Rio nhận định: “Khi mà người ta đã mất hai tiếng để đến sở làm, rồi lại hai giờ nữa để từ sở về nhà, nhồi ép như cá mòi, rồi lại còn phải trả giá vé xe đắt hơn, thì tất yếu đến một lúc nào đó quần chúng sẽ vùng lên. Họ bày tỏ phẫn nộ trước tình hình vật giá leo thang, đời sống đắt đỏ, đòi được hưởng một số quyền lợi tối thiểu, như là quyền được đi lại dễ dàng trong thành phố”.

Không còn phép lạ kinh tế

Với gần 200 triệu người, Brazil là quốc gia đông dân đứng hàng thứ 5 trên thế giới, là nền kinh tế quan trọng thứ 6 toàn cầu. Từ những năm 1960, mọi người đã bắt đầu nói tới đà vươn lên của kinh tế Brazil. Thế rồi chương trình trợ cấp xã hội được Tổng thống Lula da Silva tiến hành trong hai nhiệm kỳ trải dài từ năm 2003 đến 2011 đã giúp gần 40 triệu người dân xứ này thoát khỏi cảnh bần cùng và bắt kịp con tàu tăng trưởng.

Số này trở thành “tầng lớp trung lưu”. Sức mua sắm của họ là chìa khóa giúp kinh tế Brazil đứng vững bất chấp khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó trong giai đoạn 10 năm vừa qua, Brazil còn có được một lợi thế khác đó là giá nguyên liệu trên thế giới tăng cao. Brazil là nguồn xuất khẩu nông nghiêp quan trọng của thế giới, lại giàu tài nguyên thiên nhiên như khí đốt, khoáng sản, Brazil vào đầu những năm 2000 đã tận dụng thời cơ khi mà giá nguyên liệu tăng cao. Nhờ thế mà GDP của quốc gia này đã tăng thêm 7,5% vào năm 2010, và tiếp theo đó là 2,7% vào năm 2011.

Thế nhưng từ đó đến nay, giá năng lượng và nguyên vật liệu trên thị trường thế giới đã giảm. Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng nhất của Brazil nhập hàng từ Brazil ít hơn so với trước. Trong khi đó thì Brazil ngày càng lệ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc. Hệ quả là thâm thủng cán cân thương mại của Brazil đã lớn dần. Tại một đất nước rộng lớn như Brazil, tăng trưởng 1,2%/năm không đủ sức để đáp ứng những thách thức về phương diện xã hội cho gần 200 triệu con người.

Một thách thức khác đặt ra cho người dân Brazil là hiện tượng vật giá leo thang (5,5% vào năm ngoái). Từ tiền điện, nước, đến nhà ở, lương thực… mọi chi tiêu của các hộ gia đình đều tăng nhanh trong năm qua. Nếu chỉ nhìn riêng vào các phương tiện chuyên chở công cộng, thì giá vé xe bus ở Rio de Janeiro hay Sao Paulo đắt tương đương với giá một cuốc xe ở các nước phát triển nhất như Anh hay Pháp. Đây là hậu quả của chính sách đầu tư kém cỏi vào cơ sở hạ tầng tại Brazil trong suốt gần 50 năm qua. Trong khi đó chính quyền dự trù các phí tổn để đón Cúp bóng đá 2014 và tiếp theo đó là Thế Vận hội 2016 sẽ cao hơn từ 30 đến 40% so với những dự tính ban đầu.

Bóng đá – khoản ngốn ngân sách lớn

Từ năm 1950 khi để vuột khỏi tầm tay chức vô địch bóng World Cup, Brazil luôn luôn đặt rất nhiều kỳ vọng vào môn thể thao này cho dù đã 5 lần đoạt giải vô địch. Năm 2007, Tổng thống Lula đã đến Zurich để vận động và Brazil đã được chọn tổ chức World Cup nhờ lá phiếu của nhiều nước châu Phi. Khi đó, trưởng đoàn Brazil cam kết là 99% chi phí tổ chức World Cup do lĩnh vực kinh tế tư nhân tài trợ. Cho tới nay, 99% các khoản đầu tư để chuẩn bị cho sự kiện thể thao trọng đại này đều do Nhà nước đài thọ. Đương nhiên là Nhà nước phải lấy thuế của dân.

Cách nay 6 năm, ban tổ chức dự trù các phí tổn sẽ lên tới 7 tỷ euro. Nhưng đến nay thì khoản tiền đó được ước tính sẽ là 10 - 15 tỷ euro. Để so sánh thì World Cup 1998 tổ chức tại Pháp chỉ tốn có 1 tỷ euro. Tất nhiên là Pháp không phải chi nhiều về xây dựng cơ sở hạ tầng. World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi tốn 2 tỷ euro. Brazil chọn tổ chức lễ hội bóng đá tại 12 thành phố khác nhau. Đương nhiên qua đó các phí tổn lại càng tăng nhanh. Và người dân càng phẫn nộ khi thấy điều Chính phủ cần làm là xây dựng thêm đường xa lộ để giải quyết tắc nghẽn giao thông.

Chính quyền Brazil đã đặt quá nhiều ưu tiên vào mục tiêu xây dựng các sân vận động trước hai sự kiện thể thao trọng đại là World Cup 2014 và Olympics 2016 mà lơ là với các ưu tiên trong chính sách xã hội. Một mặt người dân Brazil rất hãnh diện được tổ chức Cúp bóng đá thế giới và tiếp theo đó được tổ chức Thế Vận hội. Nhưng mặt khác thì đấy cũng là một gánh nặng.

Không thể phủ nhận những tiến bộ về phương diện xã hội đã được đem lại trong hai nhiệm kỳ dưới thời Tổng thống Lula. Từ 35 đến 40 triệu người thoát khỏi cảnh bần cùng, nhưng hố sâu chia rẽ giàu nghèo trong cùng thời kỳ đã gia tăng. Nạn tham nhũng làm thất thoát hàng năm từ 1 đến 2% GDP. Vào lúc mà Brazil cần 21 tỷ real để cải thiện đời sống cho người dân qua các chương trình trợ cấp xã hội, thì cũng chính người khổng lồ ở Mỹ Latin này để thất thoát hàng năm từ 50 đến 80 tỷ vì các hành vi hối lộ, tham nhũng. Brazil bị coi là mọt trong những quốc gia bị tham nhũng làm lũng đoạn nghiêm trọng nhất và trong số các nền kinh tế đang trỗi dậy, thì theo bảng xếp hạng của Transparency International 2012, Brazil chỉ hơn có Trung Quốc!

Bất bình đẳng trong xã hội và tham nhũng cộng thêm với những khó khăn kinh tế chính là những nguyên nhân thôi thúc cả triệu người dân Brazil xuống đường. Tất cả mọi người dân Brazil đều mong muốn đất nước họ tổ chức thành công Cúp bóng đá thế giới cũng như mọi người đều mong mỏi là đội tuyển quốc gia sẽ gặt hái thêm 1 thành tích vô địch thế giớái nhưng có lẽ người dân với các đợt biểu dương lực lượng vừa qua muốn nhắn nhủ với chính quyền của Tổng thống Dilma Rousseff rằng, quốc gia này hãy còn phải trực diện với nhiều khó khăn. Chính phủ phải tiếp tục đẩy lui nạn tham nhũng và phải xét lại các ưu tiên về ngân sách, đừng nên lãng phí của công khi mà hàng chục triệu dân còn chật vật để lo đủ ngày hai bữa.