Chi tiết sáng kiến Một vành đai, một con đường

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hơn 3 tháng sau khi được Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh cuối năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức công bố nội dung chi tiết của sáng kiến Một vành đai, một con đường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sáng kiến này được hình thành từ hai bộ phận gồm: Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (SREB) - được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á từ bờ biển Thái Bình Dương tới biển Baltic - và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR). Khi hoàn thành, Một vành đai, một con đường sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại có chiều dài lớn nhất thế giới với tiềm lực phát triển bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 21.000 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ cũng như liên kết với các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Sáng kiến này gồm 5 lĩnh vực kết nối: chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại, tiền tệ, và nhân dân. Cụ thể hơn, việc thực thi sáng kiến này sẽ bao gồm các biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư; phát triển hạ tầng (đường sắt, đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển, viễn thông, đường ống dẫn năng lượng và kho vận); hợp tác kinh tế công nghiệp và tiểu khu vực (các khu công nghiệp chủ yếu đặt ở nước ngoài và các hành lang kinh tế); hợp tác tài chính và thúc đẩy quan hệ giao lưu nhân dân.

Một vành đai, một con đường sẽ đi qua ba lục địa Á - Âu - Phi, kết nối các vòng tròn kinh tế Đông Á sôi động với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu. Cụ thể, SREB tập trung kết nối theo các hướng sau: kết nối Trung Quốc, Trung Á, Nga và châu Âu (vùng Baltic); nối liền Trung Quốc với Vịnh Persian và Địa Trung Hải qua Trung Á và Tây Á; kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, MSR được thiết kế để kết nối đường biển của Trung Quốc theo hai hướng, một là sang châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương; hai là qua Biển Đông tới Nam Thái Bình Dương. Trên đất liền, sáng kiến này sẽ tập trung vào việc xây dựng các kết nối đường bộ Á - Âu mới và phát triển các hành lang kinh tế Trung Quốc - Mông Cổí - Nga; Trung Quốc - Trung Á - Tây Á; Trung Quốc - bán đảo Đông Dương.   

Báo cáo của Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các cổng kết nối cụ thể từ Trung Quốc tới các nền kinh tế. Khu tự trị Tân Cương ở phía Tây sẽ là trung tâm để kết nối Trung Quốc với các nước khu vực Trung Á, Nam Á và Tây Á, đồng thời đây cũng là một trong những điểm cuối của hành lang kinh tế Trung Quốc -Pakistan. Trong khi đó, tỉnh Hắc Long Giang sẽ trở thành cửa ngõ kết nối Trung Quốc với Mông Cổ và vùng Viễn Đông của Nga. Khu vực này sẽ là trung tâm phát triển các hành lang giao thông tốc độ cao Á - Âu nối Bắc Kinh với Moscow. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tận dụng vị trí địa lý của Tây Tạng để mở rộng Con đường Tơ lụa kết nối với Nepal. Hai khu vực ở phía Tây Nam Trung Quốc là Quảng Tây và Vân Nam sẽ là trung tâm kết nối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Do có vị trí giáp biên giới Việt Nam, Lào và Myanmar, Vân Nam là điểm lý tưởng để kết nối Trung Quốc với các nước Tiểu vùng sông MeKong, đồng thời sẽ là trục liên kết Trung Quốc với khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Côn Minh - thủ phủ của tỉnh Vân Nam sẽ là điểm cuối của Hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar (BCIM), bắt đầu từ bang Kolkata của Ấn Độ. Sáng kiến Một vành đai, một con đường sẽ được phát triển bởi mạng lưới đường bộ, đường sắt cao tốc, các dự án đường truyền cáp quang xuyên lục địa cũng như các cổng kết nối thông tin vệ tinh.    

Xung quanh sáng kiến này có nhiều ý kiến. Song, đa phần các nhà phân tích cho rằng do được sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (ABII) dưới sự điều hành của Trung Quốc, sáng kiến trên có thể làm thay đổi các trung tâm địa - kinh tế hướng tới khu vực Á - Âu. Nhiều ý kiến nhận định kế hoạch này thực sự là một phần của phản ứng với những sự tái liên minh chiến lược đã và đang diễn ra tại các nước láng giềng của Trung Quốc vài năm qua, đặc biệt là sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ với châu Á. Ngoài ra, sáng kiến này không chỉ đơn thuần là phản ứng với sự tái cân bằng chiến lược của Mỹ hay môi trường chiến lược thay đổi trong khu vực mà trước tiên là nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Thứ nhất, Bắc Kinh đang trở thành nước nhập khẩu ròng năng lượng, hàng hóa công nghiệp và thực phẩm, vì thế cần phải bảo đảm việc tiếp cận các nguồn cung mới. Trung Quốc đang đối mặt với thách thức khủng hoảng thừa và quá tải, đặc biệt trong ngành thép và vật liệu xây dựng. Điều này có thể được giải quyết bằng sáng kiến trên khi mở cửa các thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp Trung Quốc. Thêm vào đó, do chi phí lao động tăng, Trung Quốc sẽ chuyển các cơ sở sản xuất tốn nhiều lao động và giá trị gia tăng thấp ra nước ngoài.

Thứ hai, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy phát triển ở các tỉnh biên giới trên bộ nghèo khó. Là những cửa ngõ mới, hướng tới thương mại Á - Âu, các tỉnh này hiện có cơ hội phát triển thịnh vượng và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Đối với các tỉnh nằm sâu trong nội địa và ở phía Tây của Trung Quốc vốn tụt hậu trong những thập kỷ mở cửa vừa qua, Một vành đai, một con đường có thể kích thích tăng trưởng kinh tế.

Vẫn còn quá sớm để dự đoán thành công của sáng kiến mà Trung Quốc đã lên kế hoạch. Nó phụ thuộc rất nhiều vào việc các nước láng giềng của Trung Quốc phản ứng như thế nào và sức thuyết phục của ý tưởng này. Sự hội nhập của châu Á sẽ không tự thực hiện chỉ thông qua đường sắt, đường cao tốc và đường ống dẫn, mà sẽ phụ thuộc vào việc châu Á có thể xây dựng bản sắc và các giá trị chung hay không.