Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ: Trở lại châu Á theo cách khác

Theo Nhật An/daibieunhandan.vn

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến công du đầu tiên tới 5 nước châu Á, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến thăm dài nhất của một Tổng thống Mỹ khi còn tại nhiệm tới khu vực này trong 25 năm qua, nhằm tái khẳng định chính sách đối ngoại của Washington tại châu Á. Song, chiến lược xoay trục của Mỹ đã được đổi tên.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khoác áo mới cho chính sách

Trong các phát biểu và văn kiện gần đây, Tổng thống Donald Trump và các quan chức trong chính quyền Mỹ đã sử dụng cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thay cho “châu Á - Thái Bình Dương” khi đề cập tới chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á. Ông Trump đã sử dụng cụm từ này tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in.

Tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” - Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William F. Hagerty tiết lộ với báo giới khi trả lời phỏng vấn về chuyến thăm 2 ngày tới Nhật Bản của ông Trump.

Một số nguồn tin còn cho hay, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đã đạt thỏa thuận về xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Tiếp đó, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Đà Nẵng, trong bài phát biểu chính thức đề cập tới chính sách của Mỹ đối với khu vực, Tổng thống Mỹ một lần nữa nhắc lại tham vọng xây dựng khu vực “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Trước đó một tuần, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. R. McMaster đã nhắc đi nhắc lại cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” khi nói về chuyến công du châu Á của Tổng thống Donald Trump. Còn trong chuyến thăm New Delhi diễn ra hai tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đề cập tới cụm từ này khoảng 15 lần khi phát biểu về việc mở rộng quan hệ chiến lược của Mỹ với Ấn Độ và các đồng minh khác như Nhật Bản và Australia.

Trong bài phát biểu, ông Tillerson nhấn mạnh, Mỹ và Ấn Độ sẽ tăng cường phối hợp nhằm đối phó với những thách thức chính trị và an ninh trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ lưu ý, địa kinh tế của Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng quan trọng tương đương với địa chính trị của khu vực.

Đối với những người theo chủ nghĩa hoài nghi, khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” đơn giản chỉ là cái tên mới mà chính quyền Trump đặt cho chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực, hay một sự điều chỉnh nhằm tạo khác biệt so với chiến lược xoay trục của chính quyền tiền nhiệm Obama.

Song, các quan chức Mỹ cho rằng, nội hàm của khái niệm “Ấn Độ - Thái Bình Dương” rộng hơn so với khái niệm cũ, khi không chỉ tập trung vào những nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu nhiều ảnh hưởng của Trung Quốc. Thay vào đó, “Ấn Độ - Thái Bình Dương” mở rộng ra cả Ấn Độ và những nước Ấn Độ Dương khác.

Hình thành “Bộ tứ” mới?

Giới chuyên gia cho rằng, thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” không mới mà thực tế đã được lãnh đạo các nước trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia hay Australia nhắc đến vài năm gần đây.

Năm 2007, phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng đưa ra tầm nhìn táo bạo về khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hay nói cách khác là một “châu Á rộng hơn”, được kỳ vọng sẽ “cởi mở và minh bạch, cho phép người dân, vốn, hàng hóa và tri thức lưu thông tự do và thịnh vượng, cùng với vành đai bên ngoài lục địa Á - Âu”. Mặc dù một tháng sau, ông Abe phải rời nhiệm sở nhưng ý tưởng về Ấn Độ - Thái Bình Dương dường như đã bắt rễ ở khu vực này.

Trở lại nắm quyền tháng 12/2012, Thủ tướng Abe lập tức thúc đẩy phát triển “Tứ giác an ninh dân chủ châu Á” gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia. Các nhà chiến lược Mỹ - Nhật gọi đó là nền tảng cho một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng.

Cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” cũng được nhắc đến ngày càng nhiều trong giới ngoại giao và học thuật ở khu vực này từ đầu những năm 2010. Quan chức hải quân Ấn Độ Gurpreet Khurana là một trong những người nhắc tới thuật ngữ này khi đề cập hợp tác an ninh biển giữa Ấn Độ và Nhật Bản.

Năm 2013, sách trắng quốc phòng của Australia cũng nhất trí rằng, “khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới đang hình thành, liên kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua Đông Nam Á”.

 Giáo sư Rory Medcalf, Trường Đại học Quốc gia Australia cho rằng, trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang mở rộng sang cả châu Phi, Ấn Độ cũng đưa ra chính sách hướng Đông của riêng mình và các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump bao trùm cả 2 đại dương quan trọng trong một hệ thống chiến lược đơn nhất.

Theo Cố vấn về châu Á cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ely Ratner, chiến lược mới đề cao vai trò của Ấn Độ hơn và đưa những nước có ý tưởng tương đồng xích lại gần nhau.

Giới quan sát nhận định, chiến lược này có thể sẽ hình thành liên minh chiến lược bốn bên mới giữa Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia. Mặc dù bốn nước chưa lập thành nhóm chính thức trong suốt một thập kỷ qua, nhưng dường như đang dọn đường cho bước đi này.

Thông báo mới đây của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, các quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ đã có cuộc họp đầu tiên tại Thủ đô Manila, Philippines ngày 12/11, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN, nhằm thảo luận các biện pháp bảo đảm trật tự thế giới tự do và cởi mở dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.