Chiến lược “Trung Quốc + 1” và những tác động đối với thương mại Việt Nam

ThS. Bùi Thị Hồng Ngọc, ThS. Trần Thị Mai Thành - Viện Kinh tế Việt Nam

Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ Chiến lược “Trung Quốc + 1” của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn đến từ Hàn Quốc. Trong khi đó, thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Hàn Quốc cũng tác động nhất định tới Chiến lược này, thể hiện trong việc gia tăng thâm hụt thương mại nhanh chóng với Hàn Quốc, cũng như cơ cấu xuất khẩu được cải thiện theo hướng gia tăng hàng hóa chế tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chiến lược “Trung Quốc + 1”

Sau hàng thập kỷ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, giờ đây nền kinh tế Trung Quốc đã trưởng thành, xếp thứ 2 thế giới. Sự trưởng thành của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc nền kinh tế này sẽ dần mất dần đi những lợi thế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (DN) phương Tây, cụ thể như sẽ không còn là thị trường lao động rẻ nhất châu Á; Các chính sách khuyến khích đầu tư liên quan đến thuế cho các DN phương tây bị xóa bỏ hoặc ưu đãi giảm dần; Việc thực thi Luật Sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc thiếu đồng bộ…

Tình hình này buộc các công ty đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc phải tìm cách chuyển cơ sở sản xuất của mình từ các tỉnh duyên hải về sâu trong nội địa -  nơi có chi phí sản xuất thấp hơn. Tuy nhiên, việc di dời khỏi khu vực duyên hải cũng là một vấn đề nan giải, do đó, các công ty này tìm cách di chuyển cơ sở sản xuất của mình sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Myanmar (Symington, 2013). Chiến lược “Trung Quốc +1” đã ra đời trong bối cảnh như vậy và nó ngày càng trở nên phổ biến.

Theo lý thuyết về đa dạng hóa đầu tư của Markowitz (1952), “Trung Quốc + 1” là một chiến lược đa dạng hóa, chiến lược tối ưu của các nhà đầu tư tài chính. Các nguyên tắc cơ bản của lý thuyết này cũng có thể được các DN áp dụng nhằm giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Theo Madura và Whyte (1990), các DN có thể đa dạng hóa các sản phẩm hoặc đa dạng hóa quốc tế bằng cách đầu tư vào một loạt các quốc gia bên ngoài. Theo Keisuke (2015), Chiến lược “Trung Quốc + 1” là một phương pháp các DN dùng để bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc, đặc biệt là đối với các DN Nhật Bản. Nghĩa là, các DN nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất sang các nước châu Á khác như: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar...

Những lợi ích mà Chiến lược “Trung Quốc + 1” đem lại cho DN gồm: Giảm chi phí, do chi phí nhân công tại các nước Đông Nam Á rẻ hơn so với chi phí nhân công tại Trung Quốc; Hạn chế những rủi ro, sự đa dạng hóa sẽ giúp cho nhà sản xuất ít chịu rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá và rủi ro về thuế; Tiếp cận thêm nhiều thị trường mới, đang phát triển nhanh và sôi động.

Tác động của Chiến lược “Trung Quốc + 1” tới thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc

Trung Quốc và Hàn Quốc là hai đối tác thương mại lâu đời và truyền thống của Việt Nam. Trong khi duy trì thặng dư thương mại với phần còn lại của thế giới, Việt Nam cũng chịu thâm hụt thương mại lớn với hai đối tác này. Cụ thể: Trung Quốc 13 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam; Là thị trường số 1 xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam và luôn đứng trong top đầu số những thị trường nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong năm 2000, Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại với Trung Quốc là 135,3 triệu USD, tuy nhiên, khuynh hướng này đã thay đổi từ năm 2001, khi cán cân thương mại luôn bị thâm hụt từ 188,8 triệu USD (năm 2001) lên 640,5 triệu USD (năm 2002), hơn 9 tỷ USD (năm 2007) và đạt đỉnh xấp xỉ 33 tỷ USD vào năm 2015, năm 2016 giảm nhẹ xuống còn khoảng 28 tỷ USD. Kết quả này có được là do tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng lớn.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 22 tỷ USD, tăng 62,2% và gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu. Đặc biệt, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phong phú hơn rất nhiều. Bên cạnh hàng nông sản, các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghiệp nhẹ của Việt Nam cũng đã thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc. Cơ cấu này không chỉ góp phần thay đổi tổng kim ngạch, mà còn là tiền đề để đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu và tiến tới cân bằng quan hệ thương mại một cách bền vững.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 22 tỷ USD, tăng 62,2% và gấp 4 lần tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu.
Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, trong 2 thập kỷ qua đã tăng gấp gần 87 lần, từ 0,5 tỷ USD (năm 1992) lên 43,4 tỷ USD vào năm 2016. Chỉ tính riêng trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 12 tỷ USD, trong đó, các sản phẩm hàng hóa của các DN thuần Việt chiếm 3 tỷ USD tập trung ở các nhóm, ngành hàng nông, lâm, thủy sản. Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, tính đến hết năm 2016, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3; Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.

Đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp (HPA, 2016). Tuy nhiên, Việt Nam luôn chịu áp lực nhập siêu từ Hàn Quốc và Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Quốc.

Chiến lược “Trung Quốc + 1” và những tác động đối với thương mại Việt Nam  - Ảnh 1

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Hàn Quốc trong thời gian gần đây gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng, vải, điện thoại, xăng dầu, nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may da giày, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, xăng dầu các loại, sắt thép các loại, ôtô nguyên chiếc các loại, linh kiện và phụ tùng ôtô, chất dẻo nguyên liệu... Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc chủ yếu là dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ…

Đã có rất nhiều nghiên cứu lý giải cho cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Nghiên cứu của Jeawan Cheong (2010) chỉ ra rằng thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc chủ yếu là hàng hóa trung gian (hơn 50%). Điều này được lý giải là do các DN Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam dẫn đến nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc. Nghiên cứu của Tran Nhuan Kien (2012) về thay đổi mô hình thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho thấy, Hàn Quốc chủ yếu xuất khẩu các hàng hóa sản xuất, còn Việt Nam chủ yếu xuất sang Hàn Quốc các hàng hóa thô và hàng tiêu dùng.

Tuy vậy, cơ cấu thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có tính bổ sung cho nhau và mỗi quốc gia có lợi thế cạnh tranh ở những nhóm hàng khác nhau. Việt Nam có lợi thế cạnh tranh ở các nhóm hàng thô và các nhóm hàng sản xuất chứa hàm lượng công nghệ thấp. Trong khi đó, Hàn Quốc có lợi thế cạnh tranh ở những nhóm hàng máy móc và thiết bị vận tải. Tran Nhuan Kien cho rằng, tự do thương mại ở mức cao hơn nữa sẽ đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Nhóm nghiên cứu Phan Thanh Hoai và Jeong Ji Young (2012) sử dụng một số chỉ số thương mại (Trade Intensity, Trade complementary, Intra-Industry và Revealed Comparative Advantages) để xem xét cơ cấu và cấu trúc của thương mại Việt – Hàn, kết quả cho thấy, thương mại Việt – Hàn mang tính nội ngành và bổ sung cho nhau. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc hiện nay cũng như phù hợp với vai trò của các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc, trong đó điển hình là Samsung.

Nghiên cứu của LG. Ruda (2015) cho thấy, cả Samsung và LG đều đang chuyển hướng sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam, vì sự gần gũi của hai quốc gia này với các nhà cung cấp tại Trung Quốc. LG. Ruda cho rằng, những động thái trên phản ánh sự gia tăng nhu cầu về chuỗi cung ứng toàn châu Á chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi Trung Quốc.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy thu hút FDI như một nguồn lực tăng trưởng quan trọng, Samsung đã đóng góp vốn đầu tư FDI rất lớn trong thời gian vừa qua với tổng vốn đăng ký là 17,3 tỷ USD, vốn giải ngân là 10,4 tỷ USD tại 6 dự án trên cả nước (Bắc Ninh: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam; Thái Nguyên: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam; TP. Hồ Chí Minh: Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE Complex).

Chiến lược “Trung Quốc + 1” và những tác động đối với thương mại Việt Nam  - Ảnh 2

Với mức đầu tư trên, Samsung không chỉ là động lực dẫn đến làn sóng đầu tư của Hàn Quốc mà còn là nhân tố chính để Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng mức đầu tư lũy kế là 51,5 tỷ USD, trong đó đầu tư của Samsung chiếm 34% (Báo cáo của Samsung, tháng 9/2017). Samsung Việt Nam cũng đã có những đóng góp rất lớn vào tổng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây. Điển hình như năm 2016, xuất khẩu cả nước đạt 176,5 tỷ USD, thì riêng Samsung đã xuất khẩu 39,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 22,6%.

Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong 2 thập kỷ qua, gấp gần 87 lần, từ mức 0,5 tỷ USD (năm 1992) lên 43,4 tỷ USD vào năm 2016.
Tuy nhiên, Samsung cũng góp phần quan trọng vào kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Theo đánh giá của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, cùng với việc đạt tỷ trọng rất cao trong xuất khẩu, Samsung cũng là DN dẫn đầu về nhập khẩu tại Việt Nam, vì nguyên liệu đầu vào hiện nay của các DN Việt Nam chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho quá trình sản xuất của Samsung. Ứng phó với thực tế này, Samsung đã phải nhập khẩu nhiều trang thiết bị, nguyên liệu từ bên ngoài. Hiện nay, những máy móc, thiết bị sử dụng liên quan trong lĩnh vực điện tử Samsung còn phải nhập khẩu ở nhiều quốc gia khác.
Tóm lại, hiện nay Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ Chiến lược “Trung Quốc + 1” của các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn đến từ Hàn Quốc. Như vậy, Chiến lược “Trung Quốc + 1” phần nào đã tác động nhất định tới quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Hàn Quốc. Điều này thể hiện rất rõ trong việc gia tăng thâm hụt thương mại nhanh chóng với Hàn Quốc, cũng như cơ cấu xuất khẩu của nước ta đang được cải thiện theo hướng gia tăng hàng hóa chế tạo.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất của Samsung năm 2016, 2017;

2. Symington, P. (2013), ‘China plus one’, http://ftijournal.com/article/china-plus-one;

3. Ruda (2015), China, plus one: From textiles to microchips, https://tax.thomsonreuters.com/wp-content/pdf/onesource/gtm/china-plus-one-from-textiles-microchips.pdf;

4. Keisuke, I. (2015), ‘Political Risks and Japanese Foreign Direct Investment in East Asia: A Case Study of “China-Plus-One”, The Korean Journal of International Studies 13-2 (August 2015), pp. 383-410,  http://www.kjis.org/journal/view.html?uid=160&pn=lastest&vmd=Full;

5. Một số website: intracen.org; customs.gov.vn, news.zing.vn…