Một năm cuộc chiến Ukraine:

Chiến thắng thuộc về Putin

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cuộc chiến tại miền Đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập (đồng nghĩa với cuộc chiến giữa Nga và phương Tây) đã ghi dấu một năm. Nhìn lại, bất chấp các lệnh trừng phạt khiến kinh tế Nga suy yếu, ông chủ Điện Kremlin vẫn ở thế thượng phong.

Ảnh minh họa. Nguồn: cbc.ca
Ảnh minh họa. Nguồn: cbc.ca

Thất bại của chính quyền mới tại Ukraine là sự thật không thể che giấu. Một năm sau cuộc chính biến được phương Tây hậu thuẫn, lật đổ chính quyền hợp hiến của Tổng thống Viktor Yanukovych, cuộc sống ở Ukraine đang trở nên khó khăn hơn. Người dân bất bình trước những cải cách châu Âu hóa mà Chính phủ Yatsenyuk thực hiện.

Bây giờ tất cả mọi thứ ở Ukraine có giá cao như ở châu Âu từ khí đốt, điện sưởi ấm cho đến xăng dầu. Giá các dịch vụ xã hội cũng theo đó mà tăng lên, trong khi tiền lương và lương hưu lại dẫm chân tại chỗ. Các xí nghiệp đóng cửa khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, dân chúng lại mơ tưởng đến một cuộc Maidan mới.

Đối với tình hình tại miền Đông, chính quyền Kiev đã buộc phải có những nhượng bộ nhất định khi các nỗ lực buộc người dân tại Donetsk và Lugansk quay trở lại Ukraine bằng các biện pháp quân sự và dùng pháo binh bắn phá các thành phố thất bại. Gần 30 khu vực tại hai tỉnh vùng Donbass này đã được chính quyền trung ương Ukraine chính thức cấp quy chế tự quản đặc biệt.

Một năm sau ngày xung đột bùng nổ tại miền Đông Ukraine, khu vực này bị tan hoang vì bom đạn, mọi hạ tầng cơ sở từ nhà máy sản xuất cho đến phi trường quốc tế đều tê liệt. Phần lãnh thổ do Kiev kiểm soát tuy không bị chiến tranh nhưng kinh tế khủng hoảng phải trông nhờ vào viện trợ của Brussels và các định chế tài chính quốc tế với nhu cầu dự kiến cho 4 năm tới là 40 tỷ USD.

Thế đối đầu giữa Nga và phương Tây tại đây, được ví như một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai, trở nên sâu sắc hơn, nhưng Moscow không phải là bên thiệt hại duy nhất. Cái giá mà phương Tây phải trả khi can dự vào tình hình tại miền Đông Ukraine nói riêng và khu vực Đông Âu nói chung - đặc biệt là quan hệ giữa các nước từng thuộc không gian Xô Viết trước đây với Nga - là sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Trong khi Mỹ chủ trương viện trợ vũ khí, thiết bị sát thương cho quân chính phủ Kiev tại Donbasss, thì Đức, Pháp – hai nước lớn tại châu Âu – kiên quyết phản đối, coi đây là bước đi nguy hiểm có thể khiến cuộc chiến tại miền Đông vượt tầm kiểm soát. Thứ hai đó là những thiệt hại kinh tế khi châu Âu áp dụng trừng phạt Nga. Nga là nước cung cấp khí đốt, năng lượng hàng đầu cho Tây Âu. Quan hệ căng thẳng kéo theo các lệnh trừng phạt khiến hoạt động thương mại đình trệ, tác động tiêu cực tới nền kinh tế và đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu. 

Với nước Nga, không thể phủ nhận những khó khăn kinh tế mà các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu gây ra. Giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh càng khiến tình hình của Moscow khó khăn hơn. Tháng 3.2014, khi sáp nhập Bán đảo Crimea, nước Nga bị phương Tây cấm vận trả đũa làm suy sụp nền kinh tế.

Nhưng đổi lại, Putin đã đẩy lùi được viễn ảnh Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Giáo sư Nikolai Petrov, Trường Cao đẳng Kinh tế Moscow, mục tiêu của Tổng thống Putin là hết sức rõ ràng: ngăn chặn NATO mở rộng đường biên giới tiến sát tới Nga. Với mục tiêu này, đến thời điểm hiện nay, Moscow đã làm được. Quan trọng hơn, với những người theo chủ nghĩa dân tộc tại Nga, nhà lãnh đạo này đã thổi bùng lên niềm tự hào dân tộc. Theo một kết quả thăm dò ý kiến của viện Levada, 72% dân Nga ủng hộ hành động của Putin và 57% mong muốn ông tranh cử nhiệm kỳ 4 vào năm 2018.

Các nhà phân tích nhận định chủ nhân Điện Kremlin đã tính toán các rủi ro của nước Nga trong lần đối đầu với phương Tây này. Về quân sự, Mỹ không quyết định cung cấp vũ khí sát thương vì sợ chiến tranh leo thang. Về kinh tế - tài chính, tuy Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ban hành một loạt biện pháp trừng phạt đánh vào những điểm yếu của kinh tế Nga và đã góp phần vào việc làm cho đồng ruble mất giá nhưng phương Tây không trục xuất Nga ra khỏi hệ thống giao dịch ngân hàng SWIFT.

Bà Amanda Paul, một chuyên gia về Nga thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu, trụ sở tại Brussels, nhận định: “Hố ngăn cách giữa chính sách ngoại giao bền bỉ của châu Âu và cách tiếp cận của Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine - đã khiến Moscow và Brussels chơi hai ván bài hoàn toàn khác nhau”. Trong vàn bài này, ông Putin giỏi chiến thuật hơn châu Âu vì ông ấy biết những giới hạn của châu Âu. 

Theo nhà phân tích Nga Konstantine Kalatchev, Tổng thống Nga đã áp dụng một phương châm nổi tiếng của Đại đế Napoleon: làm đi rồi sẽ tính. Nhưng điều chắc chắn là Putin không lùi bước, không đầu hàng. Nhân vật được cho là có tham vọng trở thành Nga hoàng thế kỷ XXI sẽ tiếp tục thách thức ảnh hưởng của Mỹ, vì lợi ích của nước Nga và theo những giá trị riêng mà không cần có sự đồng thuận của phương Tây.