Chờ đợi gì ở Mar-a-Lago?

Theo daibieunhandan.vn

Cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago sẽ diễn ra trong bầu không khí căng thẳng hay hòa dịu, khi Mỹ tuyên bố sẽ thẳng thắn đề cập đến những bất đồng, còn nhà lãnh đạo Bắc Kinh mang theo nhiều dự án đầu tư vào Mỹ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai được ông Trump đón tiếp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, dự kiến diễn ra vào ngày 6 - 7/4 tới. Trước đó, tháng 2/2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng từng được mời tới Mar-a-Lago và tham dự buổi chơi golf với Tổng thống Mỹ. Địa điểm gặp gỡ có tính thân mật này gợi nhớ về cuộc họp không chính thức giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại khu nghỉ mát Sunnylands, California hồi năm 2013, nơi hai nhà lãnh đạo có những cuộc thảo luận thẳng thắn và thực chất.

Nhà Trắng bối rối

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung dưới thời tân Tổng thống Mỹ có một khởi đầu khá sóng gió. Chỉ vài tuần trước, ít ai có thể kỳ vọng vào khả năng diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh như vậy, nhất là sau khi ông Trump khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng và tức giận với tuyên bố về việc Mỹ “không cần thiết phải tiếp tục chính sách đã kéo dài 4 thập kỷ công nhận nguyên tắc một Trung Quốc”, chính sách mà trên lý thuyết là khẳng định quyền kiểm soát của cường quốc này đối với hòn đảo tự trị Đài Loan (Trung Quốc).

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, nhà tỷ phú này từng đưa ra phát ngôn gây tranh cãi khi gọi Trung Quốc là “quốc gia lũng đoạn tiền tệ nhất hành tinh”.

Trong cả quá trình tranh cử và sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump từng có ý định thay thế rất nhiều chính sách của Mỹ liên quan đến Trung Quốc, nhưng cho đến nay, những chính sách này vẫn chưa thay đổi nhiều. Các tuyên bố của giới chức Mỹ cũng thay đổi “như chong chóng” từ cứng rắn sang hòa giải.

Có vẻ như ông Trump đã sớm nhận ra, những gì ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử không dễ dàng áp dụng trên thực tế. Bản thân Tổng thống vẫn đang tiến thoái lưỡng nan giữa những nhân vật theo chủ nghĩa bảo hộ tại Nhà Trắng và những thương nhân ủng hộ thương mại tự do.

Về phần mình, Trung Quốc dường như biết rõ họ muốn gì. Mục tiêu lớn nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm lần này là bằng mọi cách né tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ; tìm cơ hội để “dàn xếp” với Mỹ về việc chia sẻ tầm ảnh hưởng và lợi ích trong các vấn đề như thương mại, tranh chấp Biển Đông và Triều Tiên.

Chiến lược của Bắc Kinh

Có vẻ như Bắc Kinh đã sớm nhận ra, con đường đến đường Nhà Trắng phải đi vòng qua gia đình của Tổng thống. Mới đây, vợ chồng con rể và con gái của Donald Trump là Jared Kushner và Ivanka Trump đã trở thành hai khách mời danh dự tới thăm Trung Quốc nhân dịp Tết cổ truyền của nước này.

Giữa tháng trước, một công ty đầu tư đặt trụ sở ở Bắc Kinh có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị góp vốn vào công ty bất động sản thuộc sở hữu của gia đình ông Jared Kushner với những ưu đãi bất thường. Luật sư Matthew Sanderson ở Washington đã cảnh báo mặc dù hợp đồng không có gì bất hợp pháp nhưng đó có thể là cách để các thực thể nước ngoài lợi dụng gây ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ.

Cùng thời điểm đó, tờ Independent của Anh đưa tin hơn 50 tấn quần áo mang nhãn hiệu Ivanka Trump đã được nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc. Ít nhất 82 lô hàng được thông quan từ ngày 8/11/2016 (ngày bầu cử Mỹ) đến ngày 26/2. 

Những thông tin trên phần nào giải thích việc Jared Kushner, mặc dù không có một chút nền tảng hiểu biết nào về Trung Quốc nhưng đã nhanh chóng trở về Mỹ để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Người sẽ tháp tùng ông là Đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải.

Điều đó mang lại cho Trung Quốc lợi thế khá quan trọng bởi ông Thôi Thiên Khải là nhà ngoại giao kỳ cựu hiểu biết rất rõ về nước Mỹ, từng học cao học tại Washington và làm việc như một phiên dịch viên tại Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, “bằng cấp” chính của ông Kushner có lẽ là giấy đăng ký kết hôn với ái nữ của Tổng thống.

Mar-a-Lago sẽ nóng hay lạnh?

Cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ là thử nghiệm đầu tiên cho thấy Washington sẽ chọn cách tiếp cận như thế nào đối với Bắc Kinh. Người ta sẽ chờ xem, liệu Tổng thống Mỹ có thực hiện lời đe dọa trong chiến dịch tranh cử: Áp đặt mức thuế 45% đối với nhập khẩu của Trung Quốc hay không.

Nếu đó thực sự là lựa chọn của Donald Trump, động thái này có thể gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu và là cái tát đối với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ông Trump sẽ không cất công mời người đồng cấp Trung Quốc tới tận dinh thự riêng để tìm kiếm một kết cục căng thẳng như vậy.

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đề xuất một vài khoản đầu tư để xoa dịu tuyên bố căng thẳng của người đồng cấp liên quan đến việc làm trên Twitter. Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền kỷ lục vào Mỹ lên đến 45 tỷ USD - chủ yếu cho lĩnh vực bất động sản, tài chính và giải trí.

Vì thế, rót thêm vài tỷ dollar vào các dự án cơ sở hạ tầng của Mỹ sẽ là cái giá quá hời nếu nó giúp né tránh một cuộc chiến tranh thương mại. Ông Tập cũng có thể đưa ra thêm một vài đơn hàng cho Boeing - một chiến thuật đã từng được thử nghiệm và tỏ ra phát huy tác dụng.

Tất nhiên, rất khó có thể Chủ tịch Trung Quốc có thể thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” của ông trong một cuộc họp. Nhưng Bắc Kinh đã sẵn sàng để thử. Tạo dựng mối quan hệ thân thiết với người nhà Tổng thống Trump là bước đi đầu tiên.

Dựa vào một số dự án cơ sở hạ tầng sẽ là kế hoạch thông minh thứ hai. Trong bối cảnh đó, những chủ đề dễ gây căng thẳng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên hay các tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ còn ít thời gian để thảo luận.