Tỷ lệ "đô la hóa" ở Việt Nam

Ở Việt Nam, đồng ngoại tệ chưa được công nhận chính thức trong giao dịch, nên vấn đề "đô la hóa" vẫn đang được Nhà nước kiểm soát. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải hội nhập với tốc độ nhanh hơn, mức độ lớn hơn. Mặt trái mà chúng ta đang phải đối mặt là xử lý các nguồn vốn ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào nước ta với khối lượng lớn và ồ ạt. Đây cũng chính là nguy cơ tiềm ẩn mức độ "đô la hóa" ngày càng gia tăng.

Hiện tượng nền kinh tế Việt Nam sử dụng rộng rãi đồng ngoại tệ trong giao dịch, buôn bán bắt đầu được quan tâm từ năm 1988 khi các ngân hàng được phép nhận tiền gửi bằng ngoại tệ. Đến năm 1992, tình trạng "đô la hóa" đã tăng mạnh với hơn 41% lượng tiền gửi vào các ngân hàng là bằng ngoại tệ. Từ năm 2000 đến nay tỷ lệ này dao động từ 20% đến 32% (Theo IMF nếu tỷ lệ này vượt quá 50% thì mức độ đô la hóa nền kinh tế được coi là ở mức cao, trung bình là từ 15% - 30% còn nếu tỷ lệ này ở mức dưới 15% thì coi là "đô la hóa" thấp). "Đô la hóa" có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, việc đánh giá đúng mức độ "đô la hóa", tác động của "đô la hóa" đối với nền kinh tế là cần thiết góp phần kiểm soát tình trạng đô la hóa, ổn định phát triển nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tỷ lệ "đô la hóa" ở hình 1 chỉ căn cứ vào số liệu về tỷ lệ "đô la hóa" được đánh giá thông qua việc thống kê tỷ lệ tiền gửi bằng đồng đô la trên tổng lượng tiền gửi thông qua hệ thống ngân hàng. Chỉ tiêu này chưa thực sự phản ánh đầy đủ và chính xác về tình trạng "đô la hóa".

Việc xác định tỷ lệ "đô la hóa" theo công thức FCD/M2 chỉ chính xác đối với những nước phần lớn giao dịch thanh toán thực hiện qua ngân hàng còn ở Việt Nam, nơi có tỷ lệ sử dụng tiền mặt lớn, tỷ lệ FCD/M2 sẽ khó phản đầy đủ về thực trạng "đô la hoá". Hơn nữa, "đô la hóa" được đánh giá là tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ trong tổng khối lượng tiền mở rộng, bao gồm: tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ.

Chống Đôla hóa: Bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam? - Ảnh 1

Ở Việt Nam, việc xác định lượng ngoại tệ càng khó hơn khi tình trạng buôn lậu và tham nhũng vẫn chưa được kiểm soát, nên chỉ có thể căn cứ vào nguồn ngoại tệ từ nước ngoài chuyển vào trong nước theo các hình thức như: kiều hối, buôn bán tiểu ngạch, thu nhập từ buôn lậu, quà biếu, quà tặng bằng ngoại tệ, các giao dịch có giá trị lớn như mua bán bất động sản, xe hơi… Không chỉ vậy, tâm lý cất trữ ngoại tệ, sử dụng ngoại tệ trong thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ trong dân hiện vẫn còn rất lớn và phổ biến. Do đó, để đánh giá chính xác tình hình "đô la hóa" cần phải dựa trên nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là lượng ngoại tệ thực sự được sử dụng trong giao dịch, thanh toán.

Nguyên nhân của tình trạng "đô la hóa" ở Việt Nam

Nguyên nhân khách quan

Hiện tượng "đô la hóa" bắt nguồn từ cơ chế tiền tệ thế giới hiện đại, trong đó tiền tệ của một số quốc gia phát triển đặc biệt là đồng USD được sử dụng trong lưu thông quốc tế giữ vai trò của “tiền tệ thế giới”. Nói cách khác, đồng USD là một đồng tiền mạnh, ổn định, được tự do chuyển đổi và lưu hành khắp thế giới. Nó đã và đang dần thay thế vàng thực hiện vai trò tiền tệ thế giới từ đầu thế kỷXX. Ngoài đồng USD còn một số đồng tiền của các quốc gia khác cũng được sử dụng rộng rãi trong giao dịch nhưng giá trị của các đồng tiền này trong lưu thông quốc tế không lớn, chỉ có đồng USD là chiếm tỷtrọng cao nhất (khoảng 70% kim ngạch giao thương mại thế giới) cho nên người ta thường gọi hiện tượng ngoại tệ hóa là “đô la hóa”.

Trong thời gian vừa qua, nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng lạm phát, sức mua của đồng nội tệ giảm sút người dân phải tìm các công cụ dự trữ giá trị khác, trong đó có đồng USD. Tất cả các nền kinh tế bị "đô la hóa" đều có nguồn gốc từ niềm tin của người dân. Họ mất lòng tin vào chính sách tiền tệ do tỷ lệ lạm phát không ổn định trong một thời gian dài và đồng nội tệ bị mất giá, tỷ giá hối đoái tăng. Do vậy, họ chuyển các tài sản danh nghĩa sang một đồng tiền ổn định hơn hoặc các tài sản thực.

Tính chuyển đổi của đồng nội tệ: Có nghĩa là VND chưa được tự do chuyển đổi, đặc biệt là cán cân vãng lai, kém hấp dẫn so với ngoại tệ. Bởi do không được đảm bảo sức mua đầy đủ với tỷ giá thực tế khi có nhu cầu, chưa kể khuynh hướng cất trữ ngoại tệ của người dân để sử dụng khi cần. Kết quả là đồng ngoại tệ lấn át đồng nội tệ trong chức năng cất trữ và hiện tượng "đô la hóa" sẽ tồn tại như một hiện tượng kinh tế khách quan. Đồng nội tệ không thể cạnh tranh với đồng ngoại tệ trong việc thực hiện một, hai hay ba chức năng của tiền tệ.

Yếu tố tâm lý: Sau một thời gian lạm phát cao và những bất ổn của nền kinh tế làm cho đồng nội tệ bị mất giá. Khi nền kinh tế đã ổn định thì người dân luôn có tâm lý đề phòng những biến động này nên vẫn duy trì tài sản của họ bằng đồng ngoại tệ.

Nguyên nhân chủ quan

- Chính sách quản lý ngoại hối lỏng lẻo: chính sách quản lý ngoại hối không chặt chẽ trên tất cả các chức năng tiền tệ, đặc biệt là chức năng phương tiện thanh toán, trao đổi và chức năng tín dụng qua ngân hàng thương mại đã tạo môi trường cho các hoạt động đầu cơ khi xuất hiện những biến động về ngoại tệ. Chính sách ngoại hối không được kiểm soát để thực thi đúng quy định, hiện tượng lạm dụng giấy phép thu đổi ngoại tệ để kinh doanh trên thị trường sẽ xảy ra tạo điều kiện cho thị trường ngoại hối phi chính thức phát triển.

- Sự yếu kém trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia như chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất thiếu đồng bộ: Ở Việt Nam lãi suất vay vốn USD bình quân thường thấp hơn lãi suất vay vốn nội tệ nên nhiều doanh nghiệp chuyển sang vay ngoại tệ làm cho tỷtrọng và số tuyệt đối dư nợ vốn vay ngoại tệ tăng lên. Ngoài ra, chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm khuyến khích xuất khẩu làm cho dân chúng cũng có tâm lý chuyển sang giữ ngoại tệ.

- Cung – cầu ngoại tệ: Khi cung - cầu ngoại tệ trên thị trường mất cân bằng làm cho tỷ giá không phản ánh chính xác cung - cầu ngoại tệ gây ảnh hưởng đến đồng ngoại tệ và giá trị đồng nội tệ. Từ đó, gây khó khăn cho việc ổn định thị trường tiền tệ và chính sách tỷ giá.

- Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt kém phát triển: Việc sử dụng tiền mặt còn rất phổ biến, rất dễ dàng cho hoạt động mua bán sử dụng ngoại tệ công khai. Việc niêm yết, quảng cáo sản phẩm, thu tiền bán hàng bằng ngoại tệ được sử dụng phổ biến sẽ tạo tâm lý và thói quen sử dụng ngoại tệ. Điều này tạo điều kiện cho ngoại tệ được sử dụng mạnh. Ngoài ra, hoạt động buôn lậu, mua bán bất hợp pháp cũng là nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện cho thị trường ngoại hối phi chính thức phát triển làm trầm trọng thêm hiện tượng "đô la hóa".

- Nguyên nhân về sự phát triển thiếu vững chắc của nền kinh tế: khi nền kinh tế phát triển thiếu vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Các cơ chế chính sách ban hành thiếu đồng bộ và thống nhất, nguồn lực quốc gia phân bổ chưa hợp lý chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tác động của "đô la hóa" lên nền kinh tế

Tác động tích cực

Do đồng ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD - đồng tiền chính trong giao thương quốc tế nên ở Việt Nam nó cũng phát huy tối đa vai trò này. Ngoại tệ hóa giúp Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư của các nước vào Việt Nam; Giúp Việt Nam thu hút nguồn kiều hối và các hoạt động trong nước phát triển như du lịch, du học, người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư… và thúc đẩy các quan hệ giao thương, trao đổi giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển. Đặc biệt, nó còn là một công cụ chống lạm phát. Mặt khác, do tâm lý người dân chấp nhận ngoại tệ như một phương tiện thanh toán, tính toán giá trị cũng như cất trữ của cải dưới dạng một tài sản có tính thanh khoản cao. Với tính năng này, đồng ngoại tệ càng trở nên quan trọng hơn trong danh mục tiết kiệm của các hộ gia đình, chưa kể tới điểm ưu việt là sẽ bảo toàn tài sản của người dân khi lạm phát gia tăng.

Tác động tiêu cực

Khi hiện tượng "đô la hóa" tăng, đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến sẽ làm cho người dân mất niềm tin vào VND, thị trường "chợ đen" về ngoại tệ tác động không hiệu quả đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN). DN phải phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ ở thị trường chợ đen.

"Đô la hóa" là nguyên nhân gây ra tình trạng hai tỷ giá ở Việt Nam: Tỷ giá trên thị trường chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do. Tỷ giá trên thị trường tự do thường cao hơn tỷ giá trên thị trường chính thức, không chỉ gây khó khăn cho việc kiểm soát ngoại tệ của nhà nước mà còn gây thiệt hại cho DN và một bộ phận dân cư. Khi các DN không sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro trên thị trường, "đô la hóa" làm cho DN phải đối mặt với rủi ro tỷ giá và những thiệt hại lớn khi có những biến động bất thường. Ngay cả nhà đầu tư, người dân khi có biến động sẽ rút vốn hoặc chuyển hướng đầu tư. Đây là chính những mầm họa dẫn tới nguy cơ khủng hoảng tiền tệ.

Đặc biệt, khi đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến, nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ nước ngoài vì NHNN không có chức năng phát hành đồng ngoại tệ. Về dài hạn "đô la hóa" tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế bền vững, gây khó khăn trong việc điều hành chính tiền tệ, chính sách tỷ giá và sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Kinh nghiệm kiểm soát "đô la hoá" ở một số nước trên thế giới

Singapore: Các đồng tiền có khả năng chuyển đổi vẫn được chấp nhận thanh toán nhưng bao giờ cũng có hai bút toán (mua ngoại tệ và bút toán bán nội tệ). Ngoài ra, để thực hiện tự do hóa tài khoản vốn, cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nước này triệt để cải cách hệ thống ngân hàng, có hệ thống tài chính đủ mạnh và có hệ thống giám sát tài chính hiệu quả. Đồng thời, việc tự do hóa tài khoản vốn luôn phù hợp với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Hệ thống thông tin được xây dựng và cơ sở dữ liệu chính xác về các giao dịch vốn, tập hợp số liệu và đánh giá, phân tích hoạt động giao dịch vốn.

Thái Lan: Quy định cấm giao dịch, thanh toán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ diễn ra rất nghiêm túc. Khách hàng chỉ được giao dịch bằng đồng USD duy nhất tại cửa hàng miễn thuế nhưng phải niêm yết bằng nội tệ. Tại nước này, khi khách hàng đề nghị trả 20 USD cho một món hàng trị giá 15 USD (đỡ mất thời gian đổi USD ra đồng Baht) thì người bán cũng không chấp nhận. Nếu bị phát hiện vi phạm pháp luật ngoại hối, chủ cửa hàng sẽ bị xử phạt rất nặng và có thể bị rút giấy phép kinh doanh. Những năm gần đây, Thái Lan đã dần ổn định tỷ giá mặc dù giao dịch hàng ngày của nước này bằng ngoại tệ trong thương mại, đầu tư, du lịch với khối lượng lớn nhưng tất cả đều được thực hiện qua mạng lưới rộng khắp thuận tiện, với tỷ giá thống nhất cộng với một khoản phí dịch vụ. Giao dịch về ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp đã đáp ứng được tính lợi ích và tiện ích.

Malaysia: cùng với việc thả nổi đồng Ringit năm 1973, Malaysia thực hiện tự do hóa chế độ quản lý đối với các giao dịch cán cân vốn và cán cân vãng lai. Các biện pháp quản lý ngoại hối áp dụng sau năm 1973 chủ yếu theo hướng thận trọng và dựa trên 5 nguyên tắc:

(i) toàn bộ nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu phải được bán cho các ngân hàng trong nước trong vòng 6 tháng.

(ii) mọi công dân vay nước ngoài vượt quá mức quy định của pháp luật phải xin phép cơ quan quản lý nợ nước ngoài, ưu tiên cho các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ hoặc tiết kiệm ngoại hối.

(iii) công ty nước ngoài tại Malaysia khi vay nước ngoài trên mức quy định cũng phải có giấy phép.

(iv) đối với các khoản thanh toán nước ngoài, cả công dân Malaysia và người nước ngoài được chuyển tiền của họ ra nước ngoài. Riêng đối với các dự án đầu tư lớn phải xin phép để khuyến khích các nguồn lực tài chính đầu tư trong nước.

(v) một số biện pháp quản lý ngoại hối bao gồm những chính sách được sử dụng tạm thời một cách thận trọng cùng với các biện pháp vĩ mô khác nhằm chấm dứt ảnh hưởng tiêu cực của luồng vốn ngắn hạn đối với nền kinh tế. Khi đạt được mục đích, các chính sách này sẽ phải xóa bỏ.

Philippines: Việc kiểm soát ngoại hối được thực hiện thông qua các biện pháp sau:

Một là, kiểm soát các giao dịch ngoại hối, đặc biệt là những giao dịch tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ.

Hai là, hạn chế bán và khuyến khích mua đồng Peso thông qua các biện pháp như: yêu cầu phải bán hết các hợp đồng kỳ hạn không có khả năng chuyển nhượng, thắt chặt trạng thái ngoại hối do mua quá mức của các ngân hàng, tăng trạng thái ngoại hối do bán quá mức của các ngân hàng, hạn mức bán USD qua thị trường giao dịch qua quầy (OTC), cấm các ngân hàng thương mại cấp tín dụng bằng đồng Peso cho người không cư trú.

Ba là, để mở rộng phạm vi kiểm soát các giao dịch ngoại hối, ngân hàng trung ương yêu cầu các ngân hàng thương mại phải nộp tất cả báo cáo về tài chính của công ty con và chi nhánh phụ, các ngân hàng có các công ty ngoại hối cho ngân hàng trung ương chi tiết các giao dịch mua bán ngoại hối

Bốn là, quy định chống rửa tiền được ban hành, các ngân hàng được yêu cầu báo cáo những giao dịch lớn có nghi ngờ hoặc có giao dịch bất thường.

Năm là, quản lý kinh vực kinh tế đối ngoại ở Philipines chính là việc kiểm soát chặt chẽ các giao dịch ngoại hối, nghĩa vụ báo cáo của các tổ chức và cá nhân có giao dịch ngoại hối được gắn kết chặt chẽ với việc đăng ký tại ngân hàng trung ương.

Trung Quốc: Nội dung cụ thể trong hoạt động quản lý ngoại hối của Trung Quốc gồm:

- Chính sách kiểm soát việc sử dụng ngoại tệ trong nước: nhằm mục đích chuyển đổi đồng Nhân dân tệ (NDT) thành đồng tiền ngoại tệ tự do chuyển đổi, Trung Quốc hạn chế tối đa các giao dịch trong nước sử dụng ngoại tệ. Bắt đầu từ năm 1995, trên lãnh thổ Trung Quốc chỉ lưu hành duy nhất là đồng NDT; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân là người Trung Quốc và người nước ngoài ở Trung Quốc thanh toán, mua bán, chuyển nhượng cho nhau bằng ngoại tệ; cấm sử dụng ngoại tệ để niêm yết giữa người cu trú với nhau, việc mua hàng bằng ngoại tệ chỉ được phép thực hiện tại các cửa hàng miễn thuế.

Chống Đôla hóa: Bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam? - Ảnh 2

Các DN khi có nguồn thu bằng ngoại tệ từ các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, giao dịch được phép nếu có nhu cầu đều có thể mở tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng được phép. Các cá nhân khi có ngoại tệ đều có thể gửi vào ngân hàng. Bên cạnh đó, lãi suất bằng nội tệ cao hơn lãi suất ngoại tệ và tỷ giá đồng NDT so với ngoại tệ được duy trì ổn định.

- Chính sách quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vãng lai:

Theo dõi nguồn thu từ xuất khẩu; giám sát việc thanh toán nhập khẩu; kết hối ngoại tệ từ các nguồn thu vãng lai, kết hối từ các nguồn giao dịch vốn. Ngoài ra còn có chính sách thu hút kiều hối và quy định mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài.

- Quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn: là các hoạt động giám sát các luồng vốn vào, ra dưới hình thức đầu tư hoặc vay trả nợ. Việc quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vốn được thực hiện thông qua ba hình thức: chấp thuận, đăng ký và kiểm tra.

- Chính sách tỷ giá hối đoái: Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng được hệ thống máy tính tự động tập hợp và thông báo vào cuối ngày giao dịch. Quy định biên độ giao dịch đối với tất cả các giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và biên độ tỷ giá giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng. Về các công cụ giao dịch trên thị trường ngoại tệ: các giao dịch ngoại tệ chỉ được phép thực hiện dưới hình thức giao ngay. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang từng bước triển khai việc thực hiện các giao dịch kỳ hạn.

- Công tác quản lý dự trữ ngoại hối: dưới sự quản lý của ngân hàng nhân dân Trung Quốc, là tài sản có được thể hiện trên bảng cân đối của ngân hàng nhân dân và Bộ Tài chính không có quyền sử dụng lượng dự trữ ngoại hối này.

Mặc dù có lượng dự trữ ngoại hối lớn nhưng Trung Quốc không có chính sách đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam. Điều này góp phần làm giảm sức ép đối với dự trữ ngoại hối.

Bài học cho Việt Nam

Những kinh nghiệm thực tiễn về quản lý đồng ngoại tệ của một số quốc gia trên thế giới, đều có thể tham khảo và áp dụng cho Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi áp dụng một phương pháp mới, chúng ta không nên chắc chắn rằng có thể tránh được các trở ngại, đặc biệt trong bối cảnh đồng USD - tiền tệ thế giới đã thấm sâu trong dân suốt một thời gian dài. Do đó, cần có sự vận dụng và phối hợp linh hoạt giữa các chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, cần đổi mới và hoàn thiện chính sách của nhà nước, xác định khuôn khổ pháp lý, thể chế và các tác động của những công cụ điều chỉnh chính sách được áp dụng. Về lâu dài, cần cải cách kinh tế theo chiều rộng lẫn chiều sâu phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế để từ đó có thể áp dụng chính xác, dễ dàng và đơn giản các công cụ kinh tế trong thực tiễn.

Như vậy, tựu chung lại các chính sách phải được áp dụng trong một môi trường có các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý, đúng đắn. Đối tượng và mục đích quản lý phải rõ ràng, đặc biệt luôn chú trọng đến các biện pháp quản lý và kiểm soát sự biến động của luồng vốn ngắn hạn mà không ảnh hưởng đến luồng vốn dài hạn.

Tự do hóa thương mại và đầu tư quốc tế đòi hỏi sự thận trọng trong việc đưa ra các chính sách quản lý ngoại hối tùy theo những thay đổi của môi trường kinh tế. Các biện pháp quản lý ngoại hối phải được sử dụng một cách có lựa chọn và phải thận trọng hỗ trợ các chính sách kinh tế vĩ mô truyền thống góp phần ổn định nền kinh tế. Đặc biệt, để hoàn thiện hệ thống quản lý ngoại hối, chúng ta cần chú trọng đến việc giám sát chặt chẽ các giao dịch ngoại hối. Chú trọng công tác thống kê, điều tra các giao dịch ngoại hối trong và ngoài ngành Ngân hàng. Để phục vụ công tác kiểm soát ngoại hối, cần yêu cầu đăng ký giao dịch ngoại hối ngay từ ban đầu nhưng phải đảm bảo tính hiệu quả.

Về quan điểm quản lý: trong lĩnh vực quản lý ngoại hối chưa tự do hóa khi nhà nước chưa có khả năng quản lý; khi hoạch định chính sách không nên quá phụ thuộc vào ý kiến, yêu cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) mà cần căn cứ vào thực tế của đất nước.

Việc quản lý và sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước phải rất hạn chế chủ yếu chỉ để can thiệp thị trường phục vụ mục tiêu chính sách tỷ giá, dự phòng khi các biến cố lớn xảy ra.

Việc quản lý của Tổng cục Quản lý ngoại hối thực hiện thông qua việc giám sát, thanh tra trực tiếp bằng cách thực hiện chức năng xây dựng cán cân thanh toán.

Chính sách kết hối ngoại tệ: duy trì tỷ lệ kết hối ngoại tệ ở mức cao.

Chính sách quản lý vay trả nợ nước ngoài của DN: theo quan điểm của Trung Quốc là chưa thể nới lỏng các giao dịch vốn, Trung Quốc chỉ tự do hóa khoảng 20% các giao dịch vốn. Các chính sách quản lý vay trả nợ nước ngoài của DN luôn được quản lý chặt chẽ qua các khâu thẩm định, phê chuẩn và đăng ký các khoản vay trung, dài hạn, các khoản vay ngắn hạn cũng được quản lý nghiêm ngặt. Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống quản lý thông tin đối với vai trò giám sát của ngân hàng trung ương và Tổng cục Quản lý ngoại hối.

Tài liệu tham khảo:

1. Armas, A. 2003. “Exchange Rate Regime and Monetary Policy in an Economy with Partial Dollarisation: The Case of Peru.” In: P. Van der Haegen and J. Viñals, editors. Regional Integration in Europe and Latin America, Monetary and Financial Aspects. Madrid, Spain, and Frankfurt, Germany: Banco de España and European Central Bank;

2. Finance and development magazin of IMF - The dollarization Debate by Andrew Berg và Eduardo Borensztein;

3. Phạm Minh Chính và Vương Quân Hoàng - Kinh tế Việt Nam – thăng trầm và đột phá;

4. GS.TS Nguyễn Thị Cành - Các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020 ;

5. Nghiên cứu của JICA và của Ngân hàng Nhà nước;

6. Tạp chí Ngân hàng số tháng 5/2011.

Chống Đôla hóa: Bài học kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

ThS. TRẦN VĂN HÙNG, ThS. LÊ THỊ MAI HƯƠNG - Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan

(Tài chính) Trước những diễn biến của nền kinh tế thế giới và nước ta gần đây cho thấy, nguy cơ tiềm ẩn mức độ đô la hóa ngày càng gia tăng. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tác động của hiện tượng này đối với nền kinh tế, bài viết đề xuất những kinh nghiệm quản lý tình trạng “đô la hóa” ở một số nước trên thế giới, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Xem thêm

Video nổi bật