Chưa thể lạc quan với kinh tế châu Âu

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Đã xuất hiện nhiều tín hiệu khả quan về sự phục hồi của kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, đó rất có thể lại là cản trở khiến châu Âu không triển khai những cải cách cần thiết nhằm tránh những cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Kinh tế châu Âu đã phục hồi bất chấp rất nhiều vấn đề tạo ra khủng hoảng còn chưa được giải quyết. Nguồn: internet
Kinh tế châu Âu đã phục hồi bất chấp rất nhiều vấn đề tạo ra khủng hoảng còn chưa được giải quyết. Nguồn: internet

Sau cuộc suy thoái kép và thời gian dài trì trệ, cuối cùng đã thấy những tín hiệu phục hồi của kinh tế châu Âu. Doanh số bán lẻ đang tăng lên. Niềm tin của người tiêu dùng đã trở lại. Các quỹ đầu tư ghi nhận mức tiền đổ vào kỷ lục. Ủy ban châu Âu (EC) dự báo mức tăng trưởng 1,3% trong năm nay, một mức không thấp theo tiêu chuẩn châu Âu.

Chưa thể lạc quan với kinh tế châu Âu - Ảnh 1

Không khó tìm ra lý do tăng trưởng bắt đầu phục hồi. Rõ ràng nhất là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu bắt đầu triển khai chương trình mua tài sản – hay nới lỏng định lượng – từ đầu tháng 3. Chưa cần bắt đầu, chỉ thông tin về chương trình cũng đã khiến tỷ giá đồng euro hạ, giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa châu Âu.

Nhưng thời gian đồng euro hạ giá là quá ngắn, chưa đủ để có tác động lớn đến tình hình. Vì vậy còn nhiều yếu tố khác cần nhắc đến. Trước tiên là vì kỷ luật tài chính đối với chi tiêu Chính phủ đã được nới lỏng. Tỷ lệ nợ – GDP do Quỹ Tiền tệ quốc tế áp đặt được giữ ổn định trong 2 năm qua, khiến các nền kinh tế dễ thở hơn. Cũng phải kể đến việc EC thiên vị để cho phép Pháp có thêm thời gian thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 3%. Yếu tố thứ 2 đằng sau đà phục hồi là bởi một số quốc gia châu Âu như Tây Ban Nha đã triển khai cải cách cơ cấu. Hệ thống quy định lao động được nới lỏng khiến chi phí lao động giảm. Điều này cũng đóng góp vào khả năng cạnh tranh của kinh tế châu Âu. Yếu tố thứ 3 là hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính hiện nay được bảo vệ tốt hơn trước khả năng sụp đổ của Hy Lạp. Các ngân hàng Pháp và Đức đã chuyển nhượng phần lớn trái phiếu Chính phủ Hy Lạp cho ECB. ECB cũng đã hứa sẽ hỗ trợ thị trường trái phiếu của những nước khác nếu Hy Lạp thực sự có chuyện. Và yếu tố cuối cùng, có lẽ bởi kinh tế châu Âu đã thực sự chạm đáy của đồ thị hình sin.

Nhưng đây chưa phải là thời điểm để lạc quan. Trước hết, mức tăng trưởng vẫn còn khá thấp. Mức tăng trưởng hiện nay còn thấp hơn so với mức đầu năm 2008, trước khủng hoảng, trong khi Mỹ đã trở lại con số của giai đoạn trước khủng hoảng. Thêm vào đó, các động lực đang dần mất đi. Thứ nhất là giá dầu giảm mạnh. Xu hướng này được dự báo sẽ chỉ kéo dài đến hết năm nay, rồi sẽ bắt đầu đảo chiều tăng mạnh và trở thành cản trở cho sự phục hồi. Tiếp theo, đà rớt giá của đồng euro đang chững lại. Trong dài hạn, yếu tố thực sự thúc đẩy tăng trưởng chính là sự tăng trưởng của thị trường, từ thị trường nội khối đến ngoại khối. Khi Trung Quốc chuyển sang tăng trưởng bền vững và bắt đầu có những quan ngại về kinh tế Mỹ, triển vọng tăng trưởng khó có thể nói là lạc quan. Lý tưởng nhất là cầu nội khối tăng đẩy mạnh tiêu dùng.

Kinh tế phục hồi giúp chữa lành những vết thương sau khủng hoảng. Nhưng không may là tăng trưởng cũng khiến các chính phủ bớt quyết tâm thực hiện những biện pháp cần thiết, như tại Hy Lạp. Với các nước châu Âu khác, vì cho rằng đã có vị thế an toàn hơn, sẽ ít muốn thỏa hiệp với Athens. Và đó là lý do những tin tức về Hy Lạp gần đây ngày càng bi quan hơn. Tương tự như vậy, càng có nhiều dấu hiệu phục hồi và hoạt động ngân hàng ổn định hơn, các nhà hoạch định chính sách sẽ bớt quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề cơ cấu, ví dụ phần bảo lãnh ngầm mà các ngân hàng nhà nước và ngân hàng tiết kiệm Đức đang được hưởng. Hay vấn đề của các ngân hàng do một gia tộc nắm giữ như Banco Espirito Santo ở Bồ Đào Nha. Và tăng trưởng 2% không đủ bảo đảm tính bền vững cho cơ cấu nợ trên GDP lên tới 3 chữ số của châu Âu. Tiến trình cơ cấu nợ vẫn còn nhiều chông gai, nhưng kinh tế phục hồi khiến các chính phủ mơ màng trên chiến thắng. Cuối cùng, có những cải cách đầy tham vọng, như thiết lập liên minh tài chính và liên minh chính trị bên cạnh liên minh tiền tệ châu Âu cần được triển khai để tránh những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai. Bài học được rút ra từ cuộc khủng hoảng vừa qua chính là liên minh tiền tệ mà thiếu sự liên kết chặt chẽ về tài chính và chính trị sẽ dễ dàng thất bại. Tuy nhiên, với xu thế chống hội nhập tài chính và chính trị mạnh mẽ như hiện nay, cải cách có nghĩa là tiến trình đàm phán gây chia rẽ và đầy cam go.

Tóm lại, vấn đề là kinh tế châu Âu đã phục hồi bất chấp rất nhiều vấn đề tạo ra khủng hoảng còn chưa được giải quyết. Nếu châu Âu tiếp tục tăng trưởng mà không đối mặt với những vấn đề trên, thì các chính phủ càng có xu hướng tránh đưa ra những quyết định khó khăn. Và triển vọng của một cuộc khủng hoảng khác nghiêm trọng hơn sẽ ngày càng gần. Ở các nước phát triển, có một nghịch lý luôn đúng là hoàn cảnh thuận lợi cản trở cải cách cần thiết. Điều đó đúng với châu Âu trong thời điểm này.