Thị trường chứng khoán Mỹ

Trong quý I/2012, TTCK thế giới đã có những phiên tăng điểm ấn tượng nhờ lực đỡ từ những số liệu kinh tế khả quan của Mỹ. Các chỉ số chứng khoán tại Mỹ như Dow Jones đã tăng 8,14%, S&P 500 tăng 12%, Nasdaq tăng 18,67% trong quý I. Sang quý II/2012, các TTCK lại bị đe dọa bởi “cơn bão nợ công” tại châu Âu và quý IV/2012 là vấn đề “vách đá tài khóa” ở Mỹ. Tuy nhiên, cam kết “sẽ làm bất kỳ điều gì để cứu đồng Euro” của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - ông Mario Draghi, cùng với gói kích thích kinh tế của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và triển vọng vấn đề “vách đá tài khóa” được giải quyết ổn thỏa ở nước này đã giúp TTCK toàn cầu khép lại một năm tăng điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày 31/12/2012, chỉ số Dow Jones ở ngưỡng 13.104,14 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 chỉ số danh giá nhất này kết thúc năm với mức giá trên 13.000 điểm; Chỉ số S&P 500 phiên cuối năm ở ngưỡng 1.426,19 điểm; Chỉ số Nasdaq Composite ở ngưỡng 3.019,51 điểm.

Như vậy, bất chấp đợt giảm mạnh vào cuối năm do lo ngại Mỹ không thoát được “vách đá tài khóa”, chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn tăng được 7,3% trong năm 2012, chỉ số S&P 500 tăng 13,4% và chỉ số Nasdaq Composite nhảy vọt tới 15,9%.

Thị trường chứng khoán châu Âu

Trong số thị trường các nước phát triển, cổ phiếu các nước châu Âu tăng mạnh nhất. Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu tăng hơn 86% kể từ mốc thấp nhất gần 3 năm ghi nhận vào tháng 9/2011.

Tại phiên giao dịch ngày 31/12/2012, chỉ số Stoxx Europe 600 đóng cửa ở mức 279,14 điểm. Như vậy, chỉ số này có tháng tăng điểm thứ bảy liên tiếp với mức tăng trong tháng 12 là 1,4%, mức tăng theo quý là 4,2% và có mức tăng tới 14% trong năm nay – mức tăng đầu tiên kể từ khi ECB và Fed công bố các chương trình mua tài sản và là mức tăng tốt nhất kể từ năm 2009.

Trong số 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực châu Âu, chỉ số chứng khoán ASE của Hy Lạp dẫn đầu mức tăng trong năm 2012 với 33%, tiếp sau đó là DAX của Đức với 29%.

Thị trường chứng khoán châu Á

Năm 2012 đánh dấu một năm khá tốt đẹp đối với các thị trường trong khu vực khi sự tăng trưởng chiếm thế chủ đạo. Dẫn đầu là chỉ số SET Index của Thái Lan với mức nhảy vọt 36%. Tiếp theo là chỉ số LSX Composite của Lào với 35,1%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 24,5%, mạnh nhất kể từ năm 2005 khi chính phủ mới của nước này kêu gọi nới lỏng tiền tệ hơn nữa.

Những chất xúc tác đem lại đà tăng mạnh cho các TTCK châu Á trong năm 2012 là nỗi lo về đà tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc đã dịu bớt và ngân hàng trung ương các nước từ Mỹ, châu Âu, châu Á đã áp dụng hàng loạt các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TTCK Trung Quốc đã giảm điểm trong vòng 3 năm từ năm 2009 đến 2011 và giảm đến 20% từ khoảng giữa tháng 5 và tháng 11/2012, tuy nhiên, các chỉ số đều phục hồi trong tháng 12/2012 (hơn 11% trong tháng). Qua đó cho thấy, nhiều dấu hiệu cho thấy những gì tồi tệ nhất cho nền kinh tế Trung Quốc có thể đã qua đi. Chỉ số Shanghai Composite kết thúc năm 2012 đã tăng được 3,2%.

IPO toàn cầu sụt giảm mạnh

Các chỉ số chứng khoán toàn cầu đã có bước tăng ấn tượng trong năm 2012. Tuy nhiên, doanh số bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) toàn cầu trong năm 2012 chỉ đạt 112 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Bế tắc trong các cuộc đàm phán tăng thuế, giảm chi tiêu trị giá 600 tỷ USD làm dấy lên lo ngại Mỹ có nguy cơ rơi vào “vách đá tài khóa” là một trong những nguyên nhân làm giảm các vụ IPO trong năm nay. Ngoài ra, các nguyên nhân khác là lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng trưởng kinh tế của châu Á và nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái.

D báo năm 2013

Thỏa thuận ngân sách được quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 1/1/2012 đã khiến các chỉ số chứng khoán toàn cầu có những phiên giao dịch đầu năm 2013 khá thuận lợi. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích thì rất có thể các nhà đầu tư sẽ không còn may mắn như vậy trong cả năm 2013. Theo chuyên gia phân tích đến từ Morgan Stanley, mức tăng trưởng của một số chỉ số chứng khoán chủ chốt như S&P 500 trên TTCK Mỹ trong năm 2012 chủ yếu đến từ các gói kích thích của Fed. Thế nhưng, hiệu quả của các chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed dường như đang vấp phải nhiều hạn chế và với dự đoán kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2013, lợi nhuận của các công ty (đặc biệt là công ty trong ngành công nghiệp) sẽ phải trông đợi vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác.

Tuy nhiên, ông Jeremy Siegel, giáo sư tài chính của trường Đại học Wharton lại cho rằng, chỉ số Dow Jones, chỉ số chứng khoán chủ chốt của thế giới sẽ tiến đến mốc 15.000 điểm và không ngoại trừ khả năng lên tới 17.000 điểm vào cuối năm 2013 khi vấn đề thuế khóa và những lo ngại đến từ cuộc khủng hoảng châu Âu dịu bớt.

Bài đăng Tài chính & Đầu tư số 1+2-2013

Chứng khoán thế giới: Tìm lại sức bật

TS.Đinh Văn Hải

(Tài chính) Chỉ số MSCI đo lường chứng khoán toàn cầu tăng 16,9% trong năm 2012 (sau khi giảm mạnh 6,9% năm 2011). Nỗ lực kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương đã giúp xoa dịu lo ngại về khủng hoảng nợ châu Âu, tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc, vấn đề “vách đá tài khóa” ở Mỹ… và giúp thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới lên điểm trong năm qua.

Xem thêm

Video nổi bật