Cơ chế Giám sát tài chính châu Âu: Kênh giám sát hoàn toàn độc lập

Theo daibieunhandan.vn

Một năm sau khi áp dụng thể chế giám sát hệ thống ngân hàng mới của châu Âu, Cơ chế Giám sát duy nhất (SSM - Single Supervisory Mechanism) được đánh giá đã làm tốt phần việc của mình, dù vẫn còn cần được điều chỉnh và hoàn thiện để trở thành một kênh giám sát hoàn toàn độc lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ giám sát đến ổn định và trấn an

Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Fernando Restoy, đồng thời là thành viên ban giám sát của SSM thừa nhận, trong năm đầu tiên hoạt động, cơ chế này đã đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kết quả hoạt động đã khả quan hơn trên con đường hướng tới một xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định và lành mạnh hơn tại châu Âu. Sự giám sát hiệu quả của SSM đã giúp ổn định tình hình trong thời gian khủng hoảng tài chính và trấn an các thị trường.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống tài chính châu Âu, sự ra đời của SSM đã giúp khôi phục sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào hệ thống tài chính này. Bert Van Roosebeke, chuyên gia thị trường tài chính thuộc Trung tâm chính sách châu Âu, đánh giá, thành công của SSM rất quan trọng, khi mà hiện nay không nơi nào trên thế giới có một cơ chế giám sát ngân hàng sát sao hơn.

SSM là một trong ba trụ cột chính của dự án liên minh ngân hàng châu Âu, được hoạch định cùng với Cơ chế bảo hiểm tiền gửi (DGS) và Cơ chế Giải quyết thống nhất (SRM - Single Resolution Mechanism) nhằm giải thể các ngân hàng làm ăn thua lỗ, giải quyết sự vênh nhau giữa việc chính sách tiền tệ thì thống nhất nhưng giới chủ ngân hàng lại tự dựa theo chủ trương của mình để làm việc, không phối hợp với nhau. SSM là công cụ hỗ trợ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện chức trách quản lý, giám sát khoảng 6.000 ngân hàng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), để tránh tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính gây thiệt hại nặng nề cho các nước như Ireland và CH Síp.

Trong khi đó, SRM sẽ thành lập quỹ cứu trợ đặc biệt với quy mô 55 tỷ euro, chịu trách nhiệm tiến hành đóng cửa hoặc tái thiết đối với 130 ngân hàng có quy mô lớn thuộc Eurozone và khoảng 200 ngân hàng đa quốc gia khi những ngân hàng này rơi vào cảnh ngộ khó khăn, số vốn cần thiết sẽ thông qua thu thuế với các ngân hàng tham gia trong 8 năm để gom góp; DGS thì đòi hỏi tất cả 28 nước thành viên của EU thông qua việc thu thuế với ngân hàng để xây dựng quỹ bảo đảm tiền gửi, để bảo vệ tài khoản tiền gửi dưới 100.000 euro. Kế hoạch này đã được Ủy ban châu Âu chính thức thông qua tháng 4 năm ngoái.

Trong các điều khoản cụ thể, SSM có thể yêu cầu các ngân hàng nguy cơ cao tự tái cơ cấu vốn và có quyền phủ quyết các đề nghị nhân sự cấp cao (giám đốc) nếu đánh giá ứng cử viên không đủ năng lực. SSM cũng định kỳ tiến hành các bài kiểm tra năng lực chịu rủi ro của các ngân hàng và kiểm toán chi tiết các bản kê cân bằng tài chính để đánh giá chính xác “sức khỏe” tài chính của các ngân hàng. Mặc dù trên danh nghĩa SSM là một phần thuộc ECB, nhưng trên thực tế, cơ chế này hoạt động hoàn toàn độc lập. Ý tưởng đặt SSM dưới ô bảo trợ của ECB là để bảo đảm sự giám sát trên phạm vi toàn châu Âu.

Mâu thuẫn lợi ích

Tuy nhiên, không phải không còn hoài nghi và chỉ trích, đặc biệt từ Đức, về những mâu thuẫn lợi ích tiềm tàng. Việc ECB đồng thời đảm đương hai trọng trách là hoạch định chính sách tiền tệ và giám sát ngân hàng đã làm nảy sinh quan ngại rằng các nhu cầu của hệ thống ngân hàng có thể tác động và làm chệch hướng các quyết định chính sách. Đơn cử một ví dụ, đó là ECB có thể đưa ra mức lãi suất thấp để hỗ trợ các ngân hàng khó khăn. Andreas Dombret, chuyên viên giám sát Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), đánh giá hệ thống mới vận hành rất tốt dù vẫn cần phải cải thiện nhiều, ví dụ như cơ cấu và các quy trình ra quyết định.

Để phần nào giải quyết khúc mắc này, đã có một số điều chỉnh trong SSM. SSM hiện đặt trụ sở tại nơi trước đây từng là trụ sở của ECB tại trung tâm Frankfurt (Đức), trong khi hoạt động của cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ được chuyển tới tòa nhà chọc trời mới cách đó vài km về phía Đông. Tất nhiên, đó mới chỉ là bước đi mang tính hình thức. Trên thực tế, việc tách hoàn toàn SSM ra khỏi ECB và biến cơ quan này thành một thể chế giám sát độc lập đòi hỏi phải sửa đổi nhiều hiệp ước của Liên minh châu Âu (EU) và phải được tất cả các nước thành viên bỏ phiếu phê chuẩn. Đây không phải việc dễ dàng và cần có thời gian.

SSM chính thức đi vào hoạt động ngày 4/11/2014 và có nhiệm vụ giám sát 123 nhóm ngân hàng của 19 thành viên Eurozone. Ngoài ra, còn khoảng 3.500 thể chế tín dụng quy mô nhỏ hơn, hiện do cơ quan chức năng tại mỗi nước thành viên quản lý, cũng thuộc phạm vi ảnh hưởng của SSM. Mục tiêu của cơ chế giám sát này là ngăn chặn nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, tránh cho chính phủ các nước trong khu vực phải gánh chịu các chi phí tài chính liên quan đến cứu trợ hay sụp đổ của các ngân hàng trong khu vực.