Cơ hội nào cho kinh tế ASEAN?

Hồng Vân

(Tài chính) Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ thời gian qua đã chậm lại. Các nước ASEAN cần tranh thủ cơ hội này để trở thành “ngôi sao” trong khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trung Quốc tăng trưởng chưa như kỳ vọng

Báo cáo “Triển vọng Phát triển châu Á 2014” được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 10/2014 đưa ra nhận đinh, tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á vẫn ổn định và sẽ tiếp tục giữ nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu (6,2% trong năm 2014 và 6,4% trong năm 2015, sau khi tăng trưởng 6,1% trong năm 2013).

ADB đánh giá, Trung Quốc có mức tăng GDP dự kiến là 7,5% trong năm 2014 và 7,4% trong năm 2015. Như vậy, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng. Dù, 7% là con số mơ ước của hầu hết các nước nhưng với một nền kinh tế phát triển “nóng” như Trung Quốc thì đây lại là con số đáng thất vọng.

Ấn Độ cải cách

Trung Quốc đã trở thành quốc gia mạnh về xuất khẩu nhờ vào giá nhân công rẻ mạt. Tuy nhiên, hiện tại giá thuê nhân công tối thiểu tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi và nhiều công ty bắt đầu tính đến việc đặt nhà máy tại các quốc gia khác. Ấn Độ là quốc gia có nhiều khả năng đáp ứng được về quy mô nếu các công ty rời khỏi Trung Quốc. Nhận thấy xu hướng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã và đang tiến hành nhiều biện pháp quảng bá, thu hút các nhà đầu tư, với kỳ vọng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển nhà máy sản xuất tới Ấn Độ.

Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành vào năm 2015 sẽ là một động lực đáng kể biến ASEAN trở thành một khu vực hội nhập và cạnh tranh thực sự.

Nhịp độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ chỉ ở mức dưới 5% trong hai năm tài khóa vừa qua do lãi suất và lạm phát cao trong khi đầu tư yếu. ADB dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2014 và 6,3% trong năm 2015, khi các biện pháp cải cách của chính phủ mới tại New Delhi bắt đầu phát huy tác dụng. Như vậy, nhiều khả năng, kinh tế Ấn Độ sẽ bật mạnh vào năm sau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Cơ hội cho ASEAN?

Khu vực ASEAN đang được đánh giá là “trụ cột thứ ba của tăng trưởng châu Á” cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Khu vực này đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tốt hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Tuy nhiên, báo cáo của ADB nhấn mạnh, GDP của những quốc gia khu vực sẽ chỉ tăng trưởng mạnh hơn vào năm tới (sau khi GDP dự kiến đạt nhịp độ tăng trưởng 4,6% trong năm, thấp hơn mức tăng 5% của năm ngoái).

Nền kinh tế ASEAN cũng được thúc đẩy bởi sức cầu nội địa mạnh nhờ tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, dường như ASEAN chưa tận dụng được dân số 620 triệu dân của mình. Các chuyên gia phân tích nhận định, để hiện thực hóa tiềm năng của mình, ASEAN phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực hội nhập khu vực. Việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành vào năm 2015 sẽ là một động lực đáng kể biến ASEAN trở thành một khu vực hội nhập và cạnh tranh thực sự.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014