Con đường tăng trưởng gập ghềnh của Trung Quốc

Theo Thời báo Ngân hàng

Liệu đà khởi sắc của Trung Quốc có được giữ vững?

 Con đường tăng trưởng gập ghềnh của Trung Quốc
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khởi sắc sau hai năm tăng trưởng èo uột

Theo số liệu chính thức mới được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt 7,8%, là tốc độ chậm nhất trong 13 năm. Nhưng nếu xét kỹ trong từng quý thì GDP quý IV/2012 đã phục hồi trở lại, đạt 7,9% nhờ đầu tư và chi tiêu tiêu dùng được cải thiện. Theo thống kê sơ bộ, giá trị GDP năm 2012 của Trung Quốc đạt 51,93 nghìn tỷ NDT (8,28 nghìn tỷ USD).

Trong năm 2012, sản lượng công nghiệp của cả nền kinh tế tăng 10% và đầu tư tài sản cố định, một thước đo đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, cũng tăng 20,6% đạt 36,5 nghìn tỷ NDT (chiếm khoảng 70% GDP).

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tính tới cuối năm 2012, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng lên 3,31 nghìn tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 2/2012, chủ yếu nhờ thặng dư thương mại không ngừng tăng lên trong vài thập niên qua.

Cụ thể thặng dư thương mại năm 2012 đã tăng tới 48,1% lên 231,1 tỷ USD, do tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7,9% lên 2,05 nghìn tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 4,3% lên 1,82 nghìn tỷ USD.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư vào các lĩnh vực phi tài chính ở nước ngoài với số tiền 77,22 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm trước. Số tiền này được đầu tư vào 4.425 doanh nghiệp ở 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó số vốn đầu tư vào Nga, Mỹ và Nhật Bản đều tăng rất mạnh. 

Tuy vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Trung Quốc trong năm 2012 lại giảm 3,7% xuống 111,72 tỷ USD, trong đó vốn FDI từ Liên minh châu Âu giảm 3,8% xuống 6,11 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ Mỹ vào nước này lại tăng 4,5% lên 3,12 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư từ Nhật Bản tăng 16,3% lên 7,38 tỷ USD. Bộ cho rằng "đà tăng trưởng đầu tư từ các nước phát triển, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, vẫn rất tốt".

Thách thức năm 2013

Mặc dù vậy, những thách thức kinh tế đặt ra cho ban lãnh đạo mới của Trung Quốc trong năm nay không phải là ít. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu và tăng trưởng kinh tế trong nước vốn dựa vào xuất khẩu chưa ổn định, Chính phủ Trung Quốc hiện đang chuyển hướng tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng và dịch vụ trong nước, coi đó là động cơ tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể đưa tiêu dùng làm đầu tàu tăng trưởng duy nhất mà phải tiếp tục phát triển lĩnh vực chế tạo. Hiện lĩnh vực chế tạo Trung Quốc chiếm tới 19,8% tổng sản lượng toàn cầu, nhưng khả năng đổi mới của lĩnh vực này vẫn tương đối thấp, trong đó các ngành công nghiệp công nghệ cao và cần nhiều tri thức chưa thể cạnh tranh trên toàn cầu. Tính trung bình, quy mô các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc vẫn tương đối nhỏ, và năng suất lao động vẫn rất thấp, chỉ bằng 4,4% của Mỹ và Nhật Bản, và 5,6% của Đức.

Việc thị trường lao động giá rẻ của Trung Quốc bị thu hẹp đang làm tăng chi phí lao động và giảm tỷ lệ lợi nhuận trên vốn, khiến Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh, đã giúp ngành chế tạo của họ hưng thịnh.

IHS Global Insight cho rằng đà thương mại khởi sắc cuối năm ngoái có thể không kéo dài sang năm 2013, khi nhu cầu từ thị trường châu Âu vẫn giảm và kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chậm. Xuất khẩu của Trung Quốc sẽ đối mặt với một năm 2013 đầy khó khăn, thậm chí là không được như trong năm 2012.

Về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2013, Ngân hàng Thế giới dự đoán nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5%, cao hơn so với các nước phương Tây và Nhật Bản. Còn Ngân hàng Societe Generale nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đối mặt với nguy cơ "hạ cánh cứng" trong năm nay, với tăng trưởng giảm xuống dưới 6%. Chính phủ Trung Quốc dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay chỉ trong khoảng từ 7,5% đến 8%.