Con đường tơ lụa mới: Toan tính của Trung Quốc

Hải An

(Tài chính) Con đường tơ lụa được hình thành từ thế kỷ II trước Công nguyên (TCN). Ngay khi mở đầu, con đường này đã được thành lập với ý định quân sự nhiều hơn mục tiêu thương mại. Giờ đây, con đường tơ lụa từng là huyết mạch buôn bán, giao thương thời cổ đại lại đang trở thành một tham vọng lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển do Trung Quốc khởi xướng. Nguồn: china.org.cn
Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển do Trung Quốc khởi xướng. Nguồn: china.org.cn

Con đường tơ lụa xưa kia

Năm 138 TCN, với mong muốn tìm được những đồng minh nhằm khống chế bộ lạc Hung Nô, vua Hán Vũ Đế đã cử nhà lữ hành, ngoại giao Trương Khiên đi về phía Tây với chiếu chỉ ngoại giao trong tay nhưng không may Trương Khiên đã bị chính bộ lạc Hung Nô bắt và giam giữ.

Sau 10 năm bị bắt giữ, Trương Khiên trốn khỏi trại và vẫn tiếp tục nhiệm vụ, ông hành trình về Trung Á, Tây Vực. Trương Khiên tiếp kiến rất nhiều vị thủ lĩnh ở khu vực này nhưng không ai chịu giúp nhà Hán. Năm 126 TCN, Trương Khiên trở về nước. Tuy thất bại nhưng với những kiến thức và thông tin thu được, ông đã viết cuốn sách Triều dã kim tài trong đó đề cập đến những vùng đất ông đã đặt chân tới, vị trí địa lý, phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và đặc biệt là tiềm năng giao thương.

Triều dã kim tài đã kích thích mạnh các thương gia Trung Hoa. Sau đó Con đường tơ lụa dần được hình thành, người Trung Hoa mang vải lụa, gấm vóc, sa, nhiễu... đến Ba Tư và La Mã đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa.

Con đường tơ lụa là biểu trưng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế và văn hóa Trung Quốc mà đỉnh cao là thời nhà Minh (từ 1368 đến 1644), khi GDP của Trung Quốc chiếm 1/3 GDP toàn thế giới và ảnh hưởng của Trung Quốc vươn tới tận Địa Trung Hải và châu Phi. Tuy nhiên, cũng chính thời nhà Minh, Con đường tơ lụa đã bị vương triều này khống chế và bắt phải nộp thuế rất cao khiến cho những thương gia phải tìm đến những con đường vận chuyển bằng đường biển. Con đường tơ lụa trên bộ dần dần biến mất cùng với việc người Ba Tư (Iran ngày nay) dần học được cách làm tơ lụa của người Trung Hoa và việc trung chuyển tơ lụa từ đó giảm hẳn do người Ba Tư tự làm và bán trực tiếp cho La Mã chứ không nhập khẩu từ Trung Hoa nữa.

Tham vọng với một con đường tơ lụa mới

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đang ra sức tìm cách gây dựng bản thân trở thành một nền kinh tế và thể chế tương đương với Mỹ. Nếu như con đường tơ lụa từng là huyết mạch buôn bán, giao thương thời cổ đại, từng được coi là cầu nối văn minh Đông Tây thì nay nó lại trở thành một tham vọng lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình đang cố vận động các nước ủng hộ.

Ý tưởng về dự án Con đường tơ lụa mới lần đầu tiên được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra hồi tháng 9/2013, hướng đến việc mở rộng khả năng giao thương của Trung Quốc với các thị trường toàn cầu. Kế hoạch này bao gồm hai tuyến đường tơ lụa cả trên biển và trên bộ.

Con đường tơ lụa trên bộ dự kiến sẽ bắt nguồn từ Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, đông bắc Trung Quốc, chạy dọc qua Trung Á, Trung Đông và vươn tới châu Âu.

 Còn tuyến đường trên biển dự kiến sẽ có điểm đầu ở Quảng Đông, đi qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương; sau đó vắt sang Mũi Hảo vọng (châu Phi), đi sang biển Đỏ và Địa Trung Hải. Cả hai tuyến đường đều có điểm cuối là Venice (Italy) – trung tâm buôn bán của thế giới thời Trung cổ.

Con đường tơ lụa mới và Con đường tơ lụa trên biển mới thể hiện tham vọng nối trọn 3 châu lục Á, Âu, Phi trong chiến lược của Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng sáng kiến này của Trung Quốc còn bắt nguồn từ mong muốn cải thiện nội tại quốc gia mình do sự chênh lệch phát triển giữa miền đông và miền tây.

Tân Hoa Xã đã mô tả kế hoạch của Trung Quốc là từ giao lưu kinh tế, Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được mối quan hệ gần gũi hơn về văn hóa và chính trị với mỗi quốc gia dọc theo con đường tơ lụa theo mô hình mới.

Bắc Kinh cho biết họ sẽ bỏ ra 40 tỷ USD để làm sống lại Con đường tơ lụa lịch sử. Trung Quốc tận dụng mọi diễn đàn đa phương để nêu sáng kiến về Ccon đường tơ lụa và tranh thủ các cuộc tiếp xúc song phương để vận động các nước ủng hộ sáng kiến này, thậm chí dùng các lợi ích kinh tế để lôi kéo các nước hưởng ứng sáng kiến này của Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc gặp với lãnh đạo các nước Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan ngày 10/11 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, dự án đầy tham vọng này hướng đến việc “loại bỏ nút thắt cổ chai kết nối” ở châu Á. Một khung hợp tác lớn như vậy cần huy động sự tham gia của rất nhiều nước, với nhiều tiểu dự án cả ở trên bộ và trên biển – ông Tập Cận Bình bày tỏ.

Con đường tơ lụa mới là một trong những biện pháp để người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Tham vọng của Trung Quốc đang gây ra làn sóng tranh luận, trong đó có một số nước hoan nghênh ngay tại diễn đàn APEC diễn ra ở Bắc Kinh và một số không bày tỏ quan điểm. 

Việc khôi phục lại Con đường tơ lụa thời cổ đại vừa là tham vọng của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh, vừa là biểu tượng cho chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Trung Quốc nên nó ẩn chứa rất nhiều điểm bất lợi cho các nước láng giềng xung quanh của Trung Quốc. Nhiều nước đang quan ngại rằng, liệu Con đường tơ lụa mới có phải là “gọng kìm” được tạo ra để siết chặt thêm hoặc tạo sức ép, củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với các khu vực đang tranh chấp.