Con đường tự do thương mại của Mỹ

Theo Washington Post

Ngày 4/3, vòng đàm phán thứ 16 Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) khai mạc tại Singapore, quy tụ đại diện 11 nước nhằm xây dựng một khu vực mậu dịch tự do vắt ngang hai bờ đại dương. Mỹ mặc dù là nước đến sau nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo hiệp định này. Trước đó, ngày 13/2, tổng thống Mỹ Barack Obama đã loan báo Mỹ và Liên minh châu Âu đã nhất trí đàm phán xây dựng hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây dương.

Con đường tự do thương mại của Mỹ
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Những diễn biến dồn dập này cho thấy mức độ quan tâm đặc biệt của Mỹ với các thỏa thuận mậu dịch tự do (FTA) có quy mô lớn, bao phủ toàn bộ châu Âu và Bắc Mỹ, một phần lớn châu Á, thông qua một chương trình nghị sự tham vọng và quyết liệt nhất kể từ mấy thập kỷ gần đây. Những nỗ lực này, một khi hoàn tất, sẽ tăng cường sức cạnh tranh của các công ty Mỹ, cho phép các tập đoàn tài chính, tư vấn, công nghệ cao thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, Nhật Bản và các nước đang phát triển, các tập đoàn công nghệ sinh học sẽ được hưởng thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hơn, trong khi xe hơi Mỹ có điều kiện vào thị trường được bảo hộ rất kỹ của Nhật.

Đối với chính quyền Obama, định hướng này xuất phát từ logic đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế trì trệ, thất bại của vòng đàm phán Doha và lo ngại các rào cản thương mại, được cho rằng sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc hay Ấn Độ. Theo Mike Froman, phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách kinh tế quốc tế của Mỹ, trong giai đoạn hiện nay, vượt qua khủng hoảng và hồi phục kinh tế là những yếu tố thúc đẩy Washington làm bất cứ điều gì có thể để tạo ra việc làm và tăng trưởng.

Các cuộc thương lượng về tự do thương mại trong tương lai sẽ liên kết chặt chẽ hơn Mỹ với hai nước láng giềng và mở ra khung cửa sổ quan hệ mới cho các nền kinh tế đang trỗi dậy, như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây dương với Liên minh châu Âu được trông đợi sẽ tạo ra một khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, xoá bỏ nhiều hạn chế thương mại đối với lĩnh vực nông nghiệp và đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến hàng loạt hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, Mỹ đang đàm phán với 47 nước khác nhằm giải phóng lĩnh vực dịch vụ mà Mỹ có lợi thế gần như tuyệt đối, nhất là trên các lĩnh vực như tư vấn tài chính, quản trị năng lượng hay bảo hiểm, và nhiều cuộc đàm phán khác liên quan đến mở rộng các thỏa thuận thương mại hiện có liên quan đến công nghệ cao, cắt giảm thời gian, chi phí khi giao dịch, vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới.

Xu hướng này thực sự bất ngờ bởi trước đó ông Obama đã từng bỏ phiếu phản đối FTA Trung Mỹ khi còn là thượng nghị sỹ và chỉ trích nặng nề thỏa thuận mậu dịch Bắc Mỹ ký với Canada và Mexico trên cương vị ứng cử viên đảng Dân chủ. Nhưng theo Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk, việc Mỹ chủ trương gia tăng thỏa thuận tự do thương mại, mở đầu bằng việc phê chuẩn các thỏa thuận FTA với Hàn Quốc, Colombia và Panama trong nhiệm kỳ thứ nhất, không phải là sự quay ngoắt 180 độ. Sau một năm đầu tập trung giải quyết hậu quả khủng hoảng tài chính, các quan chức phụ trách thương mại Mỹ nay rảnh tay hơn cho chủ đề này.

Robert D. Atkinson, chủ tịch Quỹ sáng tạo và công nghệ thông tin tại Washington, nói đây có thể coi là một chiến lược của Mỹ để đối phó với cái mà ông gọi là “chính sách con buôn mới ” – chính sách mà nhiều nước áp dụng nhằm bảo hộ sản xuất và dịch vụ nội địa, chẳng hạn như buộc các doanh nghiệp sử dụng phần mềm trong nước, đặt cơ sở dữ liệu trong các máy chủ trong nước và nhiều hạn chế khác, được coi là những rào cản thương mại kiểu mới tương tự hàng rào thuế quan.

Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái. Nhiều người cho rằng các thỏa thuận mới, chẳng hạn như FTA Bắc Mỹ, sẽ khiến cho việc làm tại Mỹ mất đi nhiều hơn là tạo ra, đồng thời ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như đối với dệt may, ô tô hay thép trước đây. Thea Lee, chuyên gia kinh tế quốc tế của Tổng liên đoàn lao động Mỹ AFL-CIO nói, chính quyền Mỹ hiện chú trọng đến các vấn đề như bảo hộ đầu tư và bản quyền trí tuệ, tạo điều kiện để ngày càng nhiều công ty Mỹ chuyển dịch hoạt động ra nước ngoài, trong khi làm quá ít để hạn chế nhập khẩu, một nguyên nhân làm giảm số việc làm và tăng trưởng của Mỹ. Thực tế, FTA Mỹ - Hàn Quốc, được chuẩn bị từ thời chính quyền Bush, đã phải sửa đổi vài lần trước khi được phê chuẩn, trong đó Washington tìm cách đưa vào một số điều khoản cho phép các hãng chế tạo ô tô thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Hàn Quốc. Trong những năm đầu có hiệu lực, kết quả không mấy khả quan. Xuất khẩu xe hơi Mỹ tăng chậm trong khi thâm hụt của nước này trong buôn bán với Hàn Quốc sâu thêm.

Trước những ý kiến nghi ngờ về hiệu quả thực sự của các hiệp định thương mại tự do mới, chính quyền Obama nhấn mạnh lĩnh vực công nghiệp, trong tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng nhất đối với kinh tế Mỹ,  chưa được đưa vào trong nội dung các thỏa thuận thương mại chính. Dường như tiến độ tạo việc làm chậm chạp ở Mỹ và cả ở châu Âu thúc đẩy cả hai phía cố gắng thử mọi cách có thể để cải thiện tình hình. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng là yếu tố thúc giục Mỹ làm sâu sắc hơn mối quan hệ với khu vực châu Á, vốn có nhiều nước cùng chia sẻ mối quan ngại về sự thay đổi môi trường chiến lược khu vực.