Cú sốc sụt giảm của các thị trường chứng khoán mới nổi đến từ đâu?

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Dòng tiền luôn mang tính cơ hội - tiền sẽ đến nơi nào có lợi suất cao nhất, và sẽ đi ra khỏi một đất nước cũng nhanh như khi nó vào.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong hơn hai năm qua, nhà đầu tư đã rất hào hứng với thị trường mới nổi. Giờ đây, tâm lý đó không còn nữa. Vài tuần qua, tiền đã bị rút ra khỏi các thị trường đang phát triển và đổ vào Mỹ khiến đồng USD tăng giá, và đồng tiền của nhiều nước mới nổi chạm đáy mới. 
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở tâm điểm của xu hướng này, thế nhưng nhiều nước khác bao gồm Argentina, Hungary và Indonesia cũng chịu tác động mạnh bởi nhà đầu tư bán đi cổ phiếu và trái phiếu có độ rủi ro cao để đổi lấy sự an toàn của tài sản Mỹ. Đối với một số chuyên gia kinh tế, người ta không khỏi lo sợ về khả năng khủng hoảng kinh tế châu Á thập niên 1990 quay trở lại. Điều gì đang diễn ra?
Tại sao thị trường các nước mới nổi sụt giảm?
Câu trả lời dễ nhất chính là dòng tiền luôn mang tính cơ hội - tiền sẽ đến nơi nào có lợi suất cao nhất, và sẽ đi ra khỏi một đất nước cũng nhanh như khi nó vào. Khoảng thời gian tăng điểm mới đây nhất bắt đầu khi chính phủ Mỹ, Nhật và châu Âu đồng loạt giữ lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp để giúp kinh tế của họ phục hồi từ khủng hoảng tài chính 2008. 
Ở giai đoạn đó, lợi suất trái phiếu và cổ phiếu không còn hấp dẫn nữa, nhà đầu tư vì thế tìm đến thị trường các nước đang phát triển nơi rủi ro cao hơn nhưng mang đến nhiều cơ hội kiếm tiền hơn. Nhờ đó, các thị trường mới nổi đã tăng điểm mạnh, cả chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ. 
Giờ đây, thị trường đang đảo chiều bởi nhà đầu tư phản ứng với những diễn biến mới từ phía Mỹ: tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, lãi suất cao hơn và đồng USD mạnh lên. 
Tất cả ba dấu hiệu trên cho thấy tiềm năng lợi suất trên thị trường Mỹ cao hơn, Mỹ trở thành nam châm hút tiền. Nó cũng khiến cho sức hấp dẫn của những thị trường mới nổi giảm bớt. Biến động ở Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã khiến nhà đầu tư lo sợ.
Mọi chuyện sẽ có thể đáng sợ đến đâu?
Một số chuyên gia cho rằng hiện tại chỉ như một “cú nấc” của thị trường bởi những nhà đầu cơ kỳ vọng vào đồng USD yếu nay đang bất ngờ khi đồng USD mạnh hơn. Không ít chuyên gia khác lại lo lắng thị trường các nước đang phát triển tồi tệ hơn suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư.
Giáo sư đại học Harvard, bà Carmen Reinhart, đã chỉ ra các vấn đề bao gồm nợ tăng cao, cuộc chiến thương mại ngày một căng thẳng, lãi suất tăng và tăng trưởng chậm lại đã khiến thị trường các nước mới nổi trở nên dễ chịu tổn thương hơn so với thời kỳ khủng hoảng năm 2008. 
Kinh tế gia đạt giải Nobel, ông Paul Krugman, nhấn mạnh những gì đang diễn ra giống như khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990, khi đó chỉ số MSCI của thị trường các nước mới nổi giảm đến 59%. 
Điều gì gây ra khủng hoảng ở châu Á trước đây?
Cuộc khủng hoảng xảy ra khi bong bóng bất động sản ở Thái Lan vỡ, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế sụt giảm, nhà đầu tư ngoại bán mạnh đồng bath Thái và rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán. Khủng hoảng lan ra các ngân hàng và sau đó ra khắp khu vực Đông Á. 
Nhiều nền kinh tế chịu tác động từng có lịch sử tăng trưởng cao, tuy nhiên chính các con số ấy che giấu đi yếu điểm của nền kinh tế ví như nợ xấu ngân hàng cao, vay nợ nước ngooài nhiều cũng như thâm hụt thương mại tăng. 
Bởi đồng tiền của nhiều nước neo tỷ giá vào đồng USD, chính phủ Hàn Quốc và nhiều nước khác đã bị buộc phải dành hàng tỷ USD nhằm bảo vệ đồng nội tệ khi nhà đầu tư bán mạnh. Họ nhanh chóng hết USD, họ buộc phải từ bỏ chế độ tỷ giá neo vào ngoại tệ mạnh và chấp nhận hạ giá đồng tiền.
Nhà đầu tư khi đó đồng thời cũng rút tiền ra khỏi những thị trường có vấn đề tương tự. Một số nước vì vậy phải tìm kiếm các gói giải cứu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Cuộc khủng hoảng châu Á đang tái diễn?
Ít nhất cho đến nay, khủng hoảng tại châu Á chưa xảy ra. Một lý do: Nhà đầu tư "trừng phạt" một cách chọn lọc những thị trường mà các nhà hoạch định chính sách không đưa ra biện pháp đủ mạnh để ngăn mất cân bằng thương mại và lạm phát tăng cao. Tính trong nhóm 18 nước thị trường mới nổi, có thể kể đến Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, hai nước này có đủ cả yếu tố quản trị kém và nợ bằng đồng USD cao. Braxin và Indonesia cũng không khác nhiều. 
Những đối tượng nào dễ chịu tổn thương?
Những nền kinh tế phụ thuộc vào đồng USD và nhiều loại tiền tệ khác để bù đắp cho thâm hụt thương mại bao gồm Philippines, Ấn Độ và Indonesia có đồng nội tệ giảm giá mạnh nhất tại châu Á. Những nước có tỷ lệ nhà đầu tư ngoại sở hữu nhiều trái phiếu sẽ dễ chịu tổn thương nhất từ việc dòng vốn bị rút ra, trong đó bao gồm Nam Phi, Indonesia và Nga.
Tại sao nhiều nước lại vay bằng đồng USD?
Hấp dẫn bởi chính sách lãi suất gần 0% sau thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước đang phát triển đua nhau vay các khoản vay được coi là giá rẻ. Việc phát hành trái phiếu được định giá bằng USD chứ không phải đồng nội tệ cũng thu hút đối tượng nhà đầu tư thích sự ổn định của đồng USD.
Trong lĩnh vực doanh nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ, nợ nước ngoài định giá bằng đồng USD lên tới tương đương 40% GDP. Nhà đầu tư toàn cầu dù có đôi khi lờ đi dấu hiệu nguy hiểm, ví như thâm hụt thương mại tăng cao, việc chính phủ chi tiêu thái quá. 
Và họ nhiều khi cũng không dành đủ sự quan tâm đến việc đồng USD tăng giá sẽ khiến cho các nước mới nổi khó trả nợ hơn. Khi vay bằng USD, trả nợ sẽ phải bằng USD. 
Khi đồng USD tăng giá so với đồng nội tệ, chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn để kiếm được những đồng USD này.