Cuba hướng tới tái gia nhập IMF

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh đang thực hiện khá thành công công cuộc cập nhật mô hình nền kinh tế, cùng với việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Cuba đã gửi đi thông điệp hòa giải và mở cửa. Trên lộ trình ấy, La Habana sẽ khôi phục các quan hệ cũ, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quốc đảo vùng Caribe này từng là một trong các thành viên sáng lập IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 1944. Tuy nhiên, sau khi hai thể chế tài chính đa phương này bị phương Tây chi phối và nắm quyền kiểm soát, Cuba dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã cắt đứt quan hệ với IMF và WB năm 1964. Giờ đây, với thế hệ lãnh đạo mới ở Cuba và nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm gác lại quá khứ, cũng như những thay đổi trong quan hệ kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu, quan hệ giữa La Habana và các thể chế quốc tế này có thể bước sang trang mới.

Theo một số chuyên gia, thế hệ lãnh đạo mới của Cuba triển khai lộ trình cập nhật mô hình nền kinh tế cho thấy cái nhìn cởi mở và sự thay đổi trong tư duy. Richard Feinberg, từng là cố vấn về chính sách đối với khu vực Mỹ Latin của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng, Cuba đã có thái độ cởi mở hơn về việc tham gia nền kinh tế toàn cầu, họ thực sự háo hức muốn làm vậy và điều đó sẽ dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ với các tổ chức quốc tế lớn, bao gồm IMF và WB.

Nền kinh tế Cuba đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt từ năm 1961. La Habana luôn chỉ trích lệnh cấm vận là nguyên nhân gây ra những khó khăn kinh tế cho quốc đảo này. Báo chí trong nước thậm chí còn so sánh các lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài hàng thập kỷ qua là tội ác diệt chủng. Vì thế, việc Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ, cùng với đó là triển vọng Cuba tham gia trở lại hai thể chế quốc tế trên sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đến đây. Terry Maris, người từng đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Cuba thuộc Đại học Bắc Ohio, Mỹ đánh giá, đây sẽ là điều tốt cho Cuba, nước hiện không có đủ cơ sở hạ tầng và sẽ phải tiêu tốn tới hàng tỷ USD. Ông Maris cho rằng, đến nay Cuba đã ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ những khó khăn chung của thế giới trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính 2008-2009, kinh tế Cuba đang rất chật vật. Tăng trưởng kinh tế năm ngoái chỉ đạt 1,3%, mức thấp nhất kể từ khi ông Raul Castro lên cầm quyền năm 2006. Tuy nhiên, do lâu nay Cuba tập trung phát triển hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục nên các chỉ số đánh giá xã hội của Cuba luôn ở mức cao.

Việc quay lại với IMF không dễ dàng. Theo một phát ngôn viên của IMF, Cuba sẽ phải đệ trình yêu cầu chính thức, có khả năng sẽ phải đóng góp hàng triệu USD cho quỹ tài chính này và phải đồng ý thực hiện mọi nghĩa vụ của thành viên IMF, bao gồm việc xóa bỏ sự kiểm soát của Nhà nước đối với nền kinh tế và cung cấp số liệu tài chính hàng năm để IMF đánh giá.

IMF hiện vẫn chưa nhận được đề nghị tham gia thể chế này từ La Habana. Điều quan trọng là Washington, cổ đông lớn nhất của IMF nghĩ gì. Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã ngần ngại trả lời, hiện Washington chưa tính tới vấn đề này. Gs Juan Triana, Đại học La Habana, dự đoán con đường phía trước sẽ rất dài. Ông nhấn mạnh, sẽ cần Quốc hội Mỹ đồng ý xóa bỏ luật cấm vận Cuba và xóa Cuba khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Chừng nào hai vấn đề này chưa được giải quyết thì IMF và WB gần như chẳng thể làm gì nếu muốn chào đón Cuba trở lại.

Đánh giá về lộ trình bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ -  Cuba, mấu chốt của mọi vấn đề, chính giới hai nước và các nhà phân tích quốc tế nhận định cần nhiều thời gian để thu hẹp bất đồng và tìm tiếng nói chung. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã đưa ra các điều kiện để từng bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ, yêu cầu Washington chấm dứt lệnh cấm vận, hoàn trả căn cứ trên vịnh Guantanamo và đưa La Habana ra khỏi danh sách khủng bố. Theo ông, phức tạp chính cản trở tiến trình bình thường hóa quan hệ là sự tồn tại của lệnh cấm vận và chấm dứt điều này sẽ là chặng đường dài và gian khó.

Trong khi đó, chính giới Mỹ chưa thực sự tán đồng quyết định của chính quyền Obama. Sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa, hiện đang kiểm soát hai viện Quốc hội Mỹ, kéo theo các hành động chống phá chính quyền La Habana. Marco Rubio, thượng nghị sĩ gốc Cuba tại Florida đang cân nhắc ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới, đã chỉ trích mạnh mẽ việc Obama thỏa hiệp với các chế độ đối đầu và tuyên bố ngăn cản việc bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Cuba. Jeb Bush, cựu Thống đốc bang Florida và cũng là chính khách đầu tiên của đảng Cộng hòa công khai tham vọng trở thành ông chủ Nhà Trắng vào năm 2016, cũng tỏ ý phản đối. Chính khách là con trai và em trai của hai cựu Tổng thống Mỹ, đồng thời là người ủng hộ lâu năm lệnh cấm vận Cuba, nói, tôi không nghĩ chúng ta nên thương lượng với một chế độ đối địch để tạo ra những thay đổi trong mối quan hệ của chúng ta (cho đến khi Cuba thay đổi).

Với thực tế này, khả năng Cuba trở lại với các thể chế tài chính toàn cầu vẫn còn khá xa vời khi đòi hỏi phải có điều kiện cần và đủ là Mỹ dỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ hoàn toàn.