Suy ngẫm từ những con số

Trong vài thập kỷ qua, châu Á - Thái Bình Dương luôn là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới. Trong khủng hoảng tài chính tiền tệ vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình của châu Á vẫn đạt mức tăng trưởng trên 5,5 %/năm, cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của thị trường vốn vẫn chưa theo kịp nhịp độ phát triển kinh tế nói chung của khu vực.

Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay chiếm 60% dân số thế giới, 34% GDP toàn cầu, 40% giao thương quốc tế, 59% dự trữ ngoại hối thế giới và 29% tài sản tài chính thế giới.

Nguyên nhân chủ yếu khiến châu Á chiếm giữ tỷ lệ tài sản tài chính còn thấp là do hạn chế của cấu trúc hệ thống tài chính của khu vực. Khoảng 50 - 55% nguồn vốn được tài trợ thông qua hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường vốn chỉ cung cấp khoảng 40% số vốn cho nền kinh tế (trong đó khoảng 25% là từ thị trường chứng khoán và 15% từ thị trường trái phiếu).

Các ngân hàng ở khu vực châu Á chủ yếu là cho vay doanh nghiệp (DN) hoặc cho vay bất động sản và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng. Thị trường cổ phiếu của khu vực chủ yếu là kênh huy động vốn cho các tập đoàn sở hữu gia đình hoặc các DN nhà nước, chưa đảm nhận được vai trò tích cực huy động vốn chung cho cả nền kinh tế. Trong khi đó, thị trường trái phiếu chưa phát triển mạnh, do tình trạng thâm hụt ngân sách ở một số nước trong khu vực, nên lãi suất trái phiếu thấp chưa thu hút được nhà đầu tư. Trái phiếu công ty vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ.

Theo số liệu thống kê của IMF tại Bảng 1, tổng số tài sản ngân hàng của khu vực châu Á vượt quá 185% GDP, trong khi tổng tài sản thị trường trái phiếu chỉ khoảng 109% GDP và tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán chỉ chiếm 75% GDP. Đáng chú ý, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng của Mỹ chỉ chiếm 93% GDP trong khi tỷ trọng tài sản thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu so với GDP tương ứng là 104% và 217%.

Tỷ lệ đòn bẩy được tính bằng cách so sánh tổng tài sản của hệ thống ngân hàng và thị trường trái phiếu so với thị trường chứng khoán để có thể thấy được nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn nào để huy động vốn cho phát triển. Theo tính toán của IMF, tỷ lệ đòn bẩy vốn tính cho toàn thế giới là 411%, trong đó Mỹ chiếm tỷ lệ thấp nhất là 297% trong khi Nhật Bản, EU và Trung Quốc đều có tỷ lệ trên 700%. Tỷ lệ đòn bẩy càng cao chứng tỏ những quốc gia đó càng phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng, trái phiếu và không phụ thuộc vào thị trường chứng khoán trong huy động vốn cho nền kinh tế.

Báo cáo về tình hình phát triển tài chính toàn cầu của Cơ quan Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER) của Hoa Kỳ cho thấy, có sự khác biệt về độ sâu thị trường và khả năng tiếp cận hệ thống tài chính của châu Á và các nước phát triển châu Âu và Mỹ.

Theo như mô tả về mức độ phát triển tài chính toàn cầu của NBER, thì các nước có thu nhập cao có độ sâu, khả năng tiếp cận và tính hiệu quả lớn hơn so với các nước ở khu vực châu Á. Đối với thị trường tài chính, mặc dù chỉ số hiệu quả của thị trường tài chính châu Á có cao hơn các nước thu nhập cao, nhưng mức độ lợi nhuận của thị trường châu Á lại thấp hơn. Doanh thu từ thị trường vốn của châu Á chiếm từ 20 - 25% toàn cầu dù lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 10 -12%.

Củng cố và phát triển thị trường vốn: Bài toán cho tăng trưởng bền vững của châu Á - Ảnh 1

Trước tình hình đó, để đảm bảo tăng trưởng bền vững cho châu Á theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế, thì khu vực này cần phải điều chỉnh, cơ cấu lại thị trường vốn.

Sự cần thiết củng cố và phát triển thị trưng vốn

Mặc dù cơ cấu và tốc độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực châu Á là khác nhau nhưng việc củng cố và phát triển thị trường vốn sẽ đem lại lợi ích chung cho toàn khu vực. Do vậy, Chính phủ các nước trong khu vực châu Á nên triển khai những chính sách khuyến khích phát triển thị trường vốn theo hướng hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Không giống với mô hình các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ, hiện nay, ở các nước châu Á, người dân có thói quen với việc sử dụng phần tiền do nhà nước cung cấp và tiền tiết kiệm cá nhân để chi trả cho các nhu cầu về bảo hiểm và hưu trí khi lớn tuổi.

Chi phí đối với các chương trình phúc lợi xã hội cho người cao tuổi chiếm một phần quan trọng trong ngân sách nhà nước của các quốc gia châu Á và làm giảm ngân sách chi cho các mục tiêu khác như: Phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế… Việc người dân gia tăng tiết kiệm để chi trả cho các nhu cầu tuổi già đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng chung của toàn xã hội và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Giải pháp giải quyết vấn đề này là tăng cường các kênh huy động vốn để các quỹ hưu trí và bảo hiểm có thêm một kênh đầu tư hiệu quả cho nguồn phí thu được. Sự phát triển của các quỹ lương hưu và bảo hiểm tư nhân sẽ giảm bớt mức độ lệ thuộc của người dân vào khoản hỗ trợ của Chính phủ (giảm quy mô mạng lưới phúc lợi xã hội) và khoản tiết kiệm cá nhân.

Thực tế cho thấy, những nước phát triển với các kênh dẫn vốn trực tiếp và gián tiếp có khả năng thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và dài hạn hơn là các nước phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, để cấp vốn cho nền kinh tế. Nhìn chung, với những điều kiện khác như nhau thì những quốc gia có hệ thống tài chính phát triển hơn sẽ có tỷ lệ GDP thực trên đầu người cao hơn.

Việc phát triển thị trường vốn lành mạnh và được kiểm soát hiệu quả sẽ giảm bớt những rủi ro căn bản của hệ thống tài chính. Bởi vì, nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế của châu Á hiện nay chủ yếu là từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng thông thường cho vay ngắn hạn, do đó khó đáp ứng nhu cầu vay dài hạn của nền kinh tế.

Theo dự đoán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong giai đoạn 2010 - 2020, châu Á cần khoảng 8.000 tỷ USD cho việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực. Trong khi đó, các khoản cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng thường kéo dài hơn 10 năm, vượt quá kỳ hạn những khoản cho vay tín dụng của ngân hàng. Dẫn chứng, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy, việc sử dụng vốn chủ yếu từ hệ thống ngân hàng phát sinh nhiều bất cập. Đó là, hệ thống các ngân hàng có trụ sở chính tại châu Âu trong giai đoạn khủng hoảng phải giảm bớt số lượng vốn cho vay tại các chi nhánh châu Á, để tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại quốc gia của mình. Tình trạng này càng làm gia tăng nhu cầu phải có những nguồn cung cấp vốn khác ngoài ngân hàng, mà trong đó phát triển thị trường vốn là một lựa chọn.

Giải pháp phát triển thị trường vốn

Qua nghiên cứu thị trường vốn tại các nước châu Á có thể thấy, hiện nay, thị trường vốn ở khu vực này vẫn chưa phát triển và chưa được sử dụng đúng mức để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế của khu vực. Mức độ phát triển của thị trường vốn trong khu vực ước chỉ bằng một nửa so với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ.

Theo tính toán của IMF, tỷ lệ đòn bẩy vốn tính cho toàn thế giới là 411%, Mỹ chiếm tỷ lệ thấp nhất là 297%, trong khi Nhật Bản, EU và Trung Quốc đều có tỷ lệ trên 700%. Tỷ lệ đòn bẩy càng cao chứng tỏ những quốc gia đó càng phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng, trái phiếu và không phụ thuộc vào thị trường chứng khoán để huy động vốn cho nền kinh tế.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, một cơ chế luật pháp phù hợp là điều kiện quan trọng nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho thị trường vốn phát triển. Đồng thời, thiết lập một hành lang pháp lý bao gồm: Các điều luật về phá sản, cạnh tranh, quyền sở hữu…; Thành lập các cơ quan giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng, DN và các cơ chế phù hợp đảm bảo cho việc thực thi những quyết định có liên quan.

Thứ nhất, thiết lập cơ chế giám sát thị trường vốn, hệ thống thanh toán để hỗ trợ gia tăng tính thanh khoản cho thị trường và giảm thiểu rủi ro hệ thống và rủi ro thị trường. Cùng với đó là việc ban hành các chính sách khuyến khích hoạt động của thị trường thứ cấp để hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường vốn.

Thứ hai, bên cạnh việc giảm bớt những quy định kiểm soát tiền gửi và lãi suất, nên xóa bỏ những quy định hạn chế sự tham gia của ngân hàng vào những hoạt động “không truyền thống”. Điều này sẽ góp phần khuyến khích ngân hàng tham gia vào thị trường vốn và gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường này. Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, sự tham gia tích cực của ngân hàng là một yếu tố quan trọng trong việc củng cố và phát triển thị trường vốn.

Thứ ba, tăng cường tính minh bạch và công khai đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, như: Ngân hàng trung ương, các cơ quan giám sát hệ thống tài chính, ngân hàng thương mại, DN và nhà đầu tư. Ngoài ra, cần khuyến khích các tổ chức nâng cao chất lượng cung cấp thông tin và năng lực quản trị rủi ro, để gia tăng lòng tin của công chúng đối với thị trường.

Thứ tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường vốn, nhằm tăng tính lỏng và mức độ cạnh tranh cho thị trường. Đặc biệt, cần khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư là các tổ chức như công ty bảo hiểm hay các quỹ hưu trí. Kinh nghiệp của Mỹ và Anh trong vài thập kỷ qua cho thấy, những nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm hay các quỹ hưu trí, đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường vốn.

Thứ năm, chuẩn hóa các quy định và chế độ kế toán theo chuẩn quốc tế.

Thứ sáu, tăng cường phối hợp chính sách giữa các nước trong khu vực châu Á để tạo ra cơ chế huy động vốn có hiệu quả. Châu Á có nhu cầu đầu tư cao và tỷ lệ tiết kiệm cao, tuy nhiên, do cơ chế huy động vốn kém hiệu quả nên nguồn vốn “chảy” sang các thị trường vốn ở các nước phát triển cao. Do đó, việc phối hợp chính sách giữa các quốc gia để khắc phục những “lỗ hổng” trong quá trình luân chuyển vốn (giữa ngân hàng và thị trường vốn) sẽ là “chìa khóa” cho việc giữ nguồn vốn lại cho khu vực. Những tổ chức đa phương có thể giữ vai trò là người tuyên truyền và khuyến khích quá trình phối hợp chính sách này.

Thứ bảy, khuyến khích các biện pháp gia tăng tính lỏng và minh bạch của thị trường. Bài học từ các nước có thị trường vốn phát triển như Anh và Mỹ cho thấy, “chìa khóa” thu hút các khoản đầu tư dài hạn là phát triển những thị trường vốn mở có tính lỏng cao. Ngoài ra, việc thiết lập những cơ chế điều hành hiệu quả sẽ giảm bớt chi phí và tạo ra một sân chơi phù hợp hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, thu hút nguồn đầu tư từ trong và ngoài khu vực và là động lực cho thị trường vốn phát triển.

Tóm lại, các quốc gia châu Á có cơ cấu tổ chức nền kinh tế khác nhau, tuy nhiên, việc củng cố và phát triển thị trường vốn đa dạng hơn, lỏng hơn và quy mô rộng hơn sẽ là một trong những động lực góp phần duy trì và gia tăng tỷ lệ tăng trưởng của khu vực.

Củng cố và phát triển thị trường vốn: Bài toán cho tăng trưởng bền vững của châu Á

TS. TRẦN THỊ VÂN ANH

(Tài chính) Dù là điểm sáng trong “bức tranh” ảm đạm của nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu nhưng các quốc gia châu Á vẫn phải tiếp tục tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng bền vững. Bài viết phân tích sự cần thiết vẫn phải củng cố và phát triển thị trường vốn châu Á nhằm hướng tới duy trì đà tăng trưởng bền vững cho khu vực.

Xem thêm

Video nổi bật