Cuộc chiến đường sắt cao tốc giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Theo Hồng Hà/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Ngoài những căng thẳng trên Biển Hoa Đông, cuộc cạnh tranh mang tên “đường sắt cao tốc” đã trở thành một điểm nóng nữa trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Lãnh đạo hai bên đều đích thân đóng vai trò như những nhà marketing cho các dự án đường sắt cao tốc ở nước mình. Cuộc đấu này không chỉ liên quan tới thành bại của nền kinh tế quốc gia trong quá trình chuyển đổi cơ cấu, mà hơn nữa, còn biểu trưng cho ảnh hưởng quốc tế của hai nước.

Đường sắt cao tốc đã trở thành con át chủ bài của ngành chế tạo kỹ thuật cao, cũng là bước đột phá thúc đẩy chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Nguồn: internet
Đường sắt cao tốc đã trở thành con át chủ bài của ngành chế tạo kỹ thuật cao, cũng là bước đột phá thúc đẩy chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Nguồn: internet

Đường sắt cao tốc đã trở thành con át chủ bài của ngành chế tạo kỹ thuật cao, cũng là bước đột phá thúc đẩy chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế, giảm thiểu sự triệt tiêu lẫn nhau trong nước, Ủy ban Quản lý, Giám sát tài sản Nhà nước Trung Quốc đã sáp nhập Tập đoàn xe lửa miền Bắc và Tập đoàn xe lửa miền Nam. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đích thân marketing công nghệ này đến một loạt nước như Thái Lan, Hàn Quốc...

Ở Nhật Bản, Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe cũng coi việc xuất khẩu đường sắt cao tốc cùng các thiết bị liên quan là trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng kinh tế. Bốn công ty đường sắt cao tốc lớn của Nhật Bản đã thành lập Hiệp hội đường sắt cao tốc quốc tế, bắt tay nhau thúc đẩy xuất khẩu công nghệ và thiết bị đường sắt cao tốc của Nhật Bản.

Ông Shinzo Abe cùng các Bộ trưởng liên quan cũng trở thành các nhà marketing kỳ cựu. Khi tới thăm các nước hay tiếp đãi lãnh đạo các quốc gia liên quan, họ đều không quên giới thiệu về công nghệ đường sắt cao tốc của Nhật Bản và bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ tài chính cần thiết.

Trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đường sắt cao tốc của Trung Quốc có đặc điểm là số kilômet vận hành đứng đầu thế giới, giá thành chế tạo thấp, phương pháp đấu thầu linh hoạt. trong khi, đường sắt cao tốc của Nhật Bản có ưu thế về lịch sử vận hành lâu dài, bảo đảm tốt các tiêu chuẩn quốc tế liên quan. Hai bên đều biết cuộc đấu của họ đã vượt ý nghĩa kinh tế thuần túy, mà cao hơn là cuộc đấu tranh địa chính trị.

Nếu đường sắt cao tốc của Trung Quốc được triển khai dọc theo “một vành đai, một con đường” sẽ đồng nghĩa với việc công nghệ của họ sẽ trở thành “tiêu chuẩn thông dụng” của thế giới. Hơn nữa, đường sắt cao tốc còn giúp Trung Quốc kết nối các nước trong dự án “một vành đai, một con đường”.

Khi đó, xuất phát từ Trung Quốc, đường sắt cao tốc có thể vươn tới châu Âu về phía Tây, vươn tới Singapore về phía Nam và vươn tới Trung Đông, Nam Á về phía Tây Nam. Như vậy, sự kết nối về con người, tài chính và vật tư trong những khu vực này sẽ được thúc đẩy toàn diện. Từ đó, các nước và khu vực liên quan sẽ nghiễm nhiên nằm trong vành đai kinh tế của Trung Quốc, còn Nhật Bản hoàn toàn bị gạt sang bên lề.

Chính điều này đã buộc Nhật Bản nỗ lực vây chặn chính sách phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Khi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha thăm Nhật Bản, ông Abe đã thuyết phục người đứng đầu Chính phủ Thái Lan sử dụng công nghệ đường sắt cao tốc của Nhật Bản.

Ông Prayuth Chan-Ocha sau đó đã chỉ thị cho Thứ trưởng Bộ Giao thông nước này thăm Nhật Bản từ ngày 23-27.4 tới nhằm thảo luận với giới chức Nhật Bản về chi tiết dự án xây dựng đường sắt cao tốc nối Bangkok với Chiang Mai và dự án đường sắt cao tốc nối Thái Lan với cảng nước sâu Dawei của Myanmar.

Đường sắt cao tốc là một trong số ít ngành chế tạo cơ khí cỡ lớn mà Trung Quốc tự chủ được, nếu xuất khẩu, sẽ có tác động thúc dẩy sự phát triển đầu ra của nhiều ngành liên quan. Trong 10 năm tới, đường sắt cao tốc có thể phát triển thêm không gian quốc tế hay không đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Về công nghệ và tài chính, mục đích vươn ra bên ngoài của đường sắt cao tốc Trung Quốc đã không còn là vấn đề khó khăn. Bước đi then chốt tiếp theo là tìm cách sử dụng thực lực ngoại giao làm trợ lực phát triển đường sắt cao tốc ở nước ngoài, hạn chế sự can dự của những đối thủ tiềm tàng như Nhật Bản hoặc Mỹ.