Cuộc chiến giữa tình cảm và lý trí

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Trong những ngày này, nước Mỹ bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết những điểm yếu và bất cập nội sinh từ thể chế chính trị và pháp lý của nó.

Cuộc chiến giữa tình cảm và lý trí
Trong lịch sử cho tới nay, nước Mỹ từng một vài lần lâm vào tình cảnh như hiện tại, lần mới đây nhất là năm 1979. Nguồn: internet

Tình trạng Chính phủ ngừng hoạt động từ ngày 1/10 vừa qua do Quốc hội không thông qua ngân sách chưa được khắc phục thì đã lại xảy ra chuyện còn tày đình hơn là nguy cơ nhà nước vỡ nợ.

Bất đồng quan điểm

Nguyên nhân cũng lại là sự bất đồng quan điểm giữa Đảng Cộng hoà và Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với Đảng Dân chủ. Cả hai phía đều ý thức được rất rõ ràng và đầy đủ về những tác động và hậu quả tiêu cực của cả việc chính phủ ngừng hoạt động lẫn nhà nước không còn khả năng trả nợ đối với đất nước và nhà nước, người dân và xã hội cũng như đối với kinh tế thế giới.

Lý trí không chỉ nhắc nhở mà còn thôi thúc hai phe phải cùng nhau giải quyết ổn thoả những chuyện này. Nhưng sự bất đồng quan điểm hiện đã quá sâu sắc và các bên liên quan vì lợi ích của đảng phái và phe cánh của mình mà không chịu sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau.

Sự giằng xé giữa tình cảm và lý trí này xem ra sẽ vẫn còn tồn tại dai dẳng và phủ bóng xuống chính trường nước Mỹ cả trong tương lai. Nó báo hiệu nước Mỹ chưa thể giải quyết được ổn thoả và dứt điểm vấn đề này mà chỉ sa đà vào các loại giải pháp tình thế, thoả hiệp tạm thời và trì hoãn giải pháp lâu bền.

Mốc thời gian là ngày 17/10. Nếu quốc hội và Tổng thống không đạt được thoả thuận về nâng mức trần giới hạn nợ công thì nước Mỹ bị "vỡ nợ". Đơn giản vì sau ngày 1/10/2013, Chính phủ Mỹ không được phép vay nợ thêm để trả lãi đến hạn. Nếu muốn trả lãi thì Chính phủ Mỹ buộc phải cắt giảm chi tiêu trong tình trạng hiện đã không đủ ngân sách chi tiêu đến mức một phần hoạt động của chính phủ bị ngưng trệ. Khi đó, nguồn thu chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu chi. Hiện tại, dự trữ của Chính phủ Mỹ chỉ còn 30 tỉ USD, đủ để trang trải chi phí cho vài ngày.

Vòng luẩn quẩn

Sau ngày 17/10, Chính phủ Mỹ trước hết phải tìm cách trì hoãn việc thanh toán những khoản đến hạn phải thanh toán như chi tiền cho các chương trình bảo hiểm y tế (Medicare và Medicaid), phúc lợi xã hội và hồi thuế. Tương tự như vậy đối với các khoản chi cho phiếu lương thực và thanh toán cho các hãng thực thi những đơn đặt hàng của nhà nước.

Những người nghèo, người già và người bị bệnh bị ảnh hưởng đầu tiên và trực tiếp nhất. Ngày 1/11 tới, chính phủ của ông Obama phải chi gần 60 tỉ USD cho lương hưu, phụ cấp cho cựu chiến binh và lương cho quân đội. Nếu không chi trả đúng hạn thì sẽ gây bất an bất ổn trong xã hội. Nhưng nếu chi trả thì chính phủ phải tiết kiệm ở các trương mục ngân sách khác, mà tiết kiệm thì lại ảnh hưởng đến diện đối tượng khác.

Như vậy có nghĩa là sẽ hình thành vòng luẩn quẩn mà một khi đã sa vào thì rất khó khăn mới thoát khỏi. Bớt đơn đặt hàng của nhà nước và giảm lương sẽ làm thất nghiệp tăng, thu thuế giảm, nguy cơ suy thoái kinh tế tăng, đồng USD mất giá.

Nếu Chính phủ Mỹ không trả lãi kịp thời cho trái phiếu nhà nước thì lãi suất sẽ tăng, thị trường tài chính bị xáo động, xu thế bán tống bán tháo trái phiếu nhà nước của Mỹ sẽ tăng và đó sẽ là nguy hiểm lớn nhất đối với kinh tế thế giới bởi lòng tin vào nền kinh tế và tài chính cũng như khả năng chèo lái của chính phủ Mỹ không còn. Một khi lãi suất trái phiếu nhà nước tăng và nội nhu giảm thì kinh tế Mỹ không thể tránh khỏi suy thoái.

Trong lịch sử cho tới nay, nước Mỹ đã từng một vài lần lâm vào tình cảnh như hiện tại, lần mới đây nhất là năm 1979. Lợi cho đảng nhưng hại cho đất nước - vì thế tình trạng ấy không thể kéo dài bởi đảng phái chính trị nào cũng phải lưu ý đến thái độ và phản ứng của cử tri và rồi sẽ phải thoả hiệp, nhưng cũng chính vì thế mà lần này không phải lần cuối cùng ở Mỹ.