Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc Bên nào thua thiệt?

Theo Quốc Đạt/daibieunhandan.vn

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đe dọa sẽ thực hiện chiến tranh thương mại toàn diện với Trung Quốc bằng việc áp đặt mức thuế khổng lồ lên hàng hóa nước này nếu Bắc Kinh không đảo ngược các hành động thương mại của mình. Trong bối cảnh hai cường quốc của thế giới đang tiến gần tới cuộc chiến thương mại, các chuyên gia đặt ra câu hỏi: Bên nào sẽ thua thiệt?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ăn miếng trả miếng

Ngày 18/6, ông Donald Trump đã chỉ đạo văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ lập danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD để áp mức thuế 10%, một động thái cứng rắn hơn nhiều so với những hành động trước đó. “Sau khi quá trình pháp lý hoàn tất, các mức thuế này sẽ có hiệu lực nếu Trung Quốc nhất quyết tiếp tục các mức thuế mới được thông báo gần đây” - ông Donald Trump khẳng định.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi ông chính thức thông báo mức thuế 25% đánh vào khoảng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7. Đây là kết quả từ cuộc điều tra của bộ thương mại về hành động trộm cắp tài sản trí tuệ từ Mỹ của các công ty Trung Quốc.

Sau động thái của ông Trump, Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách áp thuế lên 50 tỷ USD sản phẩm của Mỹ và tuyên bố kiên quyết chống lại các hành động của Washington. 
Thâm hụt thương mại, đâu là sự thật?

Để giữ được mức tín nhiệm với cử tri, ông Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng thâm hụt thương mại và thất thoát sở hữu trí tuệ vào tay Trung Quốc. Mục tiêu của ông là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ từ mức ước tính 370 tỷ USD xuống 200 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, trước khi đánh giá mục tiêu và biện pháp của Mỹ, cần xem xét điểm khởi đầu. Đó là có đúng thâm hụt thương mại của Mỹ nhiều như họ vẫn khẳng định? Ước tính thâm hụt 370 tỷ USD hiện tại là không tính đến giá trị gia tăng. Khi nhìn vào nội dung giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu của Trung Quốc, thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc thực sự chỉ bằng một nửa so với giá trị thực của nó.

Và nếu cộng toàn bộ thặng dư của Mỹ trong “tài sản vô hình” và số tiền Mỹ nhận lại từ việc đầu tư ở Trung Quốc, thâm hụt thương mại Mỹ - Trung sẽ giảm từ 2% GDP xuống 0,8%, theo một báo cáo của Oxford Economics.

Chẳng hạn theo cách tính thông thường, trên cán cân thương mại Mỹ - Trung ghi nhận Trung Quốc xuất khẩu 500 USD/chiếc iPhone, nhưng thực tế Trung Quốc chỉ tạo thêm 15 - 30 USD cho giá trị của chiếc điện thoại.

Hầu hết giá trị iPhone được trả cho Samsung ở Hàn Quốc (150 USD) và cho Apple - chủ sở hữu thương hiệu ở Mỹ. Điều này có nghĩa, nếu Mỹ nâng thuế quan đối với hàng hóa công nghệ cao của Trung Quốc, thì cuối cùng chính các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu chi phí một cách gián tiếp.

Một trong những cáo buộc khác của Mỹ là việc doanh nghiệp Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; núp bóng công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường. Cáo buộc này xuất phát từ một chính sách lâu đời của Trung Quốc, yêu cầu bất kỳ công ty nước ngoài nào muốn kinh doanh tại Trung Quốc đều phải liên doanh với một công ty Trung Quốc.

Các công ty liên doanh này sau đó thường bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và sử dụng tài sản trí tuệ đó để xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ ô tô và điện thoại, thậm chí cả y học. Chính phủ Mỹ ước tính những cáo buộc ăn cắp sở hữu trí tuệ này đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại từ 225 - 600 tỷ USD/năm.

Ngay cả khi lo lắng của Mỹ có cơ sở, thì việc giải quyết nó lúc này cũng hơi muộn. Trên thực tế, Trung Quốc không còn cần đến các liên doanh trong nhiều ngành công nghiệp, bởi nhiều lĩnh vực Trung Quốc đã đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ.

Minh chứng là tháng 4/2018, Trung Quốc đã đồng ý giảm bớt quy định đối với các công ty ô tô nước ngoài hoạt động tại nước này, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy chất lượng xe ô tô Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng.

Trung Quốc tìm kiếm điều gì?

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể sẽ giống như mất đi con 5 bích hơn là Q cơ. Trung Quốc xuất khẩu hơn 2.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, chỉ khoảng 400 - 500 tỷ USD trong số đó vào Mỹ.

Nếu Mỹ thực sự là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, thì Bắc Kinh vẫn còn rất nhiều thị trường khác để chào hàng, bao gồm các khu vực ngày càng giàu có của Đông Nam Á và Ấn Độ. Trung Quốc cũng đã xâm nhập đáng kể vào thị trường Mỹ Latin và châu Phi thông qua hoạt động đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tư nhân và chính phủ.

Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ra tầm nhìn tới năm 2025, bao gồm kế hoạch chi tiết đưa Trung Quốc lên chuỗi giá trị cao hơn. Mục đích là để dẫn đầu thế giới trong các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành, xe điện, công nghệ xanh và công nghệ sinh học.

Thực tế là nhiều yêu cầu của chính quyền ông Trump chính là những thứ Trung Quốc đang cần. Mỹ muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, và Trung Quốc không phản đối; bởi họ đang thúc đẩy một xã hội tiêu dùng. Ông Trump muốn tăng thuế để ngăn chặn sản phẩm công nghệ giá rẻ tràn ngập thị trường Mỹ và Trung Quốc đồng ý; bởi họ muốn xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao hơn.

Trên tất cả, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như nhấn mạnh các chương trình nghị sự khác nhau. Một định hướng chính trị với mục đích chống lại những lá phiếu nghi ngờ của cử tri, ít nhất là trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 tới.

Một tập trung vào kinh tế với những chiến lược phát triển dài hạn. Vì thế, kể cả nếu Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến này, Trung Quốc vẫn nắm giữ tất cả lợi thế.