"Cuộc đua" thu hút FDI

Hồng Vân

(Tài chính) Dòng vốn FDI toàn cầu đã sụt giảm đáng kể và đã có những sự chuyển dịch mới trong năm 2012. Chi phí tăng cao do lương nhân công và đồng nhân dân tệ tăng giá đã khiến các nhà đầu tư chạy khỏi Trung Quốc và tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ khác như ASEAN.

FDI toàn cầu sụt giảm

Báo cáo về đầu tư xuất bản ngày 24/1/2013 của Cơ quan Liên Hợp Quốc về đầu tư và thương mại (UNCTAD) cho biết năm 2012 thế giới ghi nhận con số 1.300 tỷ USD vốn FDI được luân chuyển toàn cầu, so với con số 1.600 tỷ của năm 2011.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến FDI toàn cầu giảm là do tình hình kinh tế vĩ mô thế giới vẫn bất ổn, cùng hàng loạt yếu tố rủi ro như cuộc khủng hoảng nợ kéo dài ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), "vách đá tài khóa" ở Mỹ và sự thay đổi vị trí lãnh đạo cao nhất ở một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm vừa qua.

Như vậy, sự phục hồi dòng vốn FDI bắt đầu từ năm 2010 và 2011 có thể sẽ có thể kéo dài chậm hơn so với dự kiến. Điều đáng chú ý là dòng vốn FDI tới các nước phát triển trong năm 2012 đã sụt giảm đến mức thảm hại (còn có 550 tỷ USD), và đứng ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Vốn FDI tụt giảm nhiều nhất được nhận thấy là ở Mỹ và Châu Âu.

Dòng vốn FDI tới các nước đang phát triển vẫn ở mức tốt trong năm 2012, và chỉ giảm cỡ 3%, và đứng ở mức 680 tỷ USD.

Như vậy, các nền kinh tế đang phát triển có mức hấp thụ vốn FDI cao hơn các nền kinh tế phát triển tới 130 tỷ USD.

Trong bản báo cáo, UNCTAD cũng cảnh báo rằng các yếu kém cấu trúc đang tồn tại ở phần lớn các nền kinh tế phát triển và trong hệ thống tài chính toàn cầu cũng như sự bất định trong chính sách là các yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới niềm tin của giới đầu tư. Dòng vốn FDI trên toàn cầu sẽ luân chuyển chậm lại chừng nào các vấn đề trên không được giải quyết.

Tuy nhiên, UNCTAD vẫn dự báo dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng lên cỡ 1.400 tỷ trong năm 2013 và trở lại con số 1.600 tỷ trong năm 2014 nhờ các cải thiện điều kiện kinh tế vĩ mô nói chung và nhờ khả năng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia.

FDI toàn cầu, trung bình giai đoạn 2005-2007, 2007-2014 (tỷ USD)

"Cuộc đua" thu hút FDI  - Ảnh 1

Nguồn: UNCTAD

Tập trung thu hút FDI luôn là chiến lược ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế của hầu hết các nước châu Á. Theo một báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC, việc thu hút thành công FDI suốt 20 năm qua đã đóng vai trò quan trọng đưa Trung Quốc từ một quốc gia nghèo tiến lên thành một cường quốc kinh tế không chỉ của châu Á mà còn của cả thế giới. Song giờ đây, những chi phí tăng cao do lương nhân công và đồng nhân dân tệ tăng giá khiến các nhà đầu tư đang tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ khác như Ấn Độ hay nhiều nước trong ASEAN như Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan…

Trung Quốc không còn lợi thế như trước

Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, Trung Quốc đã thu hút được 111,7 tỷ USD vốn FDI trong năm 2012, kém mức 116 tỷ USD của năm 2011 và 2012 là năm thứ 3 liên tục Trung Quốc có mức thu hút FDI giảm. Theo báo cáo của HSBC, trong 20 năm qua, Trung Quốc là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn nhất trong số các nước đang phát triển. FDI đã giúp Trung Quốc thành một căn cứ công nghiệp lớn của thế giới. Trung Quốc có lợi thế lực lượng lao động nông thôn dư thừa (vào lúc đó chiếm khoảng 75% của tổng dân số) có thể được chuyển vào các nhà máy để nâng cao năng lực sản xuất; quốc gia này cũng cần cải thiện kỹ năng và công nghệ để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Dòng vốn FDI đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy việc làm, kích thích năng lực sản xuất và hoạt động xuất khẩu; từ đó đóng vai trò quan trọng đưa Trung Quốc từ một quốc gia nông thôn nghèo tụt hậu tiến lên thành một cường quốc kinh tế.

Tuy nhiên, chi phí sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc đang tăng cao do tiền lương nhân công tăng, đồng tiền nội tệ mạnh hơn và chuỗi giá trị cũng tăng; cùng với đó là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến các công ty quốc tế, đa phần là các nhà sản xuất sử dụng nhiều lao động đang tìm cách chuyển hướng và mở rộng đầu tư của họ ở những quốc gia khác. Những quốc gia mạnh về nguồn lực lao động với chi phí thấp và có thị trường nội địa lớn, năng động sẽ là những điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn này.

FDI chuyển hướng vào ASEAN

Những thay đổi ở Trung Quốc đã cho thấy một cơ hội lớn để thúc đẩy FDI vào các nước ASEAN. Trước khủng hoảng tài chính châu Á, dòng vốn vào ASEAN rất lớn, chiếm khoảng 8% tổng nguồn vốn lưu chuyển trên thế giới. Trong 5 năm sau khủng hoảng, dòng vốn này giảm khoảng 2% trên tổng vốn lưu chuyển trên thế giới. Nhưng trong hai năm vừa qua, các nhà đầu tư đã quay lại ASEAN bởi hai lý do: tiềm năng tăng trưởng và lợi thế chi phí rẻ. Kết quả, dòng vốn vào ASEAN đã ngang ngửa với phần vốn vào Trung Quốc, 7,6% so với 8,1%.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian từ năm 2012-2014, ASEAN sẽ tiếp tục trở thành một trong những điểm đến chủ yếu của các nhà đầu tư trực tiếp trên thế giới. Singapore hiện là quốc gia thu hút FDI lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2011, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rót vào nước này đã tăng 31,6% lên trên 64 tỷ USD, chiếm 54,7% tổng FDI tại ASEAN. Một số chuyên gia đánh giá Singapore có thế mạnh về mức thuế thấp và hệ thống pháp luật khá hoàn thiện.

Không chỉ Singapore, Thái Lan cũng là một điểm sáng đầu tư ở ASEAN. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT), trong năm 2012, nước này đã thu hút được hơn 550 tỷ baht vốn FDI, tương đương 18 tỷ USD.

Đây là con số kỷ lục về lượng vốn FDI mà nước này đạt được từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều so với con số 8,5 tỷ USD của năm 2011. Như vậy, lượng vốn FDI năm 2012 vào Thái Lan đã tăng 116% so với năm trước đó.

Ở ASEAN, Indonesia cũng là nước thu hút FDI đáng kể. Theo báo cáo của World Bank, dòng vốn FDI vào Indonesia, mặc dù có những dao động nhất định từng năm nhưng về cơ bản đã tăng gấp hơn 15 lần trong 10 năm qua.

Năm 2012, dòng vốn FDI vào Indonesia ước đạt 21 tỷ USD, chủ yếu được đầu tư vào các lĩnh vực khai khoáng và dược phẩm. Trên bản đồ FDI của thế giới, Indonesia hiện đang đứng thứ tư về thu hút vốn FDI, sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Yếu tố lớn nhất đem lại thành công trong thu hút vốn FDI của Indonesia phải kể đến đó là những “cú hích” đủ mạnh từ sức tiêu dùng nội địa. Với đà tăng trưởng và triển vọng khả quan của các ngành, kinh tế Indonesia sẽ mở rộng hơn nữa trong năm 2012, với dự đoán có thể đạt GDP danh nghĩa 8,5 triệu tỷ Rp, đồng nghĩa việc Indonesia sẽ gia nhập “Câu lạc bộ các nền kinh tế có GDP 1.000 tỷ USD”.

Ủy ban điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) mới đây cũng đã công bố mục tiêu thu hút FDI năm 2013 của quốc gia vạn đảo là 29 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với con số 21 tỷ USD của năm 2012. Mục tiêu này cho thấy năm 2013 Indonesia vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, cao trong thời gian dài. Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Indonesia, Ashley Taylor, phân tích rằng bên cạnh tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường tiêu thụ lớn với sự gia tăng nhanh của tầng lớp trung lưu thì sự bất ổn kinh tế toàn cầu cũng đang đưa đến những lợi thế nhất định cho Indonesia. Đó là sự chuyển dịch dòng vốn từ các trung tâm kinh tế phát triển sang các thị trường mới nổi trong khi các nước mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc đang có dấu hiệu phát triển chững lại (Brazil tăng trưởng thấp dưới 1%, Ấn Độ đang vật lộn với tình trạng lạm phát, Trung Quốc giảm tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây), khiến nhà đầu tư quốc tế không còn nhiều sự lựa chọn.