Galaxy Note 7 phát nổ:

Cuộc khủng hoảng tồi tệ của Samsung

Theo kinhtedothi.vn

Với điểm cộng từ thiết kế đẹp mắt cho đến cấu hình mạnh mẽ đáng nhẽ Note 7 đã là một sản phẩm mang lại nhiều thành công cho Samsung nếu như không dính vào bê bối thu hồi trên phạm vi toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 2/8/2016 đã đánh dấu màn ra mắt đầy ấn tượng của Galaxy Note 7 - một trong 2 sản phẩm bom tấn (cùng Galaxy S7/S7 edge) và chủ đạo trong năm của Samsung. Đây cũng là chiếc điện thoại màn hình lớn hiếm hoi được đánh giá xứng tầm đối thủ với iPhone 6 Plus đến từ đối thủ "không đội trời chung" Apple của hãng Hàn Quốc.

Có cấu hình vượt trội so với toàn bộ các smartphone có trên thị trường cùng thiết kế bắt mắt và hàng loạt tính năng độc quyền từ Samsung, Note 7 đã thu được thành công ngay từ giai đoạn đặt hàng. Ngay trước thời điểm bán ra, chiếc máy này đã nhận được 200.000 lượt đặt mua, gấp đôi so với lượng đặt mua của Galaxy S7 ra mắt hồi đầu năm và là mức kỷ lục của một điện thoại Galaxy từng đạt được từ trước đến nay. Đồng thời tính đến hiện tại đã có khoảng 2,5 triệu chiếc Note 7 được bán ra.

Một khởi đầu hoàn hảo cùng viễn cảnh tươi sáng đầy hứa hẹn khi rất có thể Note 7 sẽ là chiếc smartphone thành công nhất trong lịch sử Samsung. Nhưng không, ranh giới giữa thành công và thất bại lại quá mong manh, lỗi phát sinh từ bộ phận pin đã khiến chiếc điện thoại này bỗng nhiên trở thành một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của thương hiệu smartphone lớn nhất thế giới. 

Ngày 2/9 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Seoul (Hàn Quốc), Chủ tịch mảng kinh doanh thiết bị di động Samsung ông Koh Dong-jin đã phải công khai cúi đầu xin lỗi sau khi tuyên bố thu hồi Note 7 trên phạm vi toàn cầu nhằm khắc phục nguy cơ cháy nổ do lỗi đến từ pin của chiếc smartphone này. Tính tới đầu tháng 9/2016, đã có 35 chiếc Note 7 được ghi nhận gặp sự cố về pin.

Chính sách này không chỉ áp dụng với các máy đã được bán ra mà ngay cả các sản phẩm đang nằm trong kho của đại lý cũng như trên đường vận chuyển cũng được thực hiện tương tự. Đồng thời, Note 7 cũng được tạm dừng bán ra tại 10 thị trường khác nhau. 

Về thiệt hại tài chính, mặc dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng Samsung cho biết con số này là "khá lớn". Ngay sau khi phát đi thông báo thu hồi Note 7, cổ phiếu của hãng Hàn Quốc đã  Theo các hãng phân tích tài chính Samsung có thể sẽ mất đi 1,34 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2016 cũng như mảng kinh doanh smartphone tụt khoảng 5 tỷ USD doanh thu vì sự cố này. 

Tuy nhiên đau đớn hơn, cuộc khủng hoảng của Note 7 đã đánh dấu sự thua cuộc trong làng smartphone 2016 của Samsung trước Apple. Nếu như dòng Note luôn được Samsung sử dụng để "đánh phủ đầu" của dòng iPhone khi luôn được tung ra thị trường trước khi sản phẩm của Apple được giới thiệu.

Nhưng tới thời điểm này, có lẽ vinh quang trong năm 2016 sẽ hoàn toàn thuộc về cặp đôi iPhone 7/7 Plus mới được Apple ra mắt hôm nay (8/9) khi đối thủ lớn nhất của mình đã giương cờ trắng.

Mặc dù thiệt hại về mặt tài chính là khá lớn nhưng động thái quyết đoán trong việc thu hồi Note 7 cũng mang lại điểm cộng cho Samsung. Điều này cũng đã ngay lập tức ngăn chặn tâm trạng hoang mang của người dùng đang sử dụng những sản phẩm của hãng.

Qua đó cũng thể hiện Samsung đã rất minh bạch nhìn nhận và sửa chữa lỗi lầm, điều mà đối thủ Apple còn phải học tập nhiều.