Cứu ngân hàng, EU có thể "đánh mất cả một thế hệ"

Theo Vietnam+

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho hay châu Âu đã chi hàng trăm tỷ euro để cứu các ngân hàng trong châu lục, nhưng "lục địa già" có thể đánh mất "một thế hệ trẻ" trong quá trình này.

Cứu ngân hàng, EU có thể "đánh mất cả một thế hệ"

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực xảy ra ở Hy Lạp hồi cuối năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) đã tạo lập một cơ chế giải cứu phức tạp để cứu giúp các nước nợ nần chồng chất và các ngân hàng điêu đứng vì khủng hoảng, đồng thời dành 700 tỷ euro để bình ổn hệ thống ngân hàng.

Thế nhưng, EU hầu như chưa thể làm gì để giải quyết những tác động của cuộc khủng hoảng nói trên về mặt xã hội, với trên 26 triệu người bị thất nghiệp trên toàn EU. Tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và một số vùng ở Italy và Bồ Đào Nha, cứ hai thanh niên thì một người không có việc làm.

Tình trạng thất nghiệp hiện nay đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình và bạo động ở miền Nam châu Âu, nguy hiểm hơn làm dấy lên nguy cơ bất ổn xã hội trên diện rộng như tình trạng phạm tội và tấn công chống người nhập cư gia tăng.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, Chủ tịch Schulz nói rằng chúng ta đã "cứu được các ngân hàng nhưng đang có nguy cơ để mất cả một thế hệ." Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với EU là người dân hoàn toàn mất lòng tin vào khả năng giải quyết vấn đề của EU. Theo quan điểm của ông, nếu thế hệ trẻ đang mất lòng tin, thì EU thực sự đang "lâm nguy."

Số liệu công bố hồi tuần trước cho hay 57% số người Hy Lạp tuổi từ 15-24 hiện thất nghiệp, trong khi phần đông người tốt nghiệp đại học ở độ tuổi 30 tại Tây Ban Nha chưa từng có việc làm. Các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU dự kiến sẽ thảo luận những tác động của cuộc khủng hoảng nợ tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 14-15/3 tới.

Giới phân tích cho rằng sáng kiến (trị giá 6 tỷ euro) nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu (trong đó có kế hoạch đảm bảo việc làm cho giới trẻ) và ngăn chặn nguy cơ không có việc làm suốt đời là "quá ít và quá trễ."

Trong 40 năm qua, thu nhập không ngừng tăng ở những nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp Italy và Bồ Đào Nha, đã cho phép các gia đình thuộc tầng lớp lao động có thể đầu tư nhiều hơn bao giờ hết cho giáo dục.

Khả năng giới trẻ có thể nghiên cứu và làm việc tại bất kỳ nơi nào ở châu Âu trong khuôn khổ ý tưởng thị trường chung EU cũng hứa hẹn đem lại cơ hội tốt hơn cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ và khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng ở Eurozone đã khiến cho những triển vọng này không trở thành hiện thực đối với hàng triệu người trẻ tuổi.