Đánh giá tình hình kinh tế Mỹ 2016 và dự báo năm 2017

Theo ncif.gov.vn

Kinh tế Mỹ năm 2016 tiếp tục diễn biến phức tạp trong bối cảnh các nhà chức trách đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tốc độ tăng trưởng GDP thường niên quý I/2016 của Mỹ chỉ tăng 0,8% – mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ quý I/2014 (tăng 0,9%) và thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,4% trong quý  IV/2015 cũng như dự báo tăng 0,7% của các chuyên gia. Hầu hết các ngành và lĩnh vực của Mỹ đều ghi nhận mức tăng trưởng yếu, trừ điểm sáng duy nhất là thị trường nhà đất.

Tăng trưởng quý II/2016 cũng chỉ đạt 1,2% - thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,6% trước đó. Năng suất lao động trong ngành chế tác giảm 0,2% trong quý II. Tổng giá trị lượng hàng hóa trong kho của các doanh nghiệp giảm 8,1 tỷ USD, từ mức tăng 40,7 tỷ USD trong quý I/2016, đây là lần giảm đầu tiên từ quý III/2011.

Hậu quả là đầu tư của doanh doanh nghiệp vào hàng hóa đã làm giảm 1,16 điểm % vào mức GDP của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo sản lượng các doanh nghiệp sẽ tăng nửa cuối năm 2016 do các nguy cơ trong ngắn hạn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ đã được loại bỏ.

Chi tiêu của người tiêu dùng, yếu tố đóng góp hơn 70% vào hoạt động của nền kinh tế Mỹ tăng tới 4,2% trong quý II/2016, mức tăng cao nhất kể từ quý cuối năm 2014. Tỉ lệ lạm phát thấp và tỉ lệ thất nghiệp được cải thiện (4,9% trong tháng 7/2016).

Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) nhận định rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ từ sau cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh đã giảm bớt và những nguy cơ ngắn hạn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ lắng dịu; chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ đang tăng mạnh, mức sử dụng lao động cũng gia tăng. IMF (7/2016) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2016 đạt 2,2%, thấp hơn so với mức 2,4% năm 2015.

Sự kiện Brexit đã khiến Mỹ phải trì hoãn chính sách nâng lãi suất. Trong cuối họp cuối tháng 7 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất cho vay ở biên độ từ 0,25-0,5%.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất trong  cuối năm nếu tình hình diễn biến tích cực hơn. Sự kiện Brexit cũng đã khiến cho đồng đô la Mỹ tăng giá so với một số đồng tiền khác, đặc biệt là bảng Anh và EUR.

Tỉ giá đồng USD trong 7 tháng đầu năm suy giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới sau những tin tức không khả quan của tình hình kinh tế Mỹ và quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản của FED.

Chỉ số USD Index tháng 1/2016 dao động ở mức từ 98-99 điểm đã sụt giảm xuống mức 96 điểm trong tháng 2 và tiếp tục suy giảm xuống khoảng 95-94 điểm trong tháng 3 và  4/2016.

Kinh tế Mỹ dự báo sẽ cải thiện tốt hơn trong năm 2017 do các yếu tố cản trở đà tăng trưởng sẽ yếu dần. Những dấu hiệu cải thiện về nhịp độ hoạt động kinh tế gần đây chỉ ra rằng tác động tiêu cực của việc đồng đô la tăng giá và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thấp đang mờ dần.

Bất chấp những tác động kéo dài của việc đồng USD tăng giá và nhu cầu toàn cầu yếu, xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ vẫn tăng, giúp thu hẹp mức thâm hụt thương mại. Tác động của sự kiện Brexit đối với nền kinh tế Mỹ có thể không quá lớn do việc lãi suất trái phiếu giảm và việc nâng lãi suất của FED bị trì hoãn sẽ bù đắp cho việc đồng đô la mạnh lên và lòng tin kinh doanh giảm. IMF (7/2016) dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ đạt 2,5% trong năm 2017.

Trong ngắn và trung hạn, sự kiện Brexit có thể khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp chuyển hướng từ trái phiếu chính phủ Anh sang Mỹ. Bất ổn đối với nền kinh tế Anh khiến cho một số cơ quan đánh giá tín dụng cho rằng việc này có thể khiến họ phải đánh giá lại tình trạng của các trái phiếu chính phủ Anh, và thậm chí có thể phải giảm xếp hạng tín nhiệm đối với loại trái phiếu này.

Đây là hậu quả tất yếu của việc chi phí đi vay của chính phủ Anh sẽ tăng lên. Ngay cả khi các cơ quan đánh giá tín dụng không chính thức giảm xếp hạng tín nhiệm, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cũng sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại và giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ Anh.

Dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ chuyển hướng từ thị trường Anh sang các nước khác, chủ yếu là các nước phát triển với rủi ro thấp hơn như Mỹ và Đức. Các công ty của Mỹ có trụ sở tại Anh có thể sẽ cân nhắc việc chuyển hướng sang đầu tư tại các nước khác thuộc EU (như Đức) do nước Anh sẽ không còn đặc quyền tiếp cận tự do đối với thị trường EU nếu như Anh rời khỏi thị trường này.