Đặt niềm tin vào chủ nghĩa khu vực mới

Theo dạibieunhandan.vn

(Tài chính) Diễn ra tại Thủ đô Jakarta của Indonesia các ngày 19 - 21/4, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2015 (gọi tắt là WEF Đông Á 2015) lựa chọn chủ đề “Đặt niềm tin vào chủ nghĩa khu vực mới của Đông Á”. Sự kiện này thu hút khoảng 700 quan chức, lãnh đạo các tập đoàn, đại diện các tổ chức quốc tế... đến từ hơn 40 quốc gia, trong đó có 180 CEO và Chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn.

 Đặt niềm tin vào chủ nghĩa khu vực mới
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
WEF Đông Á 2015 tập trung thảo luận các nội dung: Xác định các giải pháp tiềm năng để giải quyết những thách thức xã hội; tìm hiểu cơ hội và nguyên nhân tác động đến tăng trưởng kinh tế khu vực trong bối cảnh kinh tế mới (đổi mới công nghệ, tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mới hoặc tính bền vững về môi trường và xã hội); rà soát sự tiến bộ trong hợp tác khu vực, thảo luận và đề ra phương hướng giải quyết 10 thách thức toàn cầu thông qua hợp tác nhiều bên và quan hệ đối tác công - tư; tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác khu vực. Tại diễn đàn, các nhà lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế và tập đoàn kinh tế lớn cũng phân tích, đánh giá những thay đổi chính trị và xã hội trên toàn thế giới, đồng thời cân nhắc về các vấn đề liên quan đến thương mại tư nhân, quốc gia và khu vực cũng như vấn đề đầu tư mang tầm quốc tế.

Diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh Đông Á, khu vực đông dân nhất thế giới tiếp tục là khu vực phát triển nhanh nhất của kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng trung bình dự kiến duy trì là trên 7% trong năm 2015. Khu vực này có một số nền kinh tế thịnh vượng của thế giới như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Đông Á đang tiếp tục được tăng thêm sức mạnh nhờ một số thị trường mới nổi, như Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Khẳng định thành công kinh tế này, khu vực đang chuẩn bị cho sự ra mắt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, báo trước một kỷ nguyên mới về thị trường hàng hóa và dịch vụ tự do của 10 quốc gia với hơn 600 triệu người.

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, WEF tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tôn giáo, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latin, Hội nghị WEF về Trung Đông... Các diễn đàn khu vực là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực. Được coi là “Diễn đàn Davos của châu Á”, Diễn đàn WEF về Đông Á, là hội nghị thường niên, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm giải pháp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy tiến trình hội nhập của khu vực Đông Á.

Với 18 nền kinh tế (7 nền kinh tế Đông Bắc Á và 11 nền kinh tế Đông Nam Á), từ lâu Đông Á đã được xem là một trong những động lực tăng trưởng của thế giới. Chiếm tới 1/4 GDP toàn cầu (tương đương 13.000 tỷ USD) và 2,15 tỷ người (khoảng 1/3 dân số thế giới), Đông Á cũng chiếm tới gần 30% tổng thương mại và hằng năm thu hút gần 1/3 tổng FDI toàn cầu. Đây là khu vực có hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới (sau Mỹ) là Nhật Bản và Trung Quốc. Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng GDP của các nước khu vực Đông Á khá ổn định trong năm 2014 với mức 7,1%, trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Kể từ năm 1989, WEF thường mời Việt Nam tham dự các Hội nghị thường niên tại Davos và các Hội nghị của WEF về Đông Á. Ở các kỳ hội nghị tiếp theo của WEF, Việt Nam đều tham dự ở cấp cao. Sự tham gia của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gây được ấn tượng mạnh mẽ trong các thành viên của WEF. Gần đây nhất, tại WEF Đông Á 2014, đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu và đã có những đóng góp quan trọng vào các nội dung quan trọng như đổi mới kinh tế, hội nhập và liên kết khu vực, phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức phát triển; quảng bá vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, tìm hiểu các xu thế phát triển của kinh tế thế giới; khu vực và tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF.