Đầu năm 2015: Kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu tích cực

Theo taichinhdientu.vn

(Tài chính) Tại Mỹ sản xuất tăng khá, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, lạm phát lõi khá ổn định. FED hai lần liên tiếp phát tín hiệu chưa sẵn sàng tăng lãi suất đồng USD (ít nhất cho tới tháng 6/2015), tăng trưởng Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi sau hai quý liên tiếp suy giảm, giá dầu có cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng giảm phát, đầu tư suy yếu ở một số quốc gia, khó khăn của nền kinh tế Nga và Hy Lạp, bất ổn ở Ukraina vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với phục hồi của kinh tế thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mỹ: Tháng 2/2015, chỉ số PMI của Mỹ đạt 54,3 điểm, tăng nhẹ so với tháng 1/2015 (53,9 điểm); giá trị sản xuất (manufacturing production) tăng 5,6% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong 4 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp 5,7% (tháng 1/2015), gần như thấp nhất kể từ năm 2009. Mặc dù lạm phát âm trong tháng 1/2015 do sự suy giảm của giá dầu và lương thực, song lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức 1,6%1. Tuy nhiên, trước các biến động của kinh tế thế giới và trong nước, FED vẫn có ý định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong thời gian dài hơn.

Châu Âu: Tình trạng giảm phát và tình hình căng thẳng ở Hy Lạp là mối đe dọa phục hồi kinh tế của khu vực này. Tháng 1, giá tiêu dùng của khu vực đồng Euro giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái (mặc dù có cao hơn mức âm 0,2% trong tháng 12) chủ yếu do giá năng lượng giảm mạnh2. Theo đó trong tháng 1, Đức chính thức rơi vào giảm phát khi giá tiêu dùng giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái; Tây Ban Nha với tỷ lệ lạm phát xuống âm 1,5%. Hy Lạp, đang đối mặt với nhiều bất ổn khi người dân ồ ạt rút vốn khỏi ngân hàng, đầu tư suy yếu và nguồn thu thuế giảm mạnh; S&P hạ 1 bậc xếp hạng tín nhiệm xuống B- (mức rủi ro cao); Moody's cũng đặt Hy Lạp vào diện hạ xếp hạng xuống mức Caa1.

Nhật Bản: Tăng trưởng phục hồi trở lại vào quý 4/2015 sau 2 quý liên tiếp trước đó suy giảm. Trong tháng 2/2015, khu vực sản xuất Nhật Bản có dấu hiệu tốt hơn; chỉ số PMI đạt 51,5 điểm; chỉ số sản lượng sản xuất tăng 0,3% so với cùng kỳ, tuy còn rất thấp nhưng đã tăng trở lại sau 2 tháng liên tiếp suy giảm trước đó3. Tuy nhiên, nền kinh tế này vẫn còn nhiều bất định. Tỷ lệ lạm phát thấp hơn dự báo; chỉ số giá tiêu dùng cơ bản, không tính giá thực phẩm tươi sống, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12, thấp hơn mức tăng 2,7% của tháng trước đó. Như vậy, Nhật Bản đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn là vực nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái và ngăn chặn nguy cơ giảm phát.

Trung Quốc: Chỉ số PMI sản xuất tháng 1 phục hồi lên mức 50,1 điểm cao nhất trong vòng 4 tháng sau khi sụt giảm xuống mức 49,8 điểm của tháng trước. Tuy nhiên, mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng lĩnh vực sản xuất nhìn chung vẫn còn tăng trưởng chậm. Để tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống còn 19,5%, tương đương với việc bơm khoảng 500 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng. Chính phủ tăng cường giải pháp thúc đẩy kinh tế như cắt giảm thuế, tăng chi tiêu Chính phủ.

Giá hàng hóa thế giới dần ổn định hơn: Giá dầu thô đã hồi phục và tăng lên khoảng 60 USD/thùng trong tháng 2 sau khi giảm 60% xuống mức trung bình 45 USD/thùng trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 1/2015. Tuy nhiên, giá lương thực vẫn giữ xu hướng giảm do nông nghiệp được mùa. Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu trong tháng 1/2015 giảm 1,9% so với tháng trước; trong đó, giá gạo giảm 1%. Năm 2015, Ngân hàng thế giới dự báo giá năng lượng trong năm giảm 40,5%, giá ngũ cốc giảm 3,7%, nguyên liệu thô giảm 6%.