Đầu tư Nhật Bản đang chuyển hướng từ Trung Quốc vào Đông Nam Á

Theo Gafin.vn

Lao động rẻ, thị trường tiềm năng và ít rủi ro thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn nữa vào các nước ASEAN.

Đầu tư Nhật Bản đang chuyển hướng từ Trung Quốc vào Đông Nam Á
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản do lo ngại rủi ro sản xuất và kinh doanh tại thị trường Trung Quốc đã bắt đầu chuyển dần sang thị trường mới nổi Đông Nam Á.

Con số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào 10 nước ASEAN tăng gấp đôi trong năm 2011 lên hơn 1,5 nghìn tỷ yên (gần 20 tỷ USD), theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản.

Cũng tăng nhưng đầu tư FDI ròng của Nhật Bản vào Trung Quốc chỉ lên 60% trong năm 2011 đạt mức 1 nghìn tỷ yên (gần 13 tỷ USD).

Số liệu mới nhất còn cho thấy đầu tư FDI từ Nhật Bản tới nhiều quốc gia ASEAN tăng mạnh như Việt Nam tăng 2 lần, Thái Lan tăng 3 lần, Campuchia tăng 4 lần và Philippines tăng 2 lần tính tới tháng 10/2012.

Dấu hiệu trên cho thấy các công ty Nhật Bản có xu hướng chuyển đổi dần sang môi trường có chi phí lao động rẻ hơn và nhất là không có những căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ.

Nhật Bản cũng rất nhanh chóng tiếp cận với thị trường tiềm năng mới mở cửa là Myanmar thông qua việc rót hàng tỷ USD cũng như xóa nợ cho quốc gia này.

Tuy nhiên nhân công giá rẻ chưa phải là lý do lớn nhất mà doanh nghiệp Nhật Bản tìm tới Đông Nam Á. Với dân số 600 triệu người, trẻ và có xu hướng tăng, đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng đối với Nhật Bản.

Nhanh chóng nhất là những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô. Nissan dự định xây dựng nhà máy thứ hai của mình tại Thái Lan còn Toyota đang chuẩn bị kế hoạch để xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô thứ ba của mình tại Indonesia để có nhiều hàng hóa cung cấp cho nhu cầu tại chỗ.

Ngoài lợi thế cung cấp dễ dàng cho cầu nội địa, việc xây dựng các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc cũng giúp doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa nơi sản xuất để chia sẻ rủi ro.

Bên cạnh hàng hóa cung cấp cho thị trường này như ô tô, xe máy, đồ điện tử và dịch vụ, Nhật Bản còn nhìn thấy nhiều cơ hội trong phát triển cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh các nước ASEAN tiến tới một khu vực mậu dịch chung, việc kết nối các quốc gia sẽ mang tới nhiều cơ hội trong lĩnh vực xây dựng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tháng trước, Nhật Bản vừa thông báo sẽ cung cấp gói tài trợ trị giá 13 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia, nơi dân số 220 triệu người hứa hẹn là một thị trường tiêu thụ lớn trong tương lai. Myanmar cũng sẽ nhận được nhiều quan tâm tới phát triển đô thị từ phía các ngân hàng và doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhật Bản ngày càng nhìn nhận Đông Nam Á như một thị trường quan trọng và cùng là một công xưởng quan trọng khi chuyển dần dòng đầu tư tới nơi đây.