Đến lượt Nga phải "thắt lưng buộc bụng"

Theo Chinhphu.vn

Theo hãng tin TASS, Chính phủ Nga đã thông qua các chỉ số cơ bản cho ngân sách năm 2016 với các tính chất "thắt lưng buộc bụng", song thích hợp với các điều kiện hiện nay.

Năm 2016, Bộ Tài chính lập kế hoạch vay thị trường trong nước 1,2 nghìn tỉ ruble (gần 20 tỉ USD). Nguồn: internet
Năm 2016, Bộ Tài chính lập kế hoạch vay thị trường trong nước 1,2 nghìn tỉ ruble (gần 20 tỉ USD). Nguồn: internet

Năm nay, Chính phủ Nga thông qua ngân sách một năm, tức là không đưa ra các dự báo cho 2 năm tiếp theo 2017 và 2018.

Ngoài ra, giá dầu trung bình cho 3 năm gần đây cũng không được lấy làm cơ sở để dự trù chi phí tối thiểu của ngân sách.

Bản ngân sách vừa được thông qua cũng sẽ được đệ trình lên Đuma quốc gia Nga (Hạ viện) muộn hơn mọi năm- vào ngày 25/10 thay vì 1/10.

Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, ngân sách 2016 được quyết toán với mức thâm hụt 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó thu giảm 380 tỉ ruble (khoảng hơn 6 tỷ USD), chi tăng 72,5 tỉ ruble (gần 1,2 tỷ USD). Các nguồn chính để bù đắp thâm hụt vẫn là Quỹ Dự phòng.

Trong năm 2016, Bộ Tài chính lập kế hoạch vay thị trường trong nước 1,2 nghìn tỉ ruble (gần 20 tỉ USD), không loại trừ khả năng sẽ phát hành trái phiếu để vay nước ngoài, song chỉ ở mức 2 tỉ so với 7 tỉ USD mọi năm.

Ngân sách 2016 của Nga được quyết toán dựa trên dự báo tăng trưởng kinh tế-xã hội do Bộ Phát triển kinh tế soạn thảo.

Theo đó, tăng trưởng GDP cả năm đạt 0,7% song chỉ đạt mức tăng trưởng dương từ quý 2, sản xuất công nghiệp tăng 0,6%. Bộ cũng chờ đợi lạm phát sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015, lên 6,4%, giá dầu - 50 USD/thùng.

Tỉ giá trung bình đồng USD so với đồng ruble ở mức 63,3 ruble/1 USD. Lĩnh vực đáng lo ngại nhất trong nền kinh tế Nga năm 2016 là đầu tư, chỉ ở mức 9,9%, các kế hoạch đều bị hoãn lại dài hạn

Bộ Phát triển kinh tế Nga cũng chuẩn bị một kịch bản bi quan cho trường hợp giá dầu xuống đến mức 40 USD/thùng, khi đó lạm phát sẽ ở mức 8,3%, GDP sẽ suy giảm ở mức âm 1%.