Deutsche Bank là Lehman Brothers kế tiếp hay là nạn nhân của chính mình?

Theo enternews.vn/CNBC

Quỹ Tiền tệ Quốc tế có thể đang coi Deutsche Bank là nguồn rủi ro lớn nhất đang ngấm dần vào hệ thống ngân hàng toàn cầu, nhưng nhiều chuyên gia và các nhà phân tích trong ngành tài chính lại đang so sánh ngân hàng này với sự sụp đổ của Lehman Brothers tám năm trước đây.

Tài sản thanh khoản cao của Deutsche Bank dùng để dự phòng trong những trường hợp căng thẳng vấn còn cao hơn nhiều so với Lehman Brothers trước đây.
Tài sản thanh khoản cao của Deutsche Bank dùng để dự phòng trong những trường hợp căng thẳng vấn còn cao hơn nhiều so với Lehman Brothers trước đây.

“Tôi nghĩ Deutsche có vấn đề về khả năng tồn tại của mô hình kinh doanh, ngân hàng này không gặp vấn đề về vốn trong tương lai gần,” Stuart Graham, CEO của công ty nghiên cứu tài chính độc lập Autonomous, viết trong một bản báo cáo hôm thứ Năm.

Đã có những lo ngại rằng Deutsche Bank sẽ phải tăng vốn lên sau khi Bộ Tư Pháp gợi ý rằng ngân hàng này sẽ phải chi khoảng 14 tỷ USD để giải quyết một số cuộc điều tra liên quan tới hoạt động cầm cố chứng khoán.

Những lo lắng đầu tiên về ngân hàng Deutsche Bank đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay, sau khi một số nhà đầu tư công khai nêu ra những quan ngại về hoạt động kinh doanh của ngân hàng này dính tới lĩnh vực năng lượng và nguy cơ thiếu tiền mặt.

Deutsche là ngân hàng lớn nhất nước Đức tính đến thời điểm này. Họ có tài sản trên sổ sách được định giá 1.800 tỉ EUR, tương đương 2.000 tỉ USD. Số tiền trên tương đương hơn một nửa kích thước kinh tế Đức. Vì vậy chuyện nhà băng hàng đầu trong nền kinh tế lớn nhất, mạnh nhất châu Âu gặp khó sẽ ảnh hưởng đến các thị trường toàn cầu.

Tới ngày thứ Năm vừa qua thì giá trị cổ phiếu của Deutsche Bank đã bị giảm mạnh, sau khi một báo cáo của Bloomberg cho biết rằng một số quỹ đầu cơ nhỏ đang tìm cách rút bớt khoản đầu tư ra khỏi ngân hàng Đức. Tuy nhiên, ngân hàng Deutsche Bank nói rằng đó là “đặc thù” khi làm ăn với các quỹ đầu cơ.

Dù vậy, các nhà phân tích lại nói về bản cân đối tài chính và khả năng dự trữ thanh khoản tại ngân hàng Đức, và việc tái cân bằng đã xảy ra ở Châu Âu trong mấy năm trở lại đây.

Nếu nhìn vào báo cáo tài chính quý II vừa qua, được công bố vào tháng Bảy, lượng dự trữ thanh khoản của Deutsche Bank ở vào khoảng 220 tỷ euro (khoảng 246 tỷ USD), và tỷ lệ thanh khoản an toàn là 120%.

Tỷ lệ thanh khoản an toàn là biện pháp chính sách được đặt ra để đảm bảo các ngân hàng sẽ có một lượng tài sản thanh khoản cao, có thể được bán đi mà không bị lỗ để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu 30 ngày thanh khoản trong tình trạng căng thẳng.

“Tính đến quý IV năm 2015, 94% lượng dự trữ thanh khoản của Deutsche Bank là được tạo trên tài sản thanh khoản cao. Trở lại lịch sử, lượng dự trữ thanh khoản của Lehman năm 2007 chỉ vào khoảng 45 tỷ USD, trong khi của Deutsche Bank là 65 tỷ euro. Kể từ đó rất nhiều thứ đã thay đổi tốt hơn,” ông Graham viết trong báo cáo của mình.

Một bài nhà phân tích khác thì cho rằng Chính phủ Đức sẽ can thiệp vào Deutsche Bank, dù co nhiều nhà làm luật tại Đức đã tiếp tục phủ nhận điều đó trong tuần này. Gildas Surry, chuyên gia phân tích cao cấp tại Axiom Alternative Investment, nói rằng đã có nhiều tiêu đề bài báo được thổi phồng quá mức về chủ đề này, và ông gợi ý rằng Deutsche Bank chỉ là nạn nhân của chính những gì ngân hàng công bố, trong khi các ngân hàng Mỹ thì không buộc phải tuân theo những quy định về minh bạch giống như vậy.

Chính vì vậy, ông Surry đồng ý với quan điểm rằng cổ phiếu của Deutsche Bank đã bị định giá quá thấp và đang trở thành hàng “hot” được săn lùng.

Guy de Blonay, giám đốc của công ty quản lý tài sản Jupiter Asset Management, thì cho rằng vấn đề thanh khoản là “không có”, và nói rằng các nhà hoạch định chính sách đã làm quá lên trong vài năm qua để giải quyết những rủi ro tiềm ẩn của ngân hàng.

Ngân hàng Goldman Sachs hôm thứ Năm cũng đã nhắc lại rằng khả năng thanh khoản ở Deutsche Bank là ổn định, đồng thời nhấn mạnh rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu luôn có sẵn tiền để cho các ngân hàng vay với mức lãi suất thấp kỷ lục.

Trong khi đó, Capital Economics – một công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô – cũng khẳng định rằng các vấn đề của Deutsche Bank không thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng rộng hơn. Công ty này nói Deutsche Bank không phải là Lehman Brother tiếp theo trong hệ thống tài chính toàn cầu, và những vấn đề đó cũng không thể tạo ra một cuộc suy thoái cho Đức.

“Nhưng những diễn biến gần đây đã tô đậm thêm tính dễ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng khu vực đồng tiền chung Châu Âu và một lần nữa cho thấy rằng tăng trưởng tín dụng yếu sẽ tiếp tục đè gánh nặng lên viễn cảnh khu vực này,” Capital Economics kết luận trong một báo cáo hôm thứ Năm.