Điểm lại thông tin tài chính-kinh tế thế giới nổi bật từ ngày 08-12/05/2017

PV. (Tổng hợp)

Kinh tế - tài chính thế giới tuần qua tiếp tục có nhiều nhấn đáng chú ý. Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại một số sự kiện quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

11 quốc gia thuộc OPEC tiếp tục thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng khai thác dầu

11 quốc gia thuộc OPEC tiếp tục thực hiện đúng cam kết cắt giảm sản lượng khai thác nhằm ổn định thị trường và khôi phục giá dầu mỏ.

Cụ thể, so với thời điểm tháng 10/2016: Các nước OPEC đã giảm khai thác mỗi ngày 1,095 triệu thùng, từ 30,769 triệu thùng/ngày xuống 29,674 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia đã giảm sản lượng khai thác mỗi ngày khoảng 612 nghìn thùng xuống 9,954 triệu thùng/ngày (hoàn thành 131% hạn ngạch là 468 nghìn thùng/ngày).

Iraq - nhà sản xuất lớn thứ hai sau Saudi Arabia, đã giảm sản lượng khai thác mỗi ngày 198 nghìn thùng xuống 4,373 triệu thùng/ngày (hoàn thành 94% hạn ngạch 210 nghìn thùng/ngày). Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) giảm sản lượng khai thác mỗi ngày 226 nghìn thùng xuống 2,842 triệu thùng/ngày (hoàn thành 163% hạn ngạch 139 nghìn thùng/ngày). 

IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 lên 5,5%
Trong tháng 4/2017, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 lên 5,5%, từ mức 5,4% dự báo hồi tháng 10.
Mặc dù vậy, theo IMF triển vọng kinh tế của khu vực châu Á có nhiều rủi ro suy  giảm tăng trưởng, do nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và khả năng có thêm nhiều chính sách thương mại theo trường phái bảo hộ, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ đạt 4,9% trong năm 2017
Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 , tốc độ tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ đạt 4,9% trong năm 2017 và 5,1% trong năm 2018, nhờ sự phát triển nhanh của các nước như Việt Nam và Philippines. Năm 2017 và 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6%; Philippines đạt 7% và Myanmar đạt trên 7%.
Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 6%, Nhật Bản đạt 1%. Những khó khăn, thách thức đối với các nền kinh tế trong khu vực đến từ chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, việc FED tăng lãi suất, lạm phát tăng.

Đồng USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực mở rộng thị trường ra nước ngoài của các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Theo chuyên gia của Diễn đàn Sáng tạo toàn cầu, các chính sách thương mại của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và việc đồng USD mạnh lên sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực mở rộng thị trường ra nước ngoài của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Hàng hóa sẽ đắt hơn, kém tính cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại của các đối thủ khác trên thị trường quốc tế.