Điểm nhấn tài chính-kinh tế quốc tế nổi bật tuần từ 15-19/5/2017

PV. (Tổng hợp)

Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại những điểm nhấn về kinh tế - tài chính thế giới gây được sự chú ý tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khởi sắc trong 6 tháng

Theo báo cáo Tình hình và Triển vọng kinh tế thế giới của Liên Hợp quốc dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 2,7% trong năm 2017 và 2,9% trong năm 2018, không thay đổi so với dự báo đưa ra vào tháng 01/2017, cao hơn so với mức tăng 2,3% trong năm 2016.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khởi sắc trong 6 tháng qua, trong đó Đông Á và Nam Á tiếp tục là hai khu vực phát triển năng động nhất thế giới.

Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,06 điểm
Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,06 điểm (0,1%). Cụ thể, trong ngày giao dịch cuối tuần (19/5/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:  Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 2,28 điểm (0,12%) lên 3.092,42 điểm; Kospi (Hàn Quốc) tăng 6,5 điểm (0,2%) lên 2.291,79 điểm; Hang Seng (Hong Kong) tăng 38,25 điểm (0,15%) lên 25.174,87 điểm; S&P/ASX 200 (Australia) tăng 36,29 điểm (0,63%) xuống 5.763,7 điểm; Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 36,9 điểm (0,19%) lên 19.590,76 điểm.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trên đà phục hồi trong năm 2017
Đó là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA vừa được đưa ra mới đây. Theo cơ quan này, hiện cung - cầu trên thị trường đang tiến gần đến sự cân bằng, do tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp, trong khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai khác dầu mỏ của các nước trong và ngoài OPEC có thể được kéo dài đến hết năm 2017. Tuy nhiên, sự gia tăng nguồn cung từ Hoa Kỳ có thể làm giảm hiệu quả của thỏa thuận này đối với thị trường dầu mỏ thế giới.
FDI hai chiều giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2016 đạt mức cao kỷ lục 
Theo báo cáo chung của Tổ chức Rhodium và Ủy ban Quốc gia về quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc của Trung Quốc, FDI hai chiều giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm 2016 đạt mức cao kỷ lục, hơn 60 tỷ USD.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2016, giá trị các giao dịch FDI của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đạt hơn 240 tỷ USD, trong khi giá trị FDI của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đạt hơn 110 tỷ USD, riêng trong năm 2016, số tiền các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ đạt kỷ lục với 46 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2015 và gấp 10 lần so với 5 năm trước.