Diễn biến kinh tế thế giới và xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô

NHÓM NGHIÊN CỨU TÀI CHÍNH QUỐC TẾ* - Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính

(Tài chính) Khép lại 7 tháng đầu năm 2014, các tổ chức quốc tế nhận định, mặc dù kinh tế thế giới đã và đang có những tín hiệu phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn không ít rủi ro, thách thức bởi những bất ổn về địa chính trị ở Trung Đông, Biển Đông… Trước tình hình đó đòi hỏi các nước cần phải điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô để bảo đảm “sức khỏe” kinh tế thế giới ổn định và bền vững hơn.

Nhìn lại kinh tế thế giới 7 tháng năm 2014

Tại các nước phát triển, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ được hồi phục do thị trường trong nước được cải thiện cùng với sự phục hồi của thị trường lao động. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) (tháng 7) dự báo tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển tăng từ 1,3% năm 2013, lên mức 1,8% trong năm 2014 và 2,4% trong năm 2015.

- Kinh tế Mỹ: tăng trưởng GDP quý II/2014 đạt 4,0%, tăng so với mức -2,1% của quý I/2014. Nếu như trong quý I/2014, GDP của Mỹ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, sự sụt giảm của xuất khẩu, đầu tư cố định của người phi cư trú cùng với sự sụt giảm của đầu tư hàng tồn kho và chi tiêu chính quyền các bang và địa phương. Sang quý II/2014, đầu tư hàng tồn kho đã được hồi phục, xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tư nhân đã được cải thiện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong quý II đã tăng 2,5% so với mức 1,2% của quý I. Đầu tư cố định của người phi cư trú cũng đã tăng từ mức 1,6% của quý I, lên mức 5,5% trong quý II, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng tăng 9,5%. Trong tháng 5 và 6/2014, chỉ số sản xuất duy trì ở mức trên 50 điểm cho thấy, ngành sản xuất vẫn tăng trưởng, chỉ số niềm tin tiêu dùng đạt mức 85,2 điểm. Đây được xem là chỉ số cao nhất kể từ tháng 1/2008, khi thị trường lao động được cải thiện cùng với những tín hiệu tích cực từ giá cổ phiếu và giá nhà tăng. IMF (tháng 7) đưa ra dự báo, GDP của Mỹ sẽ đạt mức 1,7% trong năm 2014 và 3,0% trong năm 2015.

- Kinh tế khu vực đồng Euro: GDP quý I/2014 đạt 0,2%, không thay đổi so với quý IV/2013. Tăng trưởng quý I có được chủ yếu là do cầu trong nước và sự thay đổi của hàng tồn kho. Trong tháng 5 và 6/2014, chỉ số quản lý thu mua vẫn ở trên mức 50 điểm nhưng đã giảm từ mức 53,5 điểm trong tháng 5, xuống còn 52,8 điểm trong tháng 6, sản xuất công nghiệp trong tháng 4 đã tăng 0,8%. Tuy nhiên, sang tháng 5/2014 đã giảm 1,1%, là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn tiếp chiều hướng phục hồi nhưng với tốc độ chậm. IMF (tháng 7) dự báo, GDP tại khu vực đồng Euro đạt 1,1% trong năm 2014 và 1,5% trong năm 2015.

- Kinh tế Nhật Bản: GDP quý I/2014 đạt 1,6%, tăng so với mức 0,2% của quý IV/2013. Tăng trưởng quý I đạt được chủ yếu là do chi tiêu tiêu dùng tăng (kết quả của kế hoạch thuế tiêu dùng tăng từ tháng 4/2014). Trong tháng 4, niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh nhưng sau đó đã hồi phục. Chỉ số quản lý thu mua đã tăng từ mức 49,9 điểm trong tháng 5 lên 51,5 điểm trong tháng 6/2014. GDP của Nhật Bản được IMF (tháng 7) dự báo đạt 1,6% và 1,1% lần lượt trong năm 2014 và 2015.

Diễn biến kinh tế thế giới và xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô - Ảnh 1

- Tại các nước mới nổi và đang phát triển: Theo Ngân hàng Thế giới (WB) (tháng 6) thì sự hồi phục tại các nước phát triển sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tại các nước đang phát triển thông qua kênh thương mại. Tuy nhiên, kinh tế tại các nước đang phát triển được đánh giá là đã hồi phục hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng toàn cầu và đang lấy lại đà tăng trưởng gần với mức tiềm năng. Cùng với đó là điều kiện tài chính toàn cầu trong trung hạn sẽ có xu hướng thắt chặt, xu hướng tiến dần tới chính sách trung lập tại các nước đang phát triển sẽ là những nhân tố kìm hãm tốc độ tăng trưởng tại các nước này. IMF (tháng 7) dự báo GDP tại các nước đang phát triển đạt 4,6% và 5,2% trong năm 2014 và 2015 (giảm 0,2% và 0,1% so với dự báo tháng 4/2014).

- Kinh tế Trung Quốc: GDP quý II/2014 đạt 7,5%, tăng 0,1% so với mức 7,4% của quý I/2014, do tiêu dùng ổn định và cầu bên ngoài tăng. Một số chỉ tiêu được cải thiện như sản xuất công nghiệp tăng 8,8% trong quý II (tăng so với mức 8,7% của quý I), dịch vụ tăng 8,0% (tăng so với mức 7,8% của quý I), doanh số bán lẻ tăng 10,8%... Điều này, cho thấy, cầu tiêu dùng tăng, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng tăng tuy nhiên, chỉ số về bất động sản vẫn còn yếu. Do chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có thể không bền vững trong dài hạn, sản xuất công nghiệp và đầu tư cố định giảm nên tăng trưởng của Trung Quốc có thể chậm lại trong năm 2014. Theo IMF (tháng 7/2014), GDP của Trung Quốc được dự báo đạt 7,4% và 7,1% lần lượt trong năm 2014 và 2015 (giảm 0,2% so với dự báo tháng 4/2014).

- Kinh tế Ấn Độ: GDP của nước này giảm từ mức 4,7% trong quý IV/2013 và xuống còn 4,6% trong quý I/2014. IMF (tháng 7) cho rằng các hoạt động kinh tế của Ấn Độ sẽ lấy lại đà tăng trưởng sau cuộc bầu cử, với GDP đạt 5,4% và 6,4% trong năm 2014 và 2015 (không thay đổi so với dự báo tháng 4).

- Kinh tế Nga: tăng trưởng chậm lại do những căng thẳng địa chính trị tại Ukraina (GDP quý I/2014 ở mức 0,5% giảm so với mức 0,9% của quý IV/2013). Theo IMF (tháng 7), GDP của Nga dự báo đạt 0,2% và 1,0% trong năm 2014 và 2015 (giảm 1,1% và 1,3% so với dự báo tháng 4).

- Kinh tế Brazil: GDP quý I/2014 đạt 0,2%, giảm so với mức 0,4% trong quý IV/2013 chủ yếu là do đầu tư (giảm 2,1%), tiêu dùng của hộ gia đình (giảm 0,1%) và xuất khẩu giảm. Theo IMF (tháng 7), GDP của Brazil đạt 1,3% và 2,0% trong năm 2014 và 2015 (giảm 0,6% so với dự báo tháng 4).

- ASEAN-5 vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với GDP sẽ đạt 4,6% trong năm 2014 và 5,6% năm 2015, nhưng không ổn định, do cầu tiêu dùng ở một số nước giảm và ảnh hưởng của chính sách cấm xuất khẩu khoáng sản thô tại Indonesia cùng với những bất ổn về chính trị tại Thái Lan. IMF (tháng 7) dự báo, GDP khu vực ASEAN-5 đạt 4,6% và 5,6% trong năm 2014 và 2015.

Xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô

Chính sách tài khóa

Trong khi các nước phát triển được nhận định là thâm hụt tài khóa tiếp tục giảm trong năm 2014 và 2015, đặc biệt là một số nước có mức độ giảm đáng kể như Ailen, Tây Ban Nha, Nhật Bản, còn tại khu vực các nước mới nổi (bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil) và phát triển châu Á có chiều hướng gia tăng thâm hụt tài khóa.

Trong bối cảnh trên, các nước tiếp tục tập trung điều hành chính sách tài khóa linh hoạt nhằm đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, thúc đẩy tăng trưởng.

- Mỹ: để đảm bảo ổn định nền kinh tế và thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, tháng 2/2014, Mỹ đã cho phép nâng trần nợ công đến tháng 3/2015. Động thái này đã gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư, gián tiếp tạo hiệu ứng khởi sắc cho nền kinh tế toàn cầu thời gian qua. Tuy nhiên, "không gian tài khóa" của Mỹ đang dự báo là rất hạn chế và áp lực tăng chi tiêu tiếp tục là thách thức cho công tác điều hành ngân sách. IMF (tháng 4/2014) dự báo nợ công của Mỹ năm 2014 đạt 105,7% GDP, tăng 1,2% GDP so với năm 2013.

- Nhật Bản: việc tăng thuế tiêu dùng cho thấy nước này đang đặt trọng tâm vào các mục tiêu ổn định ngân sách, giảm nợ công.

- Hàn Quốc: tiếp tục duy trì các gói kích thích kinh tế, thực hiện hỗ trợ hệ thống an sinh xã hội và áp dụng các công cụ chính sách mới để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

- Khu vực đồng Euro: các quốc gia trong khối này sử dụng chính sách tài khóa trung lập. Tuy nhiên, một số thành viên khác vẫn đang duy trì chính sách tài khóa thắt chặt ở mức độ vừa phải để vừa củng cố tình hình tài khóa vừa không ảnh hưởng đến tăng trưởng. Theo IMF, nợ công của Pháp dự báo đạt 95,8% GDP trong năm 2014, nợ công của Tây Ban Nha có mức độ gia tăng nhiều hơn khi đạt mức 98,8% GDP trong năm 2014, tăng gần 5% GDP so với năm 2013 và đạt mức 102% GDP trong năm 2015.

- Các nước mới nổi và đang phát triển: Các nước này thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện tính minh bạch của các hoạt động tài chính, cải thiện thị trường lao động.

Chính sách tiền tệ

Nhóm các nước phát triển có xu hướng phân hóa trong điều hành chính sách tiền tệ, do nền kinh tế Mỹ đã hồi phục nhanh hơn các nước phát triển khác. Nhóm các nước đang phát triển điều hành chính sách tiền tệ theo những xu hướng trái ngược nhau.

Tại Mỹ, trước những số liệu khả quan về tăng trưởng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu có dấu hiệu củng cố lại chính sách tiền tệ thông qua việc thu hẹp quy mô gói nới lỏng định lượng, điều này đã đẩy lãi suất trái phiếu quốc tế tăng. Quy mô gói nới lỏng định lượng QE3 tiếp tục được thu hẹp từ mức 45 tỷ xuống còn 35 tỷ USD sau những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế. Đó là, thất nghiệp duy trì ở mức thấp (6,3%), tiêu dùng tăng và có khả năng sẽ kết thúc trong năm 2014.

Tại Liên minh châu Âu (EU), mặc dù lãi suất điều hành vẫn ở mức thấp nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục giảm do các ngân hàng duy trì tiêu chuẩn các khoản vay cao và nhu cầu tín dụng vẫn chưa phục hồi. Trong khi đó, một số quốc gia xuất hiện nguy cơ giảm phát. Kỳ vọng lạm phát giảm có thể tác động tiêu cực đến cầu tiêu dùng, gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng. Trước diễn biến phức tạp về lạm phát Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 5/6 đã có động thái cắt giảm lãi suất xuống mức -0,1% và là NHTW đầu tiên đưa ra mức lãi suất âm, một số các quốc gia khác như Hunggary, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển đều hạ lãi suất điều hành trong tháng 06/2014, nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng.

Nhật Bản vẫn duy trì quy mô hỗ trợ thanh khoản trên thị trường tiền tệ nhằm tạo động lực cho tăng trưởng.

Một số quốc gia đã bắt đầu nâng lãi suất điều hành để đối phó với hiện tượng lạm phát đang có xu hướng tăng (Brazil, Ấn Độ), trong khi một số nước vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để duy trì đà tăng trưởng (Trung Quốc).

*Nhóm nghiên cứu tài chính quốc tế: ThS. Lê Phương Ninh, ThS. Nguyễn Thị Thùy Minh, ThS. Trần Thị Quỳnh Hoa, ThS. Trần Thị Hà, ThS. Vũ Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Phương Thủy


Tài liệu tham khảo:

1. World bank – Global Economic Prospect, tháng 6/2014;

2. IMF - World Economic Outlook update, tháng 7/2014;

3. ADB - Asian Development Outlook supplement, tháng 7/2014;

4. ECB - Monthly Bulletin Report, tháng 7/2014;

5. IMF- Commodity Market Monthly (11/7/2014);

6. http://www.tradingeconomics.com.