Doanh nghiệp Mỹ chờ khai phá Cuba

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau quyết định lịch sử bình thường hóa quan hệ với Cuba của chính quyền Tổng thống Barack Obama, các doanh nghiệp Mỹ đang chờ tới lượt được khai phá tiềm năng kinh tế của quốc đảo tự do sau hơn nửa thế kỷ bị các lệnh trừng phạt chôn vùi.

Doanh nghiệp Mỹ chờ khai phá Cuba
Tuần trước, Tổng thống Obama đã tạo đột phá trong quan hệ với La Havana khi khôi phục lại quan hệ ngoại giao và nới lỏng một số giao dịch thương mại. Nguồn: internet

Tuần trước, Tổng thống Obama đã tạo đột phá trong quan hệ với La Havana khi khôi phục lại quan hệ ngoại giao và nới lỏng một số giao dịch thương mại. Ngay lập tức, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tính toán về tiềm năng chưa được khai phá của thị trường Cuba. Ông Emilio Morales, Chủ tịch Nhóm Tư vấn Havana trụ sở ở Miami, đã dùng từ sóng thần để so sánh lợi ích của các nhà đầu tư, đặc biệt tại Florida - nơi chỉ cách Cuba khoảng 144km - khi tới làm ăn tại quốc đảo này. Theo ông Emilio Morales, không doanh nghiệp nào muốn bỏ lỡ một thị trường hứa hẹn như vậy, nhất là sau 53 năm bị kiềm tỏa. “Nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đang phát điên”.

Trong khi đó, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donahue, cơ quan đại diện cho các tập đoàn và công ty lớn cũng nhận định, trong thời gian tới, làn sóng đầu tư từ Mỹ sẽ lan tới Cuba. Phòng Thương mại Mỹ và các thành viên sẵn sàng tới Cuba làm ăn. Ủy ban các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đánh giá cao triển vọng đầu tư vào thị trường Cuba. Theo cơ quan này, các doanh nghiệp Mỹ - không phân biệt quy mô - có thể tiếp cận thị trường quốc đảo này ở lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ. Lợi thế lớn nhất ở đây là sự gần gũi về địa lý, giúp giảm đáng kể cước vận tải hàng hóa. Các bang nông nghiệp lớn ở Mỹ dự định xuất khẩu sang Cuba các nông phẩm như ngô, lúa mạch, đậu tương… Các đại gia công nghệ tại Thung lũng Silicon cũng háo hức chờ tới quốc đảo láng giềng.

Tuy nhiên, ông Morales cảnh báo phải mất nhiều thời gian các nhà đầu tư Mỹ mới có thể đặt được bước đi đầu tiên tại Cuba do rào cản về pháp lý. Thời gian cụ thể ở đây có thể là nhiều năm để dỡ bỏ các thủ tục hành chính được áp đặt trong suốt 53 năm qua. Quốc hội lưỡng viện Mỹ sẽ phải hủy luật cấm vận kinh tế và đi lại đối với Cuba từ năm 1961 và sau đó là đạo luật bổ sung năm 1996 Helms-Burton.

Nằm sát sườn Mỹ, Cuba có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Và quốc đảo này luôn duy trì quan hệ thân thiện với Nga và Trung Quốc. Tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm chính thức Cuba và xóa đến 90% (30 tỷ USD) trong món nợ khổng lồ 35 tỷ USD mà Cuba nợ Liên Xô. Đồng thời, hai bên ký hàng loạt hợp đồng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, công nghiệp... trong đó có thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí tại vùng biển của Cuba. Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất vào quốc gia này. Hiện có ít nhất 65 công ty lớn của Trung Quốc đang làm ăn trên đất Cuba. Bắc Kinh cũng đã sở hữu cảng biển lớn nhất của Cuba, dự kiến lớn nhất vùng Caribe vào năm 2015 tại khu công nghiệp Mariel.

Tổng thống Obama công khai thừa nhận việc cô lập Cuba hơn 50 năm qua không hiệu quả, và đã đến lúc phải có cách tiếp cận mới. Với những gì đã phát biểu, có vẻ Tổng thống Obama muốn mọi người thấy việc bình thường hóa quan hệ với Cuba là do chính quyền Mỹ nhân đạo đối với các gia đình người Cuba; quyết tâm sửa chữa những sai lầm cũ và đánh dấu mốc mới cho chính sách đối ngoại tương lai của Mỹ; tìm cách để Mỹ tham gia cuộc đối thoại chính trị và kinh tế đang diễn ra tại Cuba.

Tuy nhiên, sau quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba của chính quyền Obama, vẫn còn nhiều việc phải làm. Tổng thống Obama sẽ cần đến phê chuẩn của Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát để xóa bỏ lệnh cấm vận Cuba. Và trong bối cảnh một số nghị sĩ cốt cán của đảng Cộng hòa vẫn phản đối bất kỳ sự tan băng nào dù là nhỏ nhất trong quan hệ với Cuba, ông Obama khó kỳ vọng sẽ sớm có được sự hợp tác từ Quốc hội.

Marco Rubio, Thượng nghị sĩ gốc Cuba tại Florida đang cân nhắc ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Tổng thống thỏa hiệp với các chế độ đối đầu và nói ông ngăn cản việc bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại Cuba.

Trong khi đó, Jeb Bush, cựu Thống đốc bang Florida và là chính khách đầu tiên của đảng Cộng hòa công khai tham vọng trở thành ông chủ Nhà Trắng năm 2016, cũng đã tỏ dấu hiệu phản đối. Chính khách là con trai và em trai của hai cựu Tổng thống Mỹ, đồng thời là người ủng hộ lâu năm lệnh cấm vận Cuba, nói: “Tôi không nghĩ chúng ta nên thương lượng với một chế độ đối địch để tạo ra những thay đổi trong quan hệ của chúng ta (cho đến khi Cuba thay đổi)”. Với thực tế này, các doanh nghiệp sẽ phải chờ đợi khá lâu để có thể đến được quốc đảo tự do.